Tin em Nguyễn Thị Hải Lý, học sinh lớp 12B3 Trường THPT Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đỗ tốt nghiệp THPT với điểm trung bình môn 8,78 – đứng thứ 4 toàn tỉnh khiến thầy cô, bạn bè rất vui. Ít ai biết để có kết quả ấy, mỗi ngày trước khi đến trường, Lý dậy từ sớm phụ mẹ gánh bánh gạo ra chợ bán.
Thầy Trần Hữu Dực (Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Tùng) chia vui cùng Hải Lý (giữa) và Lê Thị Ngọc Ánh – thí sinh đạt điểm 10 môn GDCD của trường |
Thầy Trần Hữu Dực (Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Tùng) phấn khởi dẫn chúng tôi về thăm nhà Lý sau ngày có kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Thầy bảo, kết quả Lý đạt được không bất ngờ so với lực học của em nhưng đó là niềm vui của gia đình và nhà trường. Để được đến trường, Lý đã phải nỗ lực rất nhiều vì gia đình thuộc diện khó khăn, ba làm bảo vệ trường, mẹ bán bánh gạo ở chợ.
Lý có hình dáng “bé như hạt tiêu” và nụ cười thật hiền, em đem đến cảm giác gần gũi ngay từ lần đầu gặp mặt. Lý kể, hôm xem điểm thi xong, em chạy ngay ra trường để khoe thành tích với ba và các thầy cô giáo. “Ba em làm bảo vệ ở trường nhưng em luôn tự hào về ba mình. Mỗi ngày đến trường em thấy ấm áp hơn vì luôn nhìn thấy bóng dáng ba ở cổng trường. Bây giờ dù đã hoàn thành chương trình THPT nhưng hễ có thời gian là em chạy đến trường để gặp ba và ngắm ngôi trường mình đã từng gắn bó suốt 3 năm”, Lý chia sẻ.
Nghe con nói, ông Nguyễn Ngọc Kim (ba của Lý) rưng rưng nói: “Hồi xưa, tui cũng học ở đây. Nhưng năm 1979, khi đang học lớp 9 (hệ 10 năm), thì được lệnh tổng động viên bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1984, tui ra quân chuyển về công tác tại Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên. Đến năm 1991 thì nghỉ theo chế độ 176, rồi về quê làm ruộng, nhưng sức khỏe yếu, hay ốm đau, nên năm 2000, tui xin vào làm bảo vệ trường học từ đó đến nay. Lương bảo vệ mỗi tháng chỉ có 1,6 triệu đồng cộng với 4 trăm ngàn đồng nhà trường hỗ trợ. Nhưng 18 năm qua, tui chưa từng nghĩ đến việc rời bỏ ngôi trường này. Cũng nhờ đồng lương ít ỏi đó mà tui phụ được mẹ nó nuôi 2 đứa con học xong ĐH, chừ đến lượt Lý vào ĐH”.
Trong câu chuyện của Lý và ông Kim, cuộc sống gia đình hiện ra khá khó khăn. Gánh nặng dồn lên vai của mẹ Lý với đôi thúng bánh gạo bán ở chợ Do gần nhà. Ông Kim nói: “Lý dù nhỏ nhắn trông rất yếu nhưng biết lo toan. Tranh thủ ngoài giờ học là cháu phụ làm thêm bánh gạo giúp mẹ. Mỗi ngày chợ cũng kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng trang trải cho việc ăn uống hàng ngày, rồi phụ thêm tiền học phí. Mấy năm gần đây, vợ tui ốm đau luôn, ngồi lâu một chỗ không được, nên việc buôn bán cũng khó khăn hơn trước. Lý sau giờ học thì hàng đêm thường thức rất khuya, có khi tới 1 giờ sáng hôm sau để làm bánh thay mẹ. Đến 4 giờ sáng cháu đã dậy dọn dẹp nhà cửa, gánh bánh ra chợ cho mẹ bán, rồi mới về nhà đi học”.
Vất vả là vậy nhưng 12 năm đến trường, Lý đều học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp và khối. Hỏi Lý về bí quyết học tập, em thật thà chia sẻ: “Ở tiểu học và THCS, em học giỏi đều các môn. Lên THPT, vì phải phụ mẹ làm bánh, không có nhiều thời gian học tập, nên em chỉ dành thời gian học bài ở nhà 3 môn toán, văn và tiếng Anh sau này xét tuyển vào ĐH. Các môn còn lại em tập trung nắm bài và giải quyết ngay ở trên lớp học để có kiến thức và dự thi tốt nghiệp”.
Kết quả thi THPT quốc gia của Lý đạt khá cao: Toán 7,8 điểm; văn 8,5 điểm; tiếng Anh 7 điểm; lịch sử 7 điểm; địa lý 7,25 điểm và GDCD 9,5 điểm. Lý đăng ký xét tuyển vào ĐH khối D, ngành tiếng Trung thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế. Lý bảo em rất thích học ngôn ngữ nước ngoài, tương lai em dự định sẽ làm hướng dẫn viên du lịch, bởi công việc này em có thể quảng bá nét đẹp văn hóa đất nước mình đến với bạn bè trên thế giới. Quê hương em nằm bên bờ Vỹ tuyến 17, nơi có con sông Bến Hải chảy xuôi về từ dãy Trường Sơn với bến đò B huyền thoại và Địa đạo Vịnh Mốc lịch sử, sau này em cũng sẽ giới thiệu đến bạn bè và du khách biết thêm về niềm tự hào này.
Tiếp tục câu chuyện, thầy Dực tiết lộ thêm, cô con gái đầu lòng trong gia đình vừa tốt nghiệp Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Huế, đang dạy học ở Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) và cô con gái thứ 2 tốt nghiệp Khoa Tiếng Trung Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, đang làm phiên dịch cho một công ty du lịch lớn ở Đà Nẵng. Vừa nói, thầy Dực đưa tay chỉ về những tấm giấy khen treo trang trọng trên tường quanh ngôi nhà nhỏ của ông Kim. Dường như đó cũng chính là những thứ giá trị nhất của gần cả cuộc đời vợ chồng ông Kim tằn tiện, lao động cực nhọc không biết mệt mỏi và cả sự nỗ lực, hiếu thảo của những đứa con!
Hàn Giang
Bình luận (0)