Không chỉ dạy tin học, cô Hải Lý còn dạy kèm toán, văn cho các em học sinh tiểu học |
Tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Khoa học Huế, chưa có chuyên môn sư phạm, cũng chưa có thật nhiều kiến thức về công nghệ thông tin, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hải Lý đã quyết tâm đem “ánh sáng công nghệ” đến với các em khiếm thị.
Cái gì đây cô ơi?
Trên chiếc xe lăn, cô Lý đã đến không biết bao nhiêu nhà sách, bao nhiêu nhà sư phạm để tìm hiểu, học hỏi mong có đủ khả năng truyền đạt cho các em. Rồi cô cũng xin để được đi học một lớp đào tạo giáo viên tin học cho người mù. Nhiều người cười cô Lý “học văn đi dạy máy tính”. Chẳng sao. Để các em được hiểu biết, cô cũng sẽ học. Thậm chí cô cũng phải đặt mình vào vị trí của các em – những người học tin học trong bóng tối.
Biết trước con đường đang chọn sẽ có nhiều chông gai, nhất là đối với những học sinh đặc biệt, nhưng cô đã “trót thương bọn trẻ mất rồi”. Trải qua ít nhiều cơ cực, thấy các em, cô Lý không sao ngăn được dòng cảm xúc: “Tôi là người tật nguyền, các em là người khiếm thị, dẫu có nhiều khó khăn trong việc truyền đạt giảng dạy nhưng giữa chúng tôi có một sự đồng cảm của những người thiệt thòi”.
Với người bình thường thì chẳng nói làm gì, nhưng với các em khiếm thị thì việc tiếp xúc với máy tính không hề đơn giản. Các em không thể tưởng tượng được như thế nào là bàn phím, không đủ sức để ghi nhớ các thao tác trên máy tính, nhất là phần mềm hướng dẫn sử dụng máy tính dành cho người khiếm thị bởi tất cả đều được lập trình bằng tiếng Anh. Đôi lúc cô Lý cũng đã tưởng không đủ sức để dạy nhưng rồi cô lại tiếp tục. Cô kiên trì lăn xe đến từng bàn máy, cầm tay các em, chỉ từng thao tác một và luôn động viên: “Ráng lên các em, không quá khó đâu…”. Mỗi lần các em làm được bài, cô lại khen giúp các em tự tin “thấy chưa, em làm được mà…”. Cô Lý bảo: “Thường thì lần đầu tiếp xúc với tin học, các em gặp nhiều khó khăn, nhưng khi nắm được căn bản thì em nào cũng nhanh trí…”.
Người mẹ thứ hai
Cô giáo Lý đang là giáo viên chính của cả hai hình thức đào tạo tin học cho trẻ em mù tại trung tâm: dạng cơ bản (dành cho các em đang học tiểu học và trung học), dạng dạy nghề (dành cho tất cả các em khiếm thị trong tỉnh). Giờ lên lớp của cô không thể tính bằng tiết nữa bởi cô phải có mặt tại trung tâm cả tuần. Hết dạy tin học còn phải dạy kèm toán, văn cho các em tiểu học, rảnh nữa thì gấp cho các em ít bộ quần áo, lo cho các em miếng nước, xúc cho các em vài chén cơm. Bước chân và tiếng nạng gỗ quen thuộc của cô vang khắp khuôn viên của trung tâm. Em Nguyễn Bảo Duy (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trường An) nói: “Em ước mắt mình được sáng để nhìn thấy cô Lý, cô như người mẹ thứ hai của em”. Dẫu lương và trợ cấp hiện nay còn thấp nhưng cô Lý bảo đó là khó khăn chung.
Giờ học chiều nay bất c hợt đổ mưa, đôi chân teo tóp của cô Lý lại đau nhức dữ dội. Cô vẫn đến với các em dẫu khuôn mặt nhăn nhó. Và ở đó sẽ có những bàn tay nho nhỏ dừng gõ phím, xoa nhè nhẹ trên đôi chân tật nguyền của cô…
Theo Nguyễn Phúc
(Người Lao Động)
Bình luận (0)