Trần Vân Anh (thứ ba từ trái qua) được vinh danh trong buổi lễ đón đoàn của Bộ GD-ĐT |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa từng làm nông nghiệp nhưng đề tài nghiên cứu khoa học của Trần Vân Anh (học lớp 12 chuyên hóa Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) lại liên quan trực tiếp đến người nông dân.
Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học quốc tế (Intel – Isef) tổ chức tại Mỹ vừa qua, cái tên Trần Vân Anh đã được Ban tổ chức xướng lên khi đề tài Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm Probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nuôi của em xuất sắc đoạt giải tư.
1. Kể về cái duyên đưa mình đến với đề tài vừa đoạt giải quốc tế, Vân Anh cho biết: Tháng 5-2014, sau khi dự thi Intel – Isef ở Mỹ về, em và Nguyễn Minh Quang (bạn học cùng lớp nghiên cứu chung với Vân Anh – PV) có chuyến du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long. Lúc ngồi trên thuyền ngắm cảnh sông nước, em có nói chuyện với chú lái thuyền. Trong câu chuyện, chú lái thuyền có nói một câu là “Cuộc sống người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn liền với con tôm. Nhưng sản lượng tôm không ổn định do thức ăn cho tôm chưa phù hợp và chưa thân thiện với môi trường”. Từ câu nói này của chú, khi trở về Hà Nội, em và Minh Quang đã quyết định chọn thực hiện đề tài khoa học trên. Tháng 6-2014, sau khi được các thầy cô trong trường ủng hộ, chúng em bắt tay vào thực hiện đề tài.
2. Qua quá trình nghiên cứu, Vân Anh và Minh Quang nhận thấy trong ngành nuôi tôm, probiotic (còn gọi là lợi khuẩn) được sử dụng rộng rãi dưới dạng thức ăn bổ sung để cải thiện sức khỏe đường ruột và phòng bệnh cho tôm. Tuy nhiên, nhiều chủng vi khuẩn probiotic thương mại không có nguồn gốc từ hệ tiêu hóa của tôm nên hiệu quả trên tôm chưa cao. Ý tưởng và mục tiêu của đề tài là sàng lọc một số chủng vi khuẩn bacillus có hoạt tính probiotic được phân lập từ 12 mẫu ruột tôm tự nhiên để tạo chế phẩm probiotic thân thiện với hệ vi sinh vật của tôm, nhờ đó giúp cải thiện chất lượng tôm (màu sắc, dinh dưỡng) và sản lượng tôm (tăng trọng, tỷ lệ sống). Kết quả đã chọn được chủng B. aquimaris SH6 màu da cam có khả năng sinh tổng hợp carotenoid có tác dụng trung hòa 90% gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH), và tồn tại trong ruột tôm tốt nhất (chiếm 70% quần thể so với các chủng có màu khác). Vân Anh cho biết: Sau khi chọn được chủng SH6, ở phòng thí nghiệm, lô tôm thẻ chân trắng ăn probiotic dạng bào tử SH6 (chế phẩm GreenBio S2) có màu sắc đỏ hơn so với lô đối chứng và hàm lượng asthaxantin cao hơn lô đối chứng 3 lần. Ngoài ra, Vân Anh và Minh Quang cũng chọn được chủng B. subtilis SH23 có hoạt tính đối kháng 2 loài vi khuẩn Vibrio parahae-molyticus, Vibrio vulnificus gây bệnh trên tôm, tạo biofilm nhanh và sinh tổng hợp enzyme amylase, protease mạnh.
Từ kết quả trong phòng thí nghiệm, Vân Anh và Minh Quang đã mang chế phẩm của mình đi thử nghiệm 3 tháng tại 4 đầm tôm ở Bến Tre. Sau 3 tháng, kết quả thử nghiệm trên thực địa cho thấy các đầm tôm thẻ chân trắng cho ăn probiotic dạng bào tử SH23 (chế phẩm GreenBio S1) có sản lượng tăng lên 82% so với 11 đầm tôm ăn probiotic thông thường. Sản phẩm probiotic có tác dụng rõ rệt nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân và các công ty nuôi trồng tôm, tăng kim ngạch xuất khẩu tôm cho nước ta.
Vân Anh nghiên cứu tôm tại Bến Tre |
3. Vân Anh và Minh Quang đều là học sinh chuyên hóa nhưng đề tài nghiên cứu của hai em lại liên quan nhiều đến sinh học và đặc biệt là liên quan trực tiếp đến người nông dân. Chia sẻ về vấn đề này, Vân Anh cho biết: Để làm được đề tài này, em và Minh Quang được các thầy cô dạy sinh trong trường “bổ sung cấp tốc” kiến thức về sinh học. Chính vì vậy, những tháng đầu làm đề tài hầu như em không ngủ. Có những hôm ban ngày lên trường làm thí nghiệm đến 10 giờ tối về nhà, mệt quá em ngủ “tạm” đến 3 giờ sáng lại dậy tìm tòi thêm.
Tuy vất vả thế nhưng Vân Anh và Minh Quang không nản lòng. Học chung lớp từ THCS nên Vân Anh và Minh Quang khá thân nhau. Nhưng khi làm đề tài, đôi lúc hai em cũng bất đồng quan điểm, đi theo hai hướng riêng lẻ. Tuy nhiên, sau khi thí nghiệm đến 5 lần đều thất bại thì cả hai phải “cầu cứu” đến sự giúp đỡ của thầy cô mới có chung một kết quả và lại đi cùng một con đường…
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Thành tích nổi bật của Trần Vân Anh 12 năm học sinh giỏi; giải 3 cấp thành phố môn hóa năm lớp 9; giải nhất quốc gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2014 (đề tài Nghiên cứu tách Saponin từ cây dứa sợi (agave americana) và ứng dụng trong bảo quản hoa quả) và 2015 (đề tài Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm Probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nuôi). |
Bình luận (0)