Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay Nhật Bản thiếu khoảng 130.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng và dự kiến sẽ tăng lên 200.000 nhân sự đến năm 2020, và khoảng 300.000 người đến năm 2030.
Học sinh ngành điều dưỡng của Trường TC Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành |
“Xuất khẩu” điều dưỡng sang Nhật Bản
Để giải quyết một phần khó khăn về nhân sự điều dưỡng, mới đây, Tập đoàn Kalmia (Nhật Bản) đã phối hợp với Tập đoàn Anon và Tập đoàn Vicky ký kết hợp tác chiến lược tuyển dụng ứng viên ngành điều dưỡng để đào tạo và làm việc tại Nhật Bản. Theo biên bản ký kết, các bên sẽ hợp tác tuyển sinh, đào tạo tiếng Nhật và tuyển dụng điều dưỡng cho các bệnh viện, viện dưỡng lão tại Nhật Bản. Tập đoàn Kalmia sẽ hỗ trợ du học sinh Việt Nam vừa học vừa thực tập (có lương) tại bệnh viện, trường học. Đại diện Tập đoàn Kalmia, ông Yoshiyuki Matsuki cho biết với khủng hoảng thiếu nhân sự ngành điều dưỡng tại Nhật Bản là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam tham gia chương trình. Phía Nhật cam kết hỗ trợ toàn diện cho du học sinh Việt Nam, thu nhập cao, cuộc sống ổn định.
Được biết, Kalmia là tập đoàn bao gồm viện dưỡng lão, bệnh viện và trường đào tạo chuyên ngành có uy tín tại Nhật Bản. Đây cũng là nơi có nhiều điều dưỡng từ các nước đến làm việc, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn.
Tại buổi lễ ký kết hợp tác đào tạo và việc làm giữa Sở Y tế – Phúc lợi xã hội TP.Yokohama (Nhật Bản) và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ngày 25-7 vừa qua, ông Hiroaki Tanaka (Giám đốc Sở Y tế – Phúc lợi TP.Yokohama) cho biết hiện tỷ lệ già hóa dân số tại Nhật Bản tăng nhanh trong khi nhân sự điều dưỡng lại thiếu trầm trọng. “Trước thực trạng này, chúng tôi mong muốn có được nguồn nhân lực từ Việt Nam, cụ thể là TP.HCM. Theo đó, trong khuôn khổ hợp tác, TP.Yokohama cần tuyển dụng khoảng 10.000 nhân sự ngành kỹ thuật điều dưỡng”, ông Hiroaki Tanaka nói.
Ông Nguyễn Trí Dũng (Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn), đơn vị vừa ký kết hợp tác đào tạo và việc làm với Sở Y tế – Phúc lợi xã hội TP.Yokohama cam kết sẽ đào tạo đội ngũ kỹ thuật điều dưỡng có chất lượng theo yêu cầu của phía bạn. Đây cũng là cơ hội để trường quảng bá chất lượng đào tạo cũng như mở rộng hợp tác với các địa phương khác của Nhật Bản trong thời gian tới.
Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp
Bà Nguyễn Quỳnh Nga (đại diện Công ty Cung ứng lao động Phương Nam) cho rằng trình độ chuyên môn của điều dưỡng Việt Nam được các bệnh viện, viện dưỡng lão ở Nhật Bản đánh giá cao, tuy nhiên, trở ngại lớn vẫn là ngoại ngữ (tiếng Nhật và tiếng Anh). Thông thường, để trang bị kiến thức ngoại ngữ cho người lao động trước khi sang nước bạn, đơn vị cung ứng mở các lớp ngoại ngữ ngắn hạn. Tuy nhiên, để cơ hội người lao động được tuyển chọn cao, thu nhập ổn định, các trường nên đào tạo ngoại ngữ ngay từ đầu. Theo đó, các trường không chỉ đào tạo ngoại ngữ giao tiếp mà còn phải có ngoại ngữ chuyên ngành.
Ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết TP hiện có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 29 trường CĐ-TC có chức năng đào tạo ngành kỹ thuật điều dưỡng. Ông cũng đánh giá cao trình độ chuyên môn, an ninh và thu nhập tại nước bạn. Đây là thị trường đầy tiềm năng mà lao động Việt Nam cũng như các đơn vị cung ứng lao động đang hướng đến.
Tuyển chọn điều dưỡng làm việc tại Nhật Bản Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng làm việc tại Nhật Bản trong năm 2019. Ứng viên được tuyển chọn sẽ đào tạo tại Việt Nam trong 12 tháng và thi đạt được trình độ tiếng Nhật N3 trở lên. Riêng các ứng viên đã có bằng tiếng Nhật trình độ N2 trở lên đ??c mi?n tham gia kh?a ??o t?o 12 th?ng t?i Vi?t Namược miễn tham gia khóa đào tạo 12 tháng tại Việt Nam Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên mỗi năm một lần. Nếu đậu, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại nước này. Các công việc ở vị trí ứng viên điều dưỡng bao gồm: Chăm sóc sinh hoạt thường ngày của người bệnh; chăm sóc theo tình trạng bệnh; cho bệnh nhân ăn; vận chuyển bệnh nhân; vận chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm, các loại đơn, phiếu; tiếp nhận thuốc; làm vệ sinh phòng bệnh, dụng cụ y tế, tiêu độc, dọn dẹp; mang trà, mang cơm và dọn khay cơm… Mức lương điều dưỡng khoảng 130.000-140.000 yên/tháng (khoảng 27-28 triệu đồng/tháng). Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc. Điều kiện dự tuyển như sau: Tốt nghiệp CĐ điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng đa khoa (4 năm); không quá 35 tuổi; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 9 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh). Nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc qua đường bưu điện gửi về cục (số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ nay đến hết ngày 12-9. Cục sẽ thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển tại địa chỉ: www.dolab.gov.vn. T.A |
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, trình độ tiếng Nhật của người lao động, ông Tấn yêu cầu các trường cần sớm rà soát, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đảm bảo các tiêu chí của ngành nghề mà phía Nhật Bản yêu cầu. Bên cạnh đó, các trường phải xây dựng mối quan hệ với bệnh viện trong nước, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành chứ không chỉ dừng lại ở việc tìm nơi thực tập cho người học.
Ông Tấn thông tin thêm, điều dưỡng là một trong 8 ngành dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN đang được Sở LĐ-TB&XH TP.HCM triển khai khảo sát ở các nước để đàm phán và thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo, qua đó có cơ sở hiệu chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với khu vực.
T.Anh
Bình luận (0)