Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả kỳ học sinh giỏi cấp quốc gia, năm học 2021-2022, chúng tôi có cuộc trò chuyện với cô học trò xinh xắn, đoạt giải nhất môn ngữ văn – Huỳnh Thị Tuyết Ngân (lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt). Đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm, Lâm Đồng mới có một học sinh đoạt giải nhất môn ngữ văn, mang về niềm vui, niềm tự hào không những cho thầy trò ngôi trường này mà cả ngành GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng.
Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng khen thưởng học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, Lâm Đồng đoạt 26 giải (1 giải nhất, 5 giải nhì, 7 giải ba và 13 giải khuyến khích) ở 10 môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Trong các kỳ thi trước, Lâm Đồng thường đứng ở “top giữa”, gồm các tỉnh, thành có số học sinh đoạt giải tương đối đông. Tính từ năm 1995 đến nay, Lâm Đồng đã có học sinh đoạt giải nhất ở các môn: tin học, lịch sử, sinh học, hóa học, tiếng Anh; song, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm nay, lần đầu tiên mới có 1 học sinh đoạt giải nhất môn ngữ văn (1 trong 4 giải nhất môn ngữ văn gồm 4 tỉnh, thành: Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương). Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục Lâm Đồng đã nâng cao và đa dạng; nếu tiếp tục nỗ lực dạy và học, sẽ có học sinh đạt giải cao ở tất cả các bộ môn.
Nhận được tin đoạt giải nhất kỳ thi, cô học trò nhỏ Tuyết Ngân không khỏi ngỡ ngàng và hạnh phúc. Bởi trong năm học trước (năm lớp 11), dù Tuyết Ngân đạt giải nhì trong cuộc thi chọn học sinh giỏi văn cấp tỉnh và đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic (môn văn) truyền thống 30-4; nhưng em không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. “Thất bại” ấy cứ “ám ảnh” cô học trò nhỏ trong suốt năm học lớp 12 này…
Tuyết Ngân chia sẻ, năm trước đi thi không đạt giải, em có buồn nhưng không nản. Người ta nói “thất bại là mẹ của thành công”. Em tự học cách chấp nhận và không chịu bỏ cuộc, càng quyết tâm học tập, chịu khó tìm tòi, đọc nhiều sách để bồi dưỡng kiến thức cho mình. Đặc biệt, được sự quan tâm của cha mẹ, dạy dỗ, động viên của cô giáo chủ nhiệm và cô giáo dạy văn ở trường đã bồi dưỡng cho em nhiều kiến thức, đặc biệt niềm tin…
Tuyết Ngân yêu thích và tỏ ra có năng khiếu môn văn từ những năm còn học cấp II; song, với môn văn, như thế vẫn chưa đủ mà cần phải học nhiều, đọc nhiều và cảm thụ; đồng thời cần phải có trải nghiệm thực tiễn đời sống, “soi” văn chương vào đời sống xã hội; từ đó “nuôi dưỡng” tâm hồn, phát triển tư duy. “Học môn văn giúp em nhận ra những bài học nhân sinh sâu sắc, mang lại cho em kiến thức phong phú, đồng cảm với niềm vui, nỗi buồn, những cảnh đời, số phận của nhân vật. Học văn giúp con người biết sống nhân ái, vị tha…”- cô học trò giải nhất môn văn chia sẻ.
Nói về phương pháp học giỏi môn văn, theo Tuyết Ngân, mỗi người đều có cách học, cách tích lũy kiến thức khác nhau. Đối với Tuyết Ngân, trong học môn văn, em thích tìm tòi, sáng tạo, suy tưởng; khi đọc sách, báo chí, tài liệu, em có thói quen ghi chép những câu thơ hay, những đoạn văn hay, những câu châm ngôn triết lý, hay những gì tâm đắc vào cuốn sổ tay để làm tài liệu để tự học, tích lũy kiến thức…
Có lẽ cảm nhận được những cái hay, điều kỳ diệu của văn chương, cộng với sự cảm thụ và lối tư duy cá nhân khá sắc sảo đã giúp cô học trò nhỏ Tuyết Ngân “xử lý” đề thi văn trong kỳ thi học sinh giỏi năm nay “đúng mạch”, đạt điểm cao.
Tuyết Ngân cho biết, có nhiều người cho rằng nội dung đề thi môn văn học sinh giỏi năm nay theo lối truyền thống, cũ (không có gì mới). Câu hỏi phần nghị luận xã hội dẫn một đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, đề cập đến giá trị đích thực của con người (chung chung). Còn phần nghị luận văn học, đề thi yêu cầu thí sinh, bằng kiến thức, hiểu biết và trải nghiệm văn học, hãy trình bày suy nghĩ về giá trị văn học trong đoạn trích: “Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững”. (Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12).
Học sinh Huỳnh Thị Tuyết Ngân
Với Tuyết Ngân, hàm ý trong đề thi những tưởng cũ, nhưng luôn mới; cái mới ở đây là đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức am hiều về văn học; hiểu biết sâu sắc về giá trị đích thực của văn học là hướng con người đến chân – thiện – mĩ; là sự “thanh lọc” tâm hồn người, dẵn dắt con người vượt lên những giá trị trước mắt đơn thuần, “nhất thời” để đạt đến những giá trị cao hơn, mang tính vĩnh hằng!
Ngân chia sẻ: “Khi nhận được đề thi, em bình tĩnh suy nghĩ, lập dàn ý; thay vì tập trung diễn đạt câu cú trau chuốt, bóng bẩy, em chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và tư duy, dẫn đắt bài viết như một cuộc đối thoại với người đọc…”.
Và, xuyên suốt bài thi, Ngân viết những gì em đã học, đã đọc, hiểu biết, cảm nhận, lồng với suy nghĩ và trải nghiệm của cá nhân mình. Để chứng minh nội dung các ý (tự vạch ra) trong giải quyết đề thi, Tuyết Ngân đã chọn dẫn dắt nội dung các tác phẩm văn học nổi tiếng của nhiều nhà văn, nhà thơ trong nước và một số tác giả nước ngoài em yêu thích, như thơ Hồ Xuân Hương, thơ Tố Hữu, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thơ của các nhà thơ: Emily Dickinson, Kawabata, Dazai Osamu…
Có lẽ nhờ chọn cách “đối thoại với người đọc”, với lối diễn đạt mạch lạc, ý tưởng sắc sảo, dẫn chứng sinh động; đặc biệt, khả năng am hiểu, sự trải nghiệm văn học sâu sắc đã làm bài thi của Tuyết Ngân không đi vào lối diễn đạt cũ mà là “phát hiện mới” đã chinh phục ban giám khảo.
Có thể nói, để đoạt giải nhất môn ngữ văn trong kỳ thi quốc gia năm học 2021-2022 vừa qua của cô học trò phố núi Huỳnh Thị Tuyết Ngân là thành quả của một quá trình yêu thích, đam mê tìm tòi, học tập, nghiên cứu, tích lũy và trải nghiệm. Với giải thưởng cao nhất, lần đầu tiên được một học sinh mang về từ một “sân chơi” lớn sẽ là niềm động viên, tạo cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ học sinh có niềm đam mê theo học bộ môn văn trong các nhà trường ở tỉnh Lâm Đồng trong những năm tới…
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)