Mới là học sinh lớp 9 (trường Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) nhưng Dương Đăng Trúc Khuyên đã gây sự chú ý cho nhiều người bởi phần mềm giải mã ngôn ngữ @: v2V.
Theo Trúc Khuyên, phần mềm chỉ là sự sáng tạo nho nhỏ vào tháng hè rảnh rỗi khi tình cờ vào blog bạn bè thấy dùng nhiều từ ngữ @ khó hiểu, khó đọc. Thế là Khuyên tự đọc sách tin học, mày mò thiết kế phần mềm với hy vọng những bậc phụ huynh muốn hiểu con cái hơn, những người đọc không được ngôn ngữ @, đọc được nhưng đọc chậm hoặc không muốn đọc có thể dịch ngôn ngữ @ ra đúng chính tả một cách nhanh chóng.
Phiên bản đầu tiên của v2V là 1.3. Chỉ cần copy văn bản ngôn ngữ @ vào khung và nhấn nút dịch, phần dịch sẽ hiện lên bên phải. Nhưng đặc trưng của ngôn ngữ @ là người viết muốn… viết sao thì viết, cứ vài bữa thì xuất hiện nhiều quy tắc mới. Thế nên những quy tắc ngôn ngữ của v2V 1.3 dần lỗi thời. Trúc Khuyên phải nâng cấp 1.3 thành 1.4. Phiên bản mới rất tùy biến. Nó cho phép người sử dụng có thể tự thêm vào những quy tắc tiếng lóng mới cho riêng mình. “Khả năng cập nhật và bao quát của 1.4 chiếm khoảng 90% quy tắc tiếng lóng @ hiện có”, Khuyên cho biết.
Khi v2V được nhiều người biết đến và sử dụng thì Trúc Khuyên được nhiều người gửi thư xin giúp đỡ, cảm ơn sau khi sử dụng. Một nữ sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã liên lạc với Trúc Khuyên để xin phép dùng những quy tắc ngôn ngữ trong phần mềm cho bài nghiên cứu ngôn ngữ @ của mình. Nhiều phụ huynh đã gửi thư cảm ơn. Không ít trong số họ nghĩ rằng, đây là sản phẩm của một người lớn. Một phụ huynh đã tâm sự: “Kính gửi tác giả Dương Đăng Trúc Khuyên. Tôi tên Nguyễn Đức Thắng, là một phụ huynh. Cũng như bao phụ huynh khác, trong thời đại thông tin, chúng tôi rất quan tâm đến suy nghĩ của con em mình để giáo dục cho phù hợp. Sản phẩm v2V ra đời là niềm mong đợi của chúng tôi”…
Ai bảo teen không sâu sắc?
Giao diện phần mềm giải mã ngôn ngữ @ v2V – Ảnh: M.H
|
Ở tuổi 15, ngoài pop, rock sôi động mà lứa tuổi mình vẫn nghe, ít ai nghĩ Khuyên lại thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… với các giọng ca Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Khánh Ly, Thái Thanh…
Đặc biệt, Khuyên chăm đọc sách. Từ những quyển thơ tình Xuân Diệu, Xuân Quỳnh đến thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, hay những tác phẩm mới nóng hổi của Hồ Anh Thái, Vũ Bảo, Nguyễn Ngọc Thuần… Không chỉ có sách trong nước, sách nước ngoài của những tác giả: Marc Levy, Yan Martel, Harper Lee… Khuyên đều đã đọc qua. Thỉnh thoảng, mượn đâu được vài cuốn sách tiếng Anh của Meg Cabot (như All American girls ready or not) cô bé cũng đọc luôn. Khuyên lý giải: “Đọc sách nguyên bản giúp nâng cao kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh của em”. Cách đọc sách của Khuyên là đọc mọi lúc, mọi nơi có thể rảnh: giờ ra chơi, lúc ngồi trên xe buýt, giờ sửa soạn ngủ… Nhiệm vụ “bảo vệ danh hiệu học sinh giỏi” làm cho thời gian đọc sách của cô bé cũng thất thường: “Nếu có thời gian, tập trung thì đọc 3, 4 ngày một cuốn. Lâu thì 1 đến 2 tuần mới xong. Đọc sách, nhất là sách văn học phải thật tập trung mới nhanh được”.
Khi được hỏi: “Khuyên nghĩ sao khi nhắc đến teen, các thế hệ trước thường nhắc đến từ hời hợt?”. Khuyên lập luận già dặn: “Mỗi người một tính, một quan điểm. Cho nên, em nghĩ chỉ có thể nhận xét như thế với từng cá nhân, từng nhóm người thôi. Chứ không thể hoán dụ, lấy bộ phận nói toàn thể được”.
Theo kênh 14
Bình luận (0)