Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Có học, chưa có nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Từ năm 1990 đến nay số khách du lịch (DL) quốc tế đến VN đã tăng 16,8 lần, số khách DL nội địa tăng hơn 18 lần so với trước đó.Sự phát triển của ngành DLVN đòi hỏi một lực lượng lao động tương xứng cả về số lượng và chất lượng, thế nhưng thách thức lớn nhất của ngành DLVN vẫn là vấn đề nhân lực.

Thiếu lượng, yếu chất

Hiện nay có khoảng 1 triệu LĐ đang làm việc trong lĩnh vực DL (285 nghìn LĐ trực tiếp và 750 nghìn LĐ gián tiếp), tăng gấp 50 lần so với năm 1990. Số lượng cơ sở đào tạo đã lên đến trên 120 trường ĐH, CĐ và TCN có khoa DL, mỗi năm cung cấp hàng chục nghìn LĐ.

DL là lĩnh vực sản xuất “vô hình” với yếu tố dịch vụ được đặt lên hàng đầu nên nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong thành công mỗi doanh nghiệp và của cả ngành.
Theo Th.S Nguyễn Mạnh Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhân lực DL vẫn còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng. Nhiều LĐ không qua trường lớp đào tạo bài bản, nhất là tại những khu vực phục vụ khách du lịch nội địa, giá trị dịch vụ kém, khiến khách hàng không thỏa mãn với đồng tiền bỏ ra.

Tổng cục Du lịch đặt ra mục tiêu đến năm 2015, số LĐ làm việc trong ngành DL tăng gấp đôi hiện nay, đây là thử thách thật sự với ngành. Ông Alex Rajukumar, Giám đốc Tăng cường năng lực Trung tâm du lịch Khối thịnh vượng chung nhận định: “VN đang đạt đến độ chín của ngành DL. Nhưng muốn đi đến đích cuối cùng, cần phải đảm bảo nguồn nhân lực”.

Gọt táo, bóc chuối cũng phải học

Th.S Nguyễn Mạnh Cường chỉ ra bốn nguyên nhân là “rào cản” phát triển nguồn nhân lực DL tại VN. Thứ nhất, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị giảng dạy thiếu rất nhiều. Thứ hai, đội ngũ giáo viên dạy DL còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, chưa có kinh nghiệm thực tế của ngành. Thứ ba, tài liệu chuyên ngành khan hiếm khiến giáo viên, sinh viên, học sinh ít có điều kiện nghiên cứu, tự học. Thứ tư, cơ sở đào tạo và DN làm DL chưa có mối liên hệ, phối hợp đào tạo nhân lực.

Bốn nguyên nhân trên đưa đến hệ quả: Học viên được đào tạo vẫn thiếu trầm trọng kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tế. Chẳng hạn, đào tạo cử nhân DL chỉ để làm quản lý, bởi “biết rất nhiều nhưng chẳng làm được gì cả”. Tại Thái Lan, để trở thành quản lý bậc trung trong những khách sạn lớn, ứng viên phải trải qua nhiều vị trí cấp thấp, thậm chí phải đảm nhận công việc nhặt rau, rửa bát để hiểu rõ quy trình của từng công việc cụ thể.

TS Steven Chua, Viện Shatec Singapore đánh giá rất cao việc đào tạo kỹ năng nghề cho học viên ngành DL: “Ngày nay, không ít cơ sở đào tạo bỏ qua các kỹ năng cơ bản. Nhưng chúng tôi vẫn dạy SV cách gọt táo, bóc chuối hay gọt xoài”. Những việc tưởng chừng tầm thường nhưng lại là yếu tố quyết định đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Theo ông Cường, ngành DL VN cần sự hợp tác và giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực DL. Như dự án của EU tài trợ cho chương trình huấn luyện đào tạo viên cho các trường, các DN với 13 kỹ năng nghề trong DL, khách sạn bước đầu đã thể hiện kết quả khả quan. Những kỹ năng nghề đã được các đào tạo viên truyền đạt lại cho đồng nghiệp, SV, HS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Vinh Hải (laodong)

Bình luận (0)