Gần 6 năm về giảng dạy tại Trường THCS Tây Sơn (Hải Châu, Đà Nẵng), cô giáo Hồ Thị Dung không chỉ được biết đến là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình mà còn được biết đến là người hướng dẫn học trò tham gia các cuộc thi sáng tạo đạt nhiều thành tích ấn tượng.
Cô Dung và học sinh do cô hướng dẫn đoạt giải nhất Cuộc thi sáng kiến ứng dụng vì môi trường do Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức |
1.Trẻ tuổi và tận tình, cô Hồ Thị Dung không chỉ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các đồng nghiệp mà còn là một người mẹ hiền đối với các thế hệ học sinh. Cô Dung sinh năm 1986, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Năm 2008, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, ngành sinh học, sau nhiều lựa chọn, cô đã chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân để bắt đầu hành trình đưa đò thầm lặng. Nói về nghề, cô bảo đó là duyên nợ! Vốn là một học sinh rất đam mê và giỏi văn trong những năm THCS. Thâm tâm cô luôn nghĩ, mình sẽ lấy tình yêu môn văn làm sự lựa chọn nghề nghiệp sau này. Nhưng năm lên lớp 10, điểm số 3 môn sinh khiến cô thao thức và quyết định thay đổi. Dù không bớt đi sự quan tâm môn văn nhưng cô quyết tâm học môn sinh. Những điểm số ngày càng được nâng cao lên của môn sinh thu hút cô quan tâm đến môn học này. Tốt nghiệp lớp 12, cô chọn sinh để thi ĐH. Cùng kì thi năm đó, cô đỗ vào ĐH Y dược Huế và ĐH Sư phạm Huế. Đắn đo vì thể lực nhỏ bé, cô chọn ngành sư phạm mà trong ý nghĩ nhiều người thường phù hợp với dáng dấp thư sinh. “Nghề giáo đến với mình như định mệnh và cứ thế gắn bó. Đôi khi cũng tự hỏi tại sao mình không chọn ngành y? Nhưng rồi tình yêu nghề giáo với những gương mặt học trò như con cái của mình thế là lại thấy yêu nghề hơn!”.
Bước sang năm thứ 4 liên tục làm công tác chủ nhiệm, mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, cô Dung đều dành thời gian chuyện trò, tìm hiểu tâm tư của từng học sinh. Cô bảo: “Công tác chủ nhiệm cực kì vất vả. Mỗi học sinh đến trường có một tính cách khác nhau. Trong tập thể lớp, mình phải làm sao để gắn kết các em, làm sao để các em chăm ngoan và vâng lời không chỉ riêng giáo viên chủ nhiệm mà còn với các giáo viên bộ môn. Thông thường, mình phải là người chủ động tìm hiểu thêm ở giáo viên bộ môn để có phương án ứng xử, uốn nắn kịp thời”. “Tuy vậy, làm công tác chủ nhiệm cũng đem về cho mình nhiều niềm vui. Cũng như ở nhà mình có những đứa con để yêu thương, chăm bẵm và lo lắng thì ở lớp cũng vậy. Mình vui với thành công của học trò, và mình an ủi chúng khi có chuyện buồn. Có lẽ người giáo viên chủ nhiệm không gì hạnh phúc bằng khi các con thành đạt, và cảm giác ấy hạnh phúc hơn khi các thế hệ học trò mình chủ nhiệm lớn dần lên và tìm về gặp lại cô giáo. Cảm xúc ấy như mẹ con xa nhau lâu ngày gặp lại”, cô Dung trải lòng.
2.Dù tuổi nghề chưa nhiều, nhưng cô Dung sở hữu khá nhiều thành tích ấn tượng. Từ danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi hai năm liên tục; giải nhất thiết kế bài giảng Elearning cấp quận; bằng khen cấp bộ về dạy học bằng phương pháp bàn tay nặn bột… Chưa dừng lại ở đó, cô còn được biết đến là một giáo viên có duyên hướng dẫn học sinh đạt giải ở các cuộc thi về chủ đề khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Cô Dung bấm đốt ngón tay: “Từ năm học 2012-2013 đến nay, mình đã hướng dẫn 8 đề tài cho các bạn học sinh tham gia các cuộc thi và đều đạt giải, từ khuyến khích đến giải nhất”. Có năm, dưới sự hướng dẫn của cô Dung, học trò “ẵm” về nhiều giải ấn tượng, như năm học 2015-2016, học trò của cô đạt đến 4 giải cấp thành phố và cấp quốc gia ở cuộc thi khoa học kỹ thuật và vận dụng kiến thức liên môn. Mới đây nhất, tại Cuộc thi sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề môi trường do Sở GD-ĐT thành phố tổ chức, hai học trò của cô là Đinh Thị Hương Giang (lớp 7/2) và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (lớp 8/9) ẵm về giải nhất và giải nhì với đề tài: “Xây dựng mô hình xe buýt để đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” và đề tài “Sử dụng thực vật để xử lý môi trường nước hồ Công viên 29-3”.
Nhận xét về cô Dung, thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng nhà trường nói, cô Dung là một giáo viên trẻ nhiệt tình, năng nổ trong công tác giảng dạy cũng như các phong trào hoạt động của trường; tận tình hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi do ngành giáo dục phát động đạt thành tích tốt. |
3.Vừa làm công tác chủ nhiệm, vừa giảng dạy lại vừa hướng dẫn học trò, thời gian của cô Dung khá tất bật. “Cứ mỗi lần hướng dẫn, nghe học trò đưa ra ý tưởng thuyết phục là mình bắt đầu đồng hành cùng các em, tư vấn và hướng dẫn cho các em mỗi lúc các em gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, do các em còn lứa tuổi THCS nên mỗi lần đi thực địa để làm thực nghiệm, mình đều phải theo các em để tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc”. “Cũng có lần cả cô và trò đang đi thực nghiệm ở sông Phú Lộc để làm về đề tài giải pháp xanh giảm ô nhiễm môi trường thì bị… lạc, trong khi trời mưa tầm tã, tìm mãi vẫn không thấy đường ra. Mệt mà vui”, cô Dung bộc bạch.
Nhiệt tình, năng nổ và rất yêu thương học trò. Hỏi cô Dung điều gì khiến cô hăng say với nghề đến vậy? Cô nói đó là tình yêu nghề. Hơn thế, học trò là sản phẩm sáng tạo của người giáo viên đứng trên bục giảng, vì thế thành công của trò là thành quả của mình. Trò chuyện với cô, tôi chợt nhận ra rằng, người thầy giỏi không hẳn là người có nhiều kiến thức giỏi mà phải là người hướng dẫn kỹ năng cho học sinh, cả năng lực tiếp thu tri thức lẫn kỹ năng sống, tiếp cận thực tế!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)