Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có hay không có hệ nội tiết?

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc thi chung kết quý III “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 9 của VTV3 diễn ra hết sức gay cấn. Nếu thí sinh Bạch Đình Thắng, Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) trả lời đúng câu hỏi 30 điểm về 6 hệ trong cơ thể người với “Ngôi sao hy vọng” thì em sẽ vượt lên dẫn đầu với tổng điểm 275.
Kết quả, ban cố vấn của chương trình cho rằng: Bạch Đình Thắng chỉ trả lời đúng 5 hệ, hệ thứ 6 là hệ vận động chứ không phải hệ nội tiết như Thắng đã trả lời. Thắng phản ứng ngay tại trường quay, nhưng chương trình vẫn “y án” kết quả, trao “vòng nguyệt quế” cho thí sinh Hồ Ngọc Hân (Trường Quốc học Huế) với 275 điểm.
Xin nói thêm là để đưa ra quyết định này, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đã tham khảo ý kiến các chuyên gia y học, trong đó có GS Nguyễn Việt Cồ, nguyên Viện trưởng Viện Lao TW. Theo VTV thì GS. Nguyễn Việt Cồ và hai Phó giám đốc bệnh viện lớn ở Hà Nội đều khẳng định: Không có hệ nội tiết mà chỉ có tuyến nội tiết.
Mấy ngày sau buổi ghi hình, phụ huynh của em Bạch Đình Thắng đã tìm đến Tổng đạo diễn Tùng Chi để bảo vệ tính đúng đắn trong câu trả lời của Thắng với bằng chứng là cuốn “Sinh học lớp 8”, trong đó có cả một chương viết về “hệ nội tiết”.
Trước sự việc “hy hữu” này, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đã phải tham khảo các chuyên gia soạn SGK “Sinh học lớp 8”, trong đó có PGS-TS Nguyễn Quang Vinh để thống nhất đáp án.
Các chuyên gia soạn SGK đứng đầu là PGS-TS Nguyễn Quang Vinh khẳng định rằng trong tất cả các tài liệu sinh học của nước ngoài, người ta đều gọi là “hệ nội tiết” (Endocrine System), còn các chuyên gia y học, người bảo có, người bảo không. Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đã đi đến quyết định trao đồng giải nhất quý III cho hai em: Bạch Đình Thắng và Hồ Ngọc Hân (cùng có tổng điểm là 275), nâng tổng số thí sinh tham dự cuộc thi chung kết năm nay lên 5 chứ không phải 4 như thông lệ.
Sự cố trong cuộc thi quý III, năm thứ 9 của “Đường lên đỉnh Olympia” làm chúng ta có bao điều suy ngẫm.
Thứ nhất, những câu hỏi và đáp án của các chương trình trò chơi trên VTV cần phải được chuẩn bị hết sức chu đáo và chính xác. Cách đây chưa lâu, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” qua báo “Lao động” đã phải xin lỗi gia đình nhà thơ- liệt sĩ Lê Anh Xuân và gia đình nhà thơ Chế Lan Viên vì đã “gán” thơ của Lê Anh Xuân cho Chế Lan Viên. Còn nữa, chương trình “Ai là triệu phú” đã chuyển “quyền sở hữu” món mỡ muối (salo)- một món ăn dân tộc của người Ucraina sang cho người Nga. Đành rằng văn hóa Nga và Ucraina có cùng nguồn gốc và có rất nhiều điểm tương đồng nhưng không vì thế mà mỡ muối lại có thể là món ăn dân tộc của Nga!
Trở lại câu hỏi về các hệ trong cơ thể người, nếu câu trả lời của Bạch Đình Thắng là đúng thì cơ thể con người không chỉ có 6 hệ (vận động, thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, bài tiết) mà phải là 7. Lại một câu hỏi nữa được đặt ra rằng thứ mà người ta thường gọi là hệ miễn dịch có phải là một trong các hệ của cơ thể người? Tóm lại, đáp án 6 hệ mà Ban tổ chức “Đường lên đỉnh Olympia” đưa ra là chưa thuyết phục. Vẫn biết, kiến thức là “mênh mông bể cả” và sai sót là chuyện dễ xảy ra. Tuy nhiên, những sai sót của VTV3 cứ làm người xem cảm thấy buồn buồn.
Thứ hai, thông qua chuyện có hay không có hệ nội tiết, dư luận hết sức thất vọng với một số nhà sinh- y học. Người ta tự hỏi: Một kiến thức cơ bản như các hệ trong cơ thể người mà “ông nói gà, bà nói vịt”! Cũng là người công tác trong ngành, TS Phạm Đăng Khoa, Bộ môn Sinh lý bệnh Trường ĐH Y Hà Nội bức xúc: “Tại sao lại không có hệ nội tiết? Hệ nội tiết bao gồm các tuyến nội tiết, trong đó tuyến yên là một ví dụ”. TS Hoàng Hữu Hảo (Viện Y học Cổ truyền TW) cũng có cùng quan điểm với TS Phạm Đăng Khoa. TS Mai Hương (Viện KH&CN) thì cho rằng: Có lẽ là hệ thống các tuyến không ống dẫn với khả năng tiết các chất sinh hóa theo máu chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể nên trong y học người ta không gọi là “hệ” mà là “tuyến”!? Cả TS Mai Hương và PGS.TS Phan Thế Việt đều cho rằng, gọi là hệ nội tiết không sai nhưng có vẻ như… chưa đầy đủ. So với 6 hệ kia, hệ nội tiết có quy mô khiêm tốn hơn lại hoạt động phụ thuộc vào các hệ khác nên rất có thể vì thế mà các nhà y học không coi nó là “hệ” mà chỉ thừa nhận là “tuyến”.
Câu chuyện có hay không có hệ nội tiết thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Điều làm người ta quan tâm rằng, tại sao một khái niệm khoa học cơ bản đã được in trong SGK mà vẫn còn phải tranh cãi nhiều đến vậy? Tại sao khi SGK “Sinh học lớp 8” tái bản đến mấy lần mà chưa nhận được phản biện của các nhà khoa học, nếu không xuất hiện câu trả lời của Bạch Đình Thắng?
Thụy Anh (Giáo dục & Thời đại)

Bình luận (0)