Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô học trò nhỏ phải nghỉ học vì bệnh hiểm nghèo và ước mơ làm bác sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

'Trâm ham học lắm. Từ khi vợ chồng tôi quyết định cho con nghỉ học, nó khóc, nhưng đành phải chịu', anh Võ Phước Hậu – cha em Võ Ngọc Thùy Trâm (lớp 8/3 Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ, huyện Nhà Bè, TP.HCM) nói.

Ở nhà điều trị bệnh, Trâm thường xuyên giúp đỡ cha mẹ làm công việc nhà

Ở nhà điều trị bệnh, Trâm thường xuyên giúp đỡ cha mẹ làm công việc nhà

Câu chuyện về Thùy Trâm khiến ai nghe qua cũng xót xa. Trâm là con gái lớn trong gia đình 2 chị em, cha làm công nhân tại Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước, mẹ bán nước mía kiếm sống. Cả nhà hiện đang sống trong căn phòng chưa đến 15 mét vuông ở huyện Nhà Bè.
Thời tiểu học, Trâm là học sinh giỏi 5 năm liền. Đến năm lớp 6, em phát bệnh “xuất huyết giảm tiểu cầu”, người hay bị thâm bầm, sốt cao và thường xuyên phải nhập viện điều trị. Cách đây 5 tháng, Trâm mắc thêm chứng bệnh thứ 2: “Lupus ban đỏ hệ thống”.
“Bác sĩ điều trị khuyên tôi cho cháu nghỉ học. Vì người khi mắc bệnh này, nếu suy nghĩ nhiều, căng thẳng… dễ dẫn tới chuyện giảm và mất dần trí nhớ. Nếu tiếp tục học, bệnh tình của Trâm sẽ trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Biết con nó ham học lắm, nhưng đành phải cắn răng chịu đựng chứ biết làm sao bây giờ”, anh Hậu cho biết.
Ở thời điểm chỉ còn 2 tháng nữa là học kỳ 2 năm lớp 8 kết thúc, nhưng Trâm đành nói lời tạm biệt với bạn bè, thầy cô, trường lớp.
Cô học trò nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo và ước mơ được làm bác sĩ1

Cô học trò nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo và ước mơ được làm bác sĩ2

Anh Võ Phước Hậu trước đây làm công nhân cho công ty. Sau đó được công ty cho đi học thêm nghề, và giờ anh có thể lái xe tải, sửa chữa đường sá… (do công ty quản lý)

Từ ngày Trâm phát bệnh, gia đình anh Võ Phước Hậu và chị Hùng Thị Bảy lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu, khi bao nhiêu tiền của dành dụm được cũng đều dồn vào điều trị bệnh cho Trâm.
Hàng tháng, thu nhập của anh Hậu được vài triệu đồng, cộng với tiền bán nước mía của vợ là chị Bảy (người dân tộc Chơ Ro) khoảng gần 2 triệu đồng nữa. Mà theo anh chị, gom hết các khoản cũng không thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt và tiền điều trị thuốc men cho Trâm.
Tâm sự với chúng tôi, Trâm nói: “Từ ngày em bị bệnh, thấy cha mẹ càng vất vả hơn nên em buồn lắm. Nhiều khi thấy mình là gánh nặng của ba mẹ, tự nhiên em muốn rớt nước mắt. Đã không phụ giúp gì được cho ba mẹ mà còn phải mang thêm bệnh tật nữa”.
Khi nói về con gái, chị Bảy bộc bạch: “Bác sĩ dặn Trâm không được làm nặng, không được ra nắng. Nhưng cứ mỗi lần thấy mẹ làm gì thì Trâm đều nhảy vào làm phụ”.
Cô học trò nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo và ước mơ được làm bác sĩ4

Hy vọng được trở lại đi học ngày càng xa dần đối với Trâm.

Cô học trò nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo và ước mơ được làm bác sĩ5

Thường ngày, chị Bảy bán nước mía ven đường và chăm sóc, thuốc thang cho Trâm.

Khi nói về Trâm, bà con chòm xóm ở nơi gia đình em sinh sống đều cho rằng Trâm là một cô bé lễ phép, lại hiếu thảo. “Khi thấy tôi đi làm mệt về, Trâm liền làm ca nước đá lạnh cho tôi uống. Tới giờ cơm thì Trâm dọn sẵn, mời ba mẹ vào ăn”, anh Hậu nói.
“Mỗi buổi chiều thấy bạn bè đi học ngang nhà, em không biết phải nói sao nữa. Cảm giác khó tả lắm. Em hy vọng mình mau hết bệnh để được đi học lại, để ba mẹ đỡ phần nào vất vả”, Trâm nói.
Trâm ước mơ sau này mình được làm bác sĩ để trị bệnh cho chính bản thân mình và chữa bệnh giúp người nghèo. “Mỗi lần đi khám bệnh, cứ thấy hình ảnh bác sĩ trông thánh thiện như vậy tự nhiên em thích lắm. Từ hồi nhỏ là em đã có ước mơ làm bác sĩ rồi”, Trâm nói.
Nhưng Trâm cho rằng, ước mơ của mình khó mà thành hiện thực, vì giờ, chuyện trở lại với trường với lớp đã là quá khó đối với em chứ nói gì đến chuyện học hành đỗ đạt, được làm bác sĩ.

Trọng Thủy – Minh Luân (TNO)

 

Bình luận (0)