Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Có hay không việc xóa bỏ mô hình trường công lập tự chủ tài chính?

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT công lập tự chủ tài chánh Ngô Quyền trong lễ tuyên dương học sinh đậu đại học, cao đẳng

Tuần qua, trên một tờ báo đưa tin rằng bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn xã HĐND TP.HCM cho biết: Khi thực hiện đề án học phí mới, Ban Văn xã HĐND sẽ đề nghị xóa bỏ mô hình trường công lập tự chủ tài chính. Nhưng khi trao đổi với Báo Giáo Dục TP.HCM sáng 5-1-2010 bà Anh đã phủ nhận hoàn toàn thông tin này?
Ra đời từ đâu?
Nhìn lại, thời gian qua có khá nhiều loại hình trường học ra đời và TP.HCM là địa phương gần như luôn đi tiên phong. Khi loại hình trường bán công ra đời, thành phố đã chọn 14 trường THPT công lập thực hiện mô hình này. Việc chuyển đổi trường công lập sang bán công như một hình thức thực hiện xã hội hóa. Học phí trường bán công cao hơn học phí trường công lập và những trường này tiếp nhận những học sinh của địa bàn mình có điểm tuyển lớp 10 thấp. Để nâng chất lượng giáo dục đối tượng này chắc chắn đòi hỏi đầu tư nhiều hơn. Trong quá trình thực hiện trường THPT bán công, một số giáo viên diện biên chế của 14 trường này đã xin chuyển qua các trường công lập với nhiều lý do trong đó có thể do họ ngán ngại dạy những học sinh kém? Bên cạnh đó, do ngành không cung cấp thêm giáo viên biên chế và để giải quyết số giáo viên thiếu, các trường này phải chọn phương án hợp đồng hay thỉnh giảng. Việc trả lương cho số giáo viên hợp đồng hay thỉnh giảng nhà trường lấy từ nguồn học phí. Vài năm sau, do lượng dân nhập cư đổ về thành phố ngày càng nhiều tạo sức ép rất lớn nên thành phố đã cho phép ngành GD-ĐT được chọn một số trường THCS thu nhận học sinh lớp 10 và những trường này trở thành trường phổ thông bán công cấp 2,3 nâng số trường THPT bán công là 19 trường. Cán bộ quản lý các trường phổ thông cấp 2,3 do phòng GD-ĐT quận bổ nhiệm, còn đội ngũ giáo viên THPT nhà trường tự tìm kiếm để mời dạy hợp đồng hoặc thỉnh giảng. Tỉ lệ đội ngũ giáo viên THPT diện hợp đồng và thỉnh giảng các trường rất cao, chiếm từ 70% đến 80%. Rồi sau đó 19 trường bán công nói trên được chuyển sang trường công lập tự chủ tài chính.
Hoạt động hiệu quả, hà cớ gì phải loại bỏ
Ngay sau khi thông tin trên được phổ biến, Báo Giáo Dục TP.HCM trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn xã HĐND TP.HCM, ông Minh cho biết: “Tôi hoàn toàn không biết gì về đề nghị này”. Và khi nghe thông tin trên, rất nhiều cán bộ quản lý và giáo viên diện hợp đồng đang công tác tại các trường THPT công lập tự chủ tài chính tỏ ra lo lắng. Thầy Lê Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên nói: “Khi học phí các trường công lập được điều chỉnh như nhau, nếu muốn xóa bỏ loại hình trường công lập tự chủ tài chính cũng phải xem xét. Vì riêng Trường THPT Hàn Thuyên có đến 52% giáo viên là diện hợp đồng và thỉnh giảng, trong đó rất nhiều thầy cô nắm nhiều vị trí cốt cán của nhà trường. Muốn xóa bỏ nó phải có những bước chuyển tiếp, đồng thời phải bổ sung đội ngũ giáo viên cho trường”. Cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên nói: “Tôi có đọc thông tin đề nghị xóa bỏ trường công lập tự chủ tài chính trên một tờ báo. Theo tôi, đâu thể xóa bỏ một loại hình trường học trong một sớm một chiều. Với lại, trong khi ngân sách chưa đủ đáp ứng cho giáo dục thì loại hình trường này chia sẻ một phần gánh nặng cho Nhà nước. Tôi tin rằng loại hình trường này sẽ còn tồn tại thời gian dài”.
Mức học phí quy định hơn 10 năm nay đã quá lạc hậu so với thời điểm học phí hiện tại. Nếu việc điều chỉnh học phí sớm được thực hiện thì việc xóa bỏ loại hình trường này e cũng khó. Số giáo viên hợp đồng và thỉnh giảng sẽ giải quyết ra sao? Thầy Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho biết: “40% giáo viên diện hợp đồng và thỉnh giảng của nhà trường hầu hết là những thầy cô dạy rất giỏi, có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Xóa bỏ loại hình trường này chúng ta giải quyết những thầy cô này như thế nào?”.
Còn nhớ Trường THPT công lập tự chủ tài chính Nguyễn Thái Bình đã từng đón đoàn giám sát và tìm hiểu việc thực hiện mô hình này của Quốc hội và HĐND TP.HCM. Phát biểu với báo chí, đại biểu Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh: “Mô hình mà Trường THPT công lập tự chủ tài chính Nguyễn Thái Bình thực hiện rất tốt, giúp nâng cao đời sống thầy cô giáo, xóa bỏ hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan… Tôi nghĩ cần nhân rộng”. Còn bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: “Điều quan trọng khi thực hiện mô hình này, nhà trường đã nâng được chất lượng giáo dục; tăng thu nhập cho thầy cô giáo, giúp cải thiện thêm đời sống các thầy cô… đó là những việc làm rất đáng trân trọng”. Một mô hình thực hiện có hiệu quả hà cớ gì phải loại bỏ?
Trần Thanh Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)