Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cô giáo về nơi “khỉ ho cò gáy”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Mỹ Nhung cùng các trò trong giờ học
Thời gian gần đây, mặc dù bậc học mầm non (MN) có phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bất chấp những khó khăn, nhiều giáo viên (GV) MN không ngại bám trường, bám lớp để hoàn thành sứ mệnh “phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi” ở những vùng đất “khỉ ho cò gáy”. Không nhụt chí, họ vẫn cháy bỏng tình yêu trẻ, yêu nghề.
“Ăn nhờ ở đậu” nơi vùng sâu
Sau gần 5 năm, khi chúng tôi trở lại, Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) vẫn vậy: Những phòng học ọp ẹp, tạm bợ, phòng hiệu trưởng, phòng GV chật ních… do tất cả các phòng học và phòng làm việc đều là phòng mượn của Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 3. Cô Phạm Thị Phương Quyên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh chia sẻ: “Trường chúng tôi có nhiều thua thiệt nhưng đáng mừng là có một số GV rất yêu nơi này như cô Nguyễn Thị Thu Nguyên, Nguyễn Thị Mỹ Nhung”. Còn nhớ, lần chúng tôi đến Vĩnh Trinh để tìm hiểu cái khó của ngôi trường tạm bợ, cô Nhung rụt rè: “Chúng tôi mới ra trường, lương chỉ hơn 1 triệu mà phải đi xuống các điểm lẻ xa, hao tiền xăng lắm. Trường còn chưa có cơ sở vật chất riêng nên chúng tôi phải ở trọ, mỗi tháng hết mấy trăm ngàn”. Khổ là vậy nhưng mấy năm sau trở lại vẫn thấy các cô Nhung, Nguyên còn dạy ở đây. Hỏi lý do, cô Quyên nói: “Trường của tôi thiếu GV nhiều. Toàn trường chỉ có 3 cô trong biên chế, còn lại phải hợp đồng GV chưa có chuyên môn bên ngoài. Xin hoài nhưng chẳng thấy GV nào về. Cứ đầu mỗi năm học, hội đồng sư phạm chờ GV mới rồi chẳng thấy đâu”. Có lẽ vì vậy mà nhiều năm rồi cô Nhung, cô Nguyên không thể chuyển trường về gần nhà được. Ông Nguyễn Văn Liếng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh, băn khoăn: “Biết Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh thiếu GV nên năm nào phòng cũng ưu tiên tuyển dụng và phân công GV cho trường. Nhưng khi các cô dò la, nào là trường khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều điểm lẻ… nên các cô không đến nhận nhiệm sở. Họ cũng không cần vô biên chế mà trở lại trung tâm thành phố để dạy các nhóm trẻ hoặc trường tư thục”.
Có lẽ vì vậy mà cô Nhung, cô Nguyên và cả cô Hiệu trưởng không thể bỏ trường, bỏ lớp. Cô Quyên nói: “Chồng tôi làm ở TP.HCM nên hai vợ chồng cũng muốn sum họp nhưng nhân sự của trường như vậy, làm sao chúng tôi bỏ đi cho đành”. Do địa bàn rộng, Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh đã tách ra thêm một trường mới nên điểm lẻ cũng ít hơn. Cô Nhung kể: “Lúc mới về trường, lương thấp, lại được phân công dạy điểm lẻ, đường sá đi lại khó khăn, nhiều khi vừa dắt xe vừa khóc vì đường đang được làm nền, người ta bơm cát, trời nắng, cát khô, chạy xe không được. Rồi tiền bạc thiếu thốn… vậy mà mình vẫn bám trường được và gần như đã yêu nơi này mất rồi”. Tuy nhiên điều cô Nhung băn khoăn hiện nay là gia đình cô quá neo người. Chị em đều đi làm xa, chỉ có cha mẹ già ở nhà không ai chăm sóc. Không biết còn có thể bám trụ nơi này bao lâu nữa.
Hôm chúng tôi đến, cô Nhung và cô Nguyên có tin vui vì ngành giáo dục vừa đề nghị Trường THCS Vĩnh Trinh sắp xếp cho 2 cô ở nhờ tại nhà công vụ của trường để an tâm công tác. Gần 10 năm thành lập huyện Vĩnh Thạnh, Trường Mẫu giáo Vĩnh Trinh vẫn chưa có cơ sở vật chất riêng của mình, phải học nhờ ở trường tiểu học, còn các cô thì phải đi ở nhờ tại trường THCS… Nhưng bù lại, đất Vĩnh Trinh đã có được tình yêu của những cô giáo MN tâm huyết với trẻ nơi này.
Bị té sông: Chuyện bình thường
Tình yêu với nghề giáo, với trẻ vùng sâu xa là thứ tình cảm không thể nào lý giải được và dường như nó ngày càng sâu nặng theo thời gian trong cô Hà Trúc Giang (GV Trường Mẫu giáo Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ). Nhớ lại thời điểm mới ra trường, cô Giang kể: “Tôi học tại huyện Ô Môn (cũ), lúc ấy, tại nhà tôi ở phường Thới Long đang thiếu GV nhưng tôi đề nghị với phòng cho tôi đến điểm nào xa nhất huyện. Và ngành đã phân công tôi về xã Thới Đông – bấy giờ là xã đặc biệt khó khăn của TP.Cần Thơ. Sau này, xã Thới Đông tách thành 2 xã Thới Xuân và Thới Đông. Thật tình, lúc tình nguyện đi vùng sâu, tôi không lường hết khó khăn, thiếu thốn mà mình vấp phải nhưng chính những khó khăn đó đã  giúp tôi yêu nơi này hơn”. Những chuyến đi xuống ấp vận động học sinh ra lớp trên tuyến đường lầy lội; những chuyến phà nhỏ xíu chỉ có thể chở 1 người và xe vượt kênh luôn lắc lư, có thể chìm bất cứ lúc nào; những ngôi nhà xa tít ven bờ kênh, cách đường hàng cây số phải đi bộ trên bờ ruộng, lồi lõm; những gương mặt lấm lem, ngơ ngác cả với chuyện học của trẻ vùng sâu còn nhiều thiệt thòi… Ngày qua ngày, những thứ khó khăn ấy ngấm dần vào lòng cô giáo trẻ và lạ thay chính nó là động lực để cô Giang ở lại và gắn bó với Thới Xuân. “Tôi dạy ở điểm lẻ rồi ở luôn tại phòng tập thể của trường tiểu học nên mỗi khi đi họp phải ra điểm trung tâm. Có lần về điểm trung tâm họp, đường trơn nên tôi và một đồng nghiệp chạy xe té nhào luôn xuống sông. Không biết làm cách nào để mang xe lên thì được bà con ở đây lặn, kéo xe lên giúp. Còn té cầu khỉ là chuyện bình thường rồi”, cô Giang kể lại.
Khó khăn là vậy nhưng cô Giang vẫn không bỏ về thành phố mà trái lại còn chứng minh tình yêu với nơi này bằng cách lập gia đình và đăng ký hộ khẩu nơi đây. Chồng cô Giang cũng là GV của trường tiểu học trên địa bàn huyện. Hiện hai vợ chồng cô đang sống tại nhà công vụ được cải tạo từ một phòng học cũ của Trường Tiểu học Thới Xuân 2. “Phòng học cũ chia làm 2 phòng tập thể nhưng với vợ chồng tôi có nơi ở kín đáo, an toàn so với các phòng tập thể trước đây là mừng rồi. Vợ chồng tôi cũng có hộ khẩu ở xã Thới Xuân nên quyết tâm bám trụ và lập nghiệp nơi này”, cô Giang thổ lộ. Cô Giang hiện là Tổ trưởng chuyên môn lớp 5 tuổi dạy 2 buổi/ngày của trường. Hiện lớp Lá 1 mà cô Giang đang phụ trách có 32 trẻ, trong đó, có 21 trẻ dân tộc Khmer. Hầu hết trẻ Khmer thuộc dạng nghèo và cận nghèo nên các em đến trường trong hoàn cảnh khó khăn. Cô Giang nhớ lại: “Đầu năm học rồi, do chưa nhận được tiền hỗ trợ học tập nên em Thạch Thị Chanh Búp Khoa và em Liêu Thị Mỹ Dung chưa có đồ dùng học tập để học cùng các bạn. Sợ các em buồn vì thua thiệt nên cô đã mua tặng các em. Một số trẻ lớp cô Giang phụ trách còn chưa quen với tiếng Việt. Cô Giang bộc bạch: “Một số trẻ mới vào lớp 5 tuổi, ở nhà các em chỉ giao tiếp với cha mẹ bằng tiếng Khmer nên vào lớp cô nói nhanh các cháu sẽ không theo kịp, vì vậy cô và cháu phải chậm rãi trao đổi với nhau, từ từ giúp trẻ làm quen”.
Bài, ảnh: Quốc Bảo
TP.Cần Thơ đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với rất nhiều những thành tích nổi bật. Và để tạo nên thành quả tuyệt vời đó, có sự đóng góp không nhỏ của những cô giáo MN ngày đêm bám trụ ở các điểm trường vùng xa cố gắng ươm mầm góp phần nâng cao dân trí, kéo giãn khoảng cách hưởng thụ giáo dục giữa vùng xa và trung tâm thành phố. Họ như ngàn hoa thầm lặng bởi không chỉ có cô Giang, cô Nhung, cô Nguyên, cô Quyên mà còn hàng trăm GVMN ở các điểm trường cùng bám trụ và vượt khó từng ngày… 
 

Bình luận (0)