Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô học trò có biệt danh “thiên hạ vô đối”

Tạp Chí Giáo Dục

Bích Ngà cùng bạn học bài

Với các thầy cô và học sinh (HS) Trường THPT Phú Nhuận, cái tên Lê Thị Bích Ngà, HS lớp 11A1 không phải là người quá xa lạ. Bích Ngà nổi lên không chỉ vì thành tích học tập xuất sắc mà còn là tấm gương về ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Học cực “đỉnh”
Dáng người nhỏ nhắn, tính cách nhút nhát, nói chuyện rụt rè… đó là những “sở đoản” mà Bích Ngà đang sở hữu. Nhưng vượt lên tất cả nhược điểm ấy, em đã biết tự tỏa sáng theo cách của riêng mình. Nhìn số điểm tổng kết 9,6 ở năm học lớp 10 của Ngà, không ít thầy cô, bạn bè phải “tròn mắt” thán phục (riêng hai môn học có điểm thấp nhất là thể dục và giáo dục công dân cũng trên 8 điểm). Đó là số điểm cao nhất Trường THPT Phú Nhuận trong năm học 2009-2010 và cũng là điểm cao nhất từ trước tới nay chưa có HS nào của trường đạt tới. Liên tục trong 10 năm liền, Ngà luôn giữ cho mình thành tích HS giỏi, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của nhà trường và các tổ chức đoàn thể…
Học giỏi là thế, nhưng khi được hỏi về “bí kíp”, Bích Ngà chỉ cười bẽn lẽn, nói: “Em học cũng chỉ bình thường như các bạn thôi. Nhưng có lẽ do em chăm học và hay lên thư viện nhà trường mượn sách để tìm những bài tập hay, hóc búa về nhà giải. Giải nhiều thành quen, nhớ kiến thức lâu ấy mà”. Quả thực, những người gần gũi với Ngà đều thấy em giống như một con ong chăm chỉ, ngày đêm miệt mài bên sách vở, có thể học bài mọi lúc, mọi nơi. Chính số điểm cao ngất ngưởng và tính chăm chỉ ấy mà tất cả HS lớp 11A1 đều ưu ái gọi Bích Ngà là “thiên hạ vô đối”, nghĩa là không có ai có thể đem so sánh thành tích và tính chăm chỉ với Ngà. Trong các môn học, toán là môn được em “đầu tư” nhiều thời gian nhất. Với em, việc giải những bài toán khó luôn có sức hút lạ kỳ. “Môn toán có nhiều điều thú vị. Thú vị nhất có lẽ là có nhiều cách giải trong một bài toán nhưng đáp số thì chỉ… có một. Do đó, sẽ có nhiều sự tranh cãi khi giải một bài toán hóc búa. Mỗi khi giải xong một bài toán khó, em thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên, cảm giác như mình đã mang về một chiến tích”, Ngà tâm sự. Cũng chính từ niềm đam mê đó mà em liên tục “giật” được nhiều điểm 10 trong môn học được coi là khó nuốt này. Thành tích giải nhì môn toán cấp thành phố năm lớp 9, giải ba cấp quận cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay là hai trong số những thành tích xuất sắc của em trong môn học này. Không chỉ chuyên về toán, Ngà còn cố gắng học giỏi đều các môn học khác.
Tổng kết học kì I năm học 2010-2011, Bích Ngà vẫn giữ kỉ lục với điểm trung bình là 9,6 (hai môn sinh và lý đạt 10,0).
Vượt khó vươn lên
Nếu chỉ nhìn vào thành tích học tập của Ngà, ít ai biết rằng em chưa từng tới các lớp học thêm, dù chỉ một lần. Ba mẹ chia tay khi em mới lên 3 tuổi, Ngà lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Để làm điểm tựa cho con, mẹ em đã phải bươn chải nhiều nghề để nuôi con khôn lớn. Hai mẹ con đã từng có những bữa cơm chỉ có trứng gà với nước chấm trong thời gian mẹ ngược xuôi đi bán trứng. Nhưng đó lại là khoảng thời gian đầy đủ nhất của Ngà bởi khi dịch cúm H1N1 bùng phát, mẹ em lại trở thành người thất nghiệp. Thời gian đó, người mẹ nghèo khổ ấy đã từng có suy nghĩ rằng chỉ cho con học đến hết lớp 5 để biết chút chữ nghĩa vào đời là đủ, vì bà không đủ sức nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Khi biết được ý nghĩ đó, Ngà đã tha thiết xin mẹ được tới trường để tiếp tục theo đuổi ước mơ chinh phục đỉnh cao của kiến thức. Thương con ham học, bà đành nuốt nước mắt vào trong, bươn chải làm đủ các công việc để kiếm đủ tiền cho con đóng học phí. Không bán được trứng, bà lại quay sang bán vé số, rong ruổi khắp nẻo đường bất kể trời nắng hay mưa để lo cho con miếng cơm, manh áo. Thương mẹ vất vả, thương số phận mình, Bích Ngà cố gắng học tốt để mang về cho mẹ những niềm vui bằng thành tích học tập. Không năm học nào mà cô học trò ấy lại không được nhà trường, hội phụ huynh học sinh trao tặng sách vở, dụng cụ học tập và được các cơ quan, ban ngành trao tặng học bổng.
Hiện tại, hai mẹ con em đang sống trong một căn nhà thuê ở xóm lao động nghèo tại Q.12. Dù rất thương con nhưng do mắc bệnh thấp khớp, không đi được nhiều nên thu nhập của mẹ Ngà chỉ được trên dưới 1 triệu đồng/ tháng. Sau khi trừ các khoản tiền nhà, điện nước, số tiền ít ỏi còn lại chẳng là bao. Để trang trải cuộc sống, hai mẹ con cố gắng chi tiêu dè sẻn. Mỗi sáng, Ngà phải dậy từ 4 giờ để học bài và còn kịp thời gian bắt xe buýt tới trường. Hành khách trên chuyến xe buýt không còn lạ với hình ảnh một cô bé luôn tranh thủ thời gian ngồi trên xe để xem lại bài.
Thương cô học trò vượt khó, ban giám hiệu Trường THPT Phú Nhuận đã trao tặng em một chiếc xe đạp điện trong phần thưởng cuối năm học vừa qua để tạo điều kiện cho em được tới trường thuận lợi hơn.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Em ít khi nói về gia đình mình theo cách bi đát, cũng chưa bao giờ dựa vào hoàn cảnh của mình để nhận sự giúp đỡ từ người khác. Ở trong lớp, Ngà sống rất hòa đồng, khiêm tốn, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi gặp trở ngại trong học tập. Trong học tập, em không xem môn học nào nhẹ hơn môn nào, học đều và nắm vững tất cả các môn. Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, em đã trở thành tấm gương để những bạn bè cùng trang lứa noi theo”, cô Phan Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 10 của Ngà nhận xét.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)