Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô giáo xây trường

Tạp Chí Giáo Dục

51 tuổi, đã có hơn 30 năm nâng niu những nét chữ học trò từ lúc bé thơ, cô đã giúp bao nhiêu học sinh plây Kly Phun (trong tiếng Gia Rai, plây có nghĩa là làng) bay xa hơn bằng giấc mơ con chữ. Đó là hình ảnh cô giáo già Kpă H’Dup (làng Kly Phun, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, Gia Lai).
Cô H’Dup và học trò trong lớp học của mình – Ảnh: TRUNG TÂN
Trong buổi lễ tổng kết chương trình “Giỏi việc trường, giỏi việc nhà” năm 2009 mới đây của công đoàn ngành giáo dục tỉnh Gia Lai, cô giáo Kpă H’Dup đã nhận được nhiều lời thán phục từ các đồng nghiệp trong tỉnh.
Là một cô giáo người dân tộc thiểu số nhưng cô luôn ý thức được việc trang bị kiến thức cho học sinh ngay từ lớp học đầu đời. “Chỉ mong đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp giáo dục vì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, của mỗi nhà giáo đứng trong ngành sư phạm” – cô Kpă H’Dup chia sẻ.
Thấy trẻ ngồi học khổ quá, mình thương!
Chương trình “song ngữ”
Bây giờ học trò trong làng dù nắng hay mưa cũng đi học đầy đủ. Nhiều em đi rất sớm, đến lớp mặt vẫn còn lem nhem, cô phải lấy khăn lau mặt, chải đầu rồi mới cho vào lớp.
Những tiếng hát líu ríu của các cô cậu học trò, tiếng đùa nghịch làm gian phòng học bé nhỏ luôn sôi nổi. Ra chơi hoặc trong tiết tìm hiểu môi trường xung quanh cô giáo tập cho trẻ chơi trò chơi, dẫn trẻ ra vườn hoa ngoài sân…
Mỗi tiết học, mỗi bài hát hay bài thơ đều phải dạy hai thứ tiếng Kinh và Gia Rai. Để các bé biết được mặt chữ, bài thơ, bài hát đã thuộc làu nhưng lại quên nội dung, cô lại dùng tiếng Gia Rai để giảng giải cho bé hiểu.
Rồi cô nắn nót cho từng trẻ tập tô, tập viết từng nét chữ đầu đời. Nhiều học trò đã trở thành cô giáo, làm cán bộ vẫn thường về thăm cô…
Năm 1976, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Gia Lai – Kontum (cũ), cô Kpă H’Dup về giảng dạy tại Trường mẫu giáo Họa Mi của huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Vì trẻ dân tộc thiểu số ở rải rác nên để trẻ được đi học phải mở phân hiệu ngay trong làng hay gần làng và học chung với học sinh tiểu học.
Cô H’Dup đã được phân về phân hiệu ngay trong làng Kly Phun của mình. Những ngày đầu đứng lớp dạy các em mầm non tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong, cô không khỏi bùi ngùi khi thấy các bé học không có dụng cụ, bàn thì cao tới cằm phải ngồi rướn lên mà học, đánh vần…
“Bàn ghế, lớp học chỉ dành riêng cho học sinh tiểu học chứ không thiết kế cho học sinh mẫu giáo. Mình đã tự vận dụng những gì học được ở trường để trang trí lớp học, làm dụng cụ học tập, vui chơi cho học sinh nhỏ tuổi”.
Nhưng học chung với học sinh tiểu học đang tuổi hiếu động nên những hình trang trí xung quanh lớp học, dụng cụ cho các học sinh nhỏ tuổi đều bị các em phá hỏng. Luôn trăn trở với điều đó nhưng cô Kpă H’Dup không biết làm cách nào vì trường có vách bằng ván sơ sài, không cửa nẻo gì cả, cô cũng không ở trường để canh giữ mãi.
Hơn nữa, qua giảng dạy cô thấy bàn học cho học sinh quá cao, các em rất khó khăn cho việc tập viết, tập tô. Trường chung nên cũng không có sân chơi dành riêng cho các bé.
Trong khi đó các học trò nhỏ người Gia Rai luôn hỏi cô những câu hỏi ngây thơ “cô ơi sao mặt trời lại tròn, sao ôtô chạy được, sao máy bay lại biết bay như chim?”… Lòng cô giáo trẻ càng thêm nặng trĩu.
“Còn nhiều điều các bé chưa biết lắm, sao mình có thể thờ ơ. Phải làm sao để tách lớp cho các học trò nhỏ được hưởng những điều kiện tối thiểu, tương đối đúng quy định của chương trình mầm non. Thấy trẻ ngồi học khổ quá mình thương lắm!..”.
Lấy đất nhà, vay vốn xây trường
Trăn trở để rồi năm 2004, cô đã đi đến quyết định sẽ xây lớp học riêng cho các em mẫu giáo. Nhưng tiền đâu ra, đất nào để xây…? Cô đã bàn cùng chồng vay vốn ngân hàng (nguồn vốn ưu đãi cho giáo viên) rồi lấy một phần đất gia đình để xây dựng trường. Số tiền 10 triệu đồng chỉ đủ xây phần móng, láng nền, mua tôn và một số bàn ghế. Cô đã tận dụng số ván thừa của gia đình để đóng cho lớp kín đáo.
Bây giờ lớp học đã xây được năm năm, hằng năm có 25-30 bé. Đã có vườn hoa, sân chơi, xích đu để các bé vui chơi, cô cũng làm và mua thêm một số đồ chơi, dụng cụ học tập… Các bé học sinh người Gia Rai nơi xa tít này cũng được học như những học sinh ở những nơi có điều kiện hơn. Học sinh của cô giáo luôn đến lớp đông đủ, luôn vui cười trong những bài giảng của cô.
Nhưng cô H’Dup vẫn luôn mong muốn trẻ mẫu giáo trong ngôi làng thân yêu của mình có một lớp học sạch sẽ, đầy đủ đồ chơi và dụng cụ học tập. Nhiều lần cô phải đến tận nhà các cháu dặn bố mẹ không đưa các cháu đi rẫy giữ em mà phải để bé ở nhà học. Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền tập viết, tập tô, gia đình không hề hỗ trợ gì thêm. Từ bảng, rổ đựng đồ chơi, sách dạy toán mẫu giáo, ô chữ rời và nhiều đồ chơi… cô phải tự mua để các em học.
“Mình là người Gia Rai, được may mắn về dạy ngay trên mảnh đất mình sinh ra nên luôn trăn trở để các bé có được những điều kiện tương đối. Mình luôn ý thức được việc bậc học mầm non là bước đệm cho các em đi tiếp những bậc học cao hơn” – cô Kpă H’Dup tâm sự.
TRUNG TÂN/TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)