Bám trụ ở cổng trời An Toàn (huyện An Lão – Bình Định) đã 10 năm, nhiều lần có điều kiện về xuôi với gia đình, nhưng cô giáo Mai Xuân vẫn không muốn rời đám học trò miền cao, bởi “mình đã mê cái mùi khét nắng của bọn nhỏ ở đây rồi … ”
Cô giáo Mai Xuân và đám học trò thân yêu – Ảnh:Việt Hương |
Cô giáo Mai Xuân kể: “Cách đây 10 năm, khi cô cùng 10 giáo viên trẻ khác tình nguyện lên vùng cao An Toàn dạy học đã mọi người trong gia đình phản đối dữ dội. Nhưng rồi chồng cũng phải chịu thua và sống cảnh “gà trống nuôi con” từ đó đến nay”.
Đường lên cổng trời An Toàn thật trái ngược với tên gọi. Đoàn công tác của chúng tôi trên chiếc U oát, bao nhiêu lần phải nhắm mắt, bám chặt tay vào thành xe phó mặc cho may rủi mỗi khi vượt qua những con dốc dựng đứng chênh vênh bên mép vực kinh hoàng.
Mỗi thôn cách nhau tới năm sáu cây số toàn những đèo cao vực sâu. Mới biết sức chịu đựng và lòng dũng cảm, yêu học sinh của thầy cô ở nơi đây lớn đến nhường nào.
Ấn tượng đầu tiên là những tiếng chào hỏi và nét mặt hớn hở của học sinh khi có khách lạ. Rồi chúng đã khóc khi nhìn thấy cô giáo thân yêu của mình xúc động rơi lệ.
“Mình tình nguyện ở lại đây, là vì mình đã quen với môi trường trên này, nên nếu được luân chuyển về xuôi thì ở dưới giáo viên khác phải lên cũng vậy, họ lại bắt đầu với nước mắt như mình trước kia. Thế là mình quyết định ở lại, ít nhất cũng giúp được một đồng nghiệp thay mình”, Mai Xuân tâm sự.
Đêm ấy không ngủ. Không ngủ vì những câu chuyện tích tụ hàng chục năm dồn lại. Những điệu múa của đêm bập bùng ánh lửa, những đứa trẻ có mái tóc rối, da đen nhẻm với cái mùi khen khét đặc trưng nơi vùng cao ít nước…
Mai Xuân yêu chúng là vì chúng thật thà và tốt bụng; cuộc sống nơi núi rừng bao la chỉ có tiếng vượn hú và gió cây xào xạc lạnh đến rợn người thì ở đấy tất cả con người đều tự nguyện yêu thương và sống với nhau như một đại gia đình trong bản.
Cô giáo Mai Xuân đã nói với chúng tôi rằng: “Mình yêu mấy đứa trẻ đơn giản là vì chúng yêu mình. Xa chồng xa con nên mình xem chúng như là con của mình nên không chỉ truyền con chữ cho chúng mà hễ cứ ngồi bên một em học sinh nào mình cũng truyền cho chúng tất cả những gì của người Kinh, của người mẹ truyền cho đứa con ngoan.
Thế nên bây giờ mình không phân biệt được mình là người Kinh hay người dân tộc nữa, mình đã thực sự hòa đồng vì cái mùi của chúng”.
Ông Đinh Văn Lý, Bí thư xã An Toàn nhận xét: “Mai Xuân là một cô giáo đặc biệt. Luôn là giáo viên giỏi của trường, của huyện nhưng cô ấy tình nguyện ở lại với An Toàn chỉ vì cô yêu đám trẻ vùng cao.
Xa chồng, xa con lên đây một năm cũng chỉ về được vài lần nên sự khát khao tình mẹ cô dành hết cho bọn trẻ ở đây. Ai cũng thương cô nên đã bao lần làm xong thủ tục cho cô về xuôi nhưng khi cô bước chân ra đi thì đám trẻ khóc ré lên, cuối cùng chính mấy đứa trẻ ấy đã níu bước được cô giáo đẹp người, đẹp nết Mai Xuân ở lại”.
Việt Hương/TPO
Bình luận (0)