Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Có giới hạn độ tuổi dự thi ĐH, CĐ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trường quân đội có tăng chỉ tiêu? Thi khối A có được chuyển sang ngành khối V? Sinh viên có được phép học một lúc hai chương trình? Học hóa dầu có thể làm ở nhà máy xi măng? Thí sinh đang học phổ thông muốn nộp thêm hồ sơ thì phải làm sao?…
Hỏi: Em được biết năm nay chỉ tiêu vào các trường ĐH, CĐ tăng 10% so với năm 2009. Ban tư vấn cho em biết chỉ tiêu khối các trường quân đội có tăng không?(lethihanh@yahoo.com.vn)


(Ảnh: Việt Hưng)

Trả lời:
Theo Ban tư vấn được biết thì chỉ tiêu khối các trường quân đội tăng rất ít, thậm chí có năm còn giảm chỉ tiêu.
Tuy nhiên em cần phải lưu ý điều này, đối với khối các trường quân đội thì chỉ tiêu công bố chỉ là “ảo”. Chỉ tiêu tuyển sinh thực của khối các trường này không công bố vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng. Hiện tại khối các trường quân đội vẫn chưa công bố chỉ tiêu, vào trung tuần tháng 2 này Ban tuyển sinh Bộ Quốc phòng sẽ họp sau đó mới công bố chỉ tiêu.
Em dự định thi trường ĐH Kiến Trúc HN khối A ngành 105: kỹ thuật hạ tầng đô thị. Em muốn biết sau khi đã đỗ em muốn chuyển sang ngành khối V: Kiến trúc công trình có được không? Nếu được thì em cần những điều kiện và thủ tục như thế nào? (save9x@gmail.com)
Em thi khối A mà lại muốn chuyển sang ngành học khối V thì không thể được. Đối với trường ĐH Kiến trúc HN thì việc phân ngành dựa trên đăng ký và điểm thi của thí sinh.
Sau khi có kết quả tuyển sinh thì trường công bố điểm chuẩn theo khối. Việc phân ngành sẽ tiến hành khi sinh viên nhập trường. Nếu sinh viên đủ điểm chuẩn vào trường nhưng chưa trúng tuyển vào ngành đăng ký thì sẽ được chuyển sang ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn. Tuy nhiên ngành chuyển đổi phải tuân thủ theo nguyên tắc cùng khối thi và còn chỉ tiêu.
Hiện nay em thấy có nhiều trường ĐH cho phép sinh viên đăng kí học 2 chuyên ngành 1 lúc để sau khi tốt nghiệp có được 2 bằng ĐH (nếu lực học khá tốt). Năm nay em muốn thi vào ĐH Mở Hà Nội nhưng thắc mắc không biết trường này có học theo tín chỉ và có cho phép đăng kí học 2 chuyên ngành không? (maybe_hn@yahoo.com.vn)
Theo Ban tư vấn được biết thì hiện tại Viện ĐH Mở HN vẫn đào tạo theo niên chế, chưa đào tạo theo tín chỉ.
Theo quy định hiện nay thì dù học theo hình thức đào tạo niên chế hay tín chỉ thì sinh viên đều có được phép học một lúc hai chương trình của một trường ĐH. Tuy nhiên phải đáp ứng được các yêu cầu đưa ra.
Cụ thể, đối với đào tạo niên chế thì đối tượng được tham gia là những sinh viên đã học xong năm thứ nhất nếu có đủ điều kiện: Điểm trung bình chung học tập từ 6,0 trở lên được học vượt một số học phần so với lịch trình quy định, nếu có nguyện vọng và được giáo viên chủ nhiệm đồng ý, sẽ được đăng ký học thêm chương trình đào tạo nữa tại trường mình đang học để khi tốt nghiệp được cấp 2 văn bằng.
Khi học chương trình đào tạo thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm các học phần tương đương có trong chương trình đào tạo thứ nhất. Sinh viên học vượt được rút ngắn thời gian học so với thời gian quy định cho toàn khóa học
Đối với đào tạo tín chỉ thì điều kiện để học cùng lúc hai chương trình: Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất; Sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất; Sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất;
Sinh viên đang học thêm chương trình thứ hai, nếu rơi vào diện bị xếp hạng học lực yếu của chương trình thứ hai, phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.
Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.
Em năm nay thi ĐH em thi ngành lọc hoá dầu cho em hỏi ngành này học gì và nghiên cứu về lĩnh vực gì khi ra truờng có thể làm nhiều việc hay chỉ có thể làm việc ở các nhà máy lọc hoá dầu. Có thể làm việc ở các nhà máy xi măng được không? (maivannam90@yahoo.com.vn)
Lọc hóa dầu chỉ là một chuyên ngành hẹp của ngành công nghệ hóa dầu. Tổng quan thì ngành công nghệ hóa dầu bao gồm các môn học: hóa học dầu mỏ, công nghệ lọc dầu, công nghệ hóa dầu, xúc tác lọc hóa dầu, phụ gia khai thác, vận chuyển và bảo quản dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ, công nghệ sản xuất nhiên liệu dầu và khí, công nghệ chế tạo monome và các hóa chất cơ bản từ dầu mỏ, các quá trình oxy hóa hidrocacbon từ dầu mỏ, an toàn và bảo vệ môi trường trong công nghiệp dầu khí, công nghệ hidro xử lý các sản phẩm dầu khí, công nghệ tách hidrocacbon trong lọc hóa dầu, kinh tế dầu khí…
Ngành này tương lai sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam vì hiện nay nước ta có các khu lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nói chung thì khi học ngành hóa dầu thì khó có thể công tác trong lĩnh vực xi măng được vì quy trình sản xuất xi măng liên quan đến nhiều thiết bị khác. Để có thể vừa làm trong lĩnh vực dầu khí và xi măng thì em nên học ngày Máy và thiết bị hóa chất và dầu khí.
Cho em hỏi, nếu không đậu ĐH em có thể nộp vào hệ cao đẳng trường ĐH Tôn Đức Thắng được không? Nếu học CĐ ngànhTài Chính Ngân Hàng liên thông lên ĐH là bao nhiêu năm? (khuugia10@yahoo.com.vn)
Theo thông tin từ phía trường ĐH Tôn Đức Thắng thì năm 2010 hệ CĐ chính quy sẽ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển từ kết quả thi ĐH các khối tương ứng của thí sinh.
Chính vì thế nếu em không trúng tuyển NV1 vào hệ ĐH thì em có thể làm hồ sơ tham gia xét tuyển NV2 vào hệ CĐ của trường.
Theo quy định đào tạo liên thông thì thời gian đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH là 1,5 năm.
Em đang học một trường đại học ở tp Hồ Chí Minh mà muốn thi lại thì hồ sơ cần giấy xác nhân của đia phương không? Em có thể nộp hồ sơ tai trường ở tp Hồ Chí Minh mà không phải nộp hồ sơ tại sở giáo dục thuộc địa phương được hay không? (khacvien0401@yahoo.com)
Như Ban tư vấn đã từng trả lời nhiều lần thì đối với các thí sinh tự do thì tốt nhất nên xin dấu tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Việc xin dấu xác nhận tại trường đang theo học hoặc tại nơi đăng ký tạm vắng là khó khăn và rườm rà. Xin nhân mạnh với em: Hồ sơ ĐKDT bắt buộc phải có dấu xác nhận, nếu không có thì sẽ không hợp lệ.
Theo quy định, đối với thí sinh tự do thì ngoài việc nộp theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT thì vẫn có thể nộp trực tiếp tại trường ĐKDT. Nếu em ở TPHCM thì có thể nộp hồ sơ ĐKDT thêm ở văn phòng đại diện của Bộ.
Hiện nay em đang sống và có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng em sinh và đã tốt nghiệp phổ thông trung học tại Phú Thọ trước đó. Năm nay em muốn đăng ký dự thi đại học vậy kính mong ban tuyển sinh tư vấn tuyển sinh giúp em giải đáp những thắc mắc sau: Em phải xin dấu xác nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển ở đâu? Em có còn thuộc dạng ưu tiên dân tộc thiểu số nữa không?(Em thuộc dân tộc Mường) Bộ giáo dục và đào tạo có quy định về giới hạn độ tuổi thi đại học không? Nếu đỗ đại học em có gặp rắc rối gì khi làm thủ tục nhập học không? (hoangphuonghien@yahoo.com)
Hồ sơ ĐKDT thì em xin xác nhận tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú, cụ thể ở đây là Hà Nội.
Theo quy chế tuyển sinh thì nếu thí sinh có bố hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thí sẽ được hưởng chế độ ưu tiên đối tượng 01 nhóm ưu tiên 1. Do đó em chỉ cần kiểm tra lại nếu bố mẹ mình là người dân tộc thiểu số thì dù gia đình em có chuyển đi đâu quyền lợi vẫn được giữ nguyên.
Hiện nay chưa có quy định nào khống chế độ tuổi dự thi ĐH. Tất cả những thí sinh đáp ứng được điều kiện dự thi (có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự… ).
Theo Ban tư vấn thì em sẽ không gặp bất kì rắc rối gì khi làm thủ tục nhập học (nếu trúng tuyển). Tuy nhiên em cần lưu ý điểm này: gia đình em đã nhập khẩu vào Hà Nội hay chưa, đã cắt khẩu trên Phú Thọ hay chưa?
Hiện tại em được biết là thí sinh dự thi Đại học, Cao đẳng 2010 được phép làm nhiều hồ sơ để dự thi. Đồng nghĩa là có được nhiều phiếu dự thi, để sau đó có thể chọn lại 1 trường để thi. Nhưng trường THPT Chuyên TNH ở tỉnh em chỉ cho phép chúng em làm mỗi khối 1 hồ sơ, nhằm “hạn chế hồ sơ ảo, làm giảm tỉ lệ của trường”, vậy em muốn hỏi: Mua thêm hồ sơ ở đâu? Làm xong hồ sơ thì nộp ở đâu, cần thêm những thủ tục gì nữa không? ( Sau khi đã nộp 2 hồ sơ cho trường nơi em học) (ruruoni_kenshin_27_2_9x@yahoo.com)
Để mua thêm hồ sơ ĐKDT thì em có thể liên hệ với Sở GD-ĐT hoặc các đại lý sách báo gần mình cư trú. Khi mua hồ sơ em cần lưu ý xem có dấu của Sở GD-ĐT hay không để tránh việc mua hồ sơ ĐKDT giả.
Đối với thí sinh đang học THPT thì nộp hồ sơ theo trường THPT mình đang theo học, không nộp theo tuyến Phòng, Sở. Trong trường hợp em muốn nộp thêm thì đến trực tiếp các trường ĐH, CĐ để nộp.
Khi nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ em nên chú ý đến mã đơn vị ĐKDT (mã này không giống như hồ sơ em nộp tại trường).
Theo Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)