Nhờ cách giảng dạy hấp dẫn, thực tế, cô Nguyễn Ngọc Phượng Linh (giáo viên âm nhạc Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) không chỉ truyền tình yêu âm nhạc đến học sinh mà còn tạo nên phong trào văn nghệ sôi nổi trong trường học và ngành giáo dục. Cô đã giúp học sinh xua tan những căng thẳng, áp lực trong học tập, truyền động lực cho giáo viên hoàn thành tốt công tác chuyên môn, nhiệm vụ.
Những cách dạy âm nhạc sáng tạo
Từ nhỏ cô Linh đã đam mê văn nghệ. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Linh chọn vào Nhạc viện TP.HCM học âm nhạc. Dưới sự dẫn dắt của thầy, cô chọn chuyên ngành sư phạm âm nhạc để trở thành “người lái đò” dìu dắt học sinh. Với phương pháp giảng dạy hấp dẫn, thực tế, cô Linh không chỉ làm tốt vai trò của giáo viên âm nhạc mà còn tạo nhiều hứng thú cho học sinh trong tiết dạy của mình. “Thay vì dạy theo cách truyền thống – giáo viên hát sau đó yêu cầu học sinh thực hiện theo thì tôi cho các em chủ động hát trước. Nghe học sinh hát xong, tôi đánh giá, nhận xét. Em nào hát tốt thì thôi, em nào hát chưa tốt tôi chỉnh, sửa giúp các em cải thiện”, cô Linh chia sẻ.
Bên cạnh dạy các em hát tốt, cô Linh cũng hướng dẫn các em kỹ năng biểu diễn. “Các em phải hát đúng nhịp điệu, khi nào cần lên cao, khi nào cần hạ thấp. Giọng hát tốt nhưng kỹ năng biểu diễn cũng quan trọng. Dù không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng khi hát phải thực hiện đúng kỹ thuật, tự tin, gương mặt vui tươi. Các em phải nhập tâm vào bài hát và cháy hết mình với bài hát thì mới cảm nhận được những ca từ mà tác giả gửi gắm vào bài hát”, cô Linh cho biết.
Qua những bài hát, cô Linh còn giáo dục học sinh về tình yêu gia đình, bạn bè, tình yêu quê hương đất nước. “Chẳng hạn với bài Ngôi nhà chung của chúng ta, tôi đã phân tích cho các em vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Tôi cũng không quên nhắc nhở các em rằng mình là người Việt Nam, dù đi đâu mình cũng phải tự hào về đất nước đồng thời các em cũng có thể giới thiệu những vẻ đẹp, văn hóa của đất nước mình đến bạn bè. Khi họ biết họ mới tò mò, quan tâm và tìm hiểu về đất nước của mình”, cô Linh cho biết.
Dạy âm nhạc – môn học mà một số người không quan tâm khiến đôi lúc cô Linh cũng chạnh lòng nhưng động lực giúp cô luôn có lửa nghề đó là học sinh. Mỗi khi đến tiết dạy, thấy học sinh hào hứng, thích thú với âm nhạc cô vô cùng hạnh phúc. “So với những môn học khác, âm nhạc không phải môn chính nhưng lại là môn không thể thiếu trong trường học. Âm nhạc tạo cảm giác thư giãn, lấy lại năng lượng sau những giờ học căng thẳng. Nhờ đó giúp học sinh vượt qua các môn học dễ dàng. Vì vậy chúng ta không nên phân biệt môn chính, môn phụ vì các môn học đều liên kết với nhau nhằm giáo dục học sinh”, cô Linh tâm sự.
Vui là chính
Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Linh luôn “hăng say” với hoạt động phong trào do trường, ngành giáo dục phát động. Ở trường, cô phụ trách CLB Văn nghệ, hướng dẫn các em tham gia biểu diễn vào những ngày lễ, khai giảng của trường. Cô cũng hết mình giúp học sinh tham gia các hội thi khác và đoạt nhiều giải thưởng. Với sự hướng dẫn, chỉ bảo của cô, nhóm Lửa Trần Chuyên trong CLB đã giành giải quán quân Hội thi tiếng hát “Chú ve con” năm 2024 với chủ đề “Tổ quốc trong câu hát mẹ ru”. Năm 2023, học sinh của cô Linh cũng đã giành á quân hội thi này. Riêng bản thân cô Linh cũng giành giải nhất bảng cá nhân Hội thi “Tiếng hát từ mái trường” do Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM tổ chức. Đây là năm thứ 5 cô tham gia hội thi và đều đoạt giải. “Hội thi vừa mang lại niềm vui vừa tạo động lực để tôi tiếp tục với công tác giảng dạy”, cô Linh chia sẻ.
Cô Linh chia sẻ, cô thích nhất là những bài hát về cách mạng. Với giọng hát nữ trầm, đầy nội lực mỗi khi cất lên tiếng hát cô Linh lại càng thêm trân quý những gì mình đang có ở hiện tại đồng thời biết ơn những anh hùng đã ngã xuống vì quê hương đất nước, giúp chúng ta có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay. Đó cũng là những lời dạy mà cô thường nhắc học sinh của mình vào tiết học âm nhạc.
Đối với cô Nguyễn Ngọc Phượng Linh, nghề giáo rất cao quý. Mỗi ngày được lên lớp, được gặp học sinh là niềm hạnh phúc. “Tôi sẽ gắn bó với nghề và không ngừng học tập để truyền kiến thức đến học sinh. Bên cạnh đó, tôi sẽ hỗ trợ học sinh trong các hoạt động phong trào để các em cảm thấy thích thú trong học tập, có sân chơi sau những giờ học áp lực đồng thời xác định được đam mê, năng lực để phát triển trong tương lai”, cô Linh nói. |
Trong các hội thi, cô Linh lúc nào cũng khuyên học sinh tham gia để vui, quan trọng là thể hiện hết mình còn việc thắng, thua không quan trọng. Với suy nghĩ đó, các em học sinh không bị áp lực, cứ thoải mái thể hiện bản thân. “Đã là phong trào quan trọng là vui, có gì chơi đó. Như vậy học sinh mới thích thú, tham gia hào hứng”, cô Linh bày tỏ.
Những năm qua, cô Linh đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh ra trường. Nhiều em đã theo con đường âm nhạc để thỏa đam mê nhưng cũng rất thành công trong cuộc sống như: Diễn viên Minh Trang, diễn viên Thu Hiền, ca sĩ Trần Ti Na… “Là giáo viên, điều mà ai cũng mong muốn đó là thấy học trò định hướng được nghề nghiệp. Bởi khi chọn đúng ngành nghề, hướng đi các em mới cảm thấy hạnh phúc và tỏa sáng với nghề”, cô Linh bộc bạch.
Thúy Kiều
Bình luận (0)