Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Cơ hội cọ xát và kiếm tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Thanh Giang, Ngọc Quỳnh (SVĐH Marketing – phải) phát quà khuyến mãi tại nhà VH Thanh Niên.

Sinh viên được xem là lực lượng lao động "phản ứng nhanh" cho những công việc phát quà, khuyến mãi sản phẩm, hội chợ, giao hàng… trong những dịp Noel và Tết dương lịch, Tết cổ truyền.

Đây là cơ hội cuối năm giúp sinh viên nhanh kiếm được tiền để trang trải tiền học, sinh hoạt, thậm chí còn giúp đỡ gia đình.

Hoàng Mỹ Ly, SV ngành marketing của trường ĐH Marketing vừa nhận được một chân giới thiệu sản phẩm tại siêu thị Co.op mart ở quận 7, hớn hở khoe: "Cuối năm mọi người đều chuẩn bị sắm sửa để đón năm mới. SV bọn em cũng phải kiếm thêm chút tiền, mua cho mình một bộ đồ "cảnh" để đi du xuân". Công việc của Ly, làm từ 5 – 10 giờ tối, thời gian làm việc thì không ảnh hưởng lắm đến việc học. Mỗi buổi, Ly kiếm được 60 ngàn đồng.
 
Làm phép tính nhẩm, mỗi tuần Ly có thể kiếm được khoảng 500 ngàn đồng, gần bằng số tiền bố Ly làm cả tháng ở quê. Tuy nhiên, khi quyết định đi làm thêm, Ly phải tìm cách sắp xếp lịch học cho hợp lý vì nhiều khi làm đến 10 giờ tối mới về nhà. Lúc đó, Ly phải học bài để hôm sau đến giảng đường. Nhiều hôm thấy mệt định bỏ việc, nhưng nghĩ mấy khi đã kiếm được công việc phù hợp với ngành học của mình, nên Ly cố gắng đi làm.

Khá nhiều SV khác thì chọn cho mình những công việc kiểu "đánh nhanh rút gọn" và thời gian chỉ kéo dài từ một đến hai tuần. Chẳng hạn như nhóm của Huỳnh Long Bình (ĐH Mở) may mắn tìm được việc gói quà, giao quà (thời gian từ 20.12.2008 – Tết dương lịch). Thời gian ngắn nhưng tiền kiếm được không nhỏ, Long cười vui nói: "Tuy là công việc chân tay, nhưng ai cũng thấy vui. Mỗi ngày gần 100 ngàn đồng chứ có ít đâu!". Kinh nghiệm của nhóm trưởng Long Bình là, muốn có công việc thường xuyên thì phải làm việc có trách nhiệm. Nhóm của Long được phân công hợp lý, người nào có lịch thi không đi làm được, báo lại cho nhóm trưởng biết trước. Nhóm trưởng sẽ phân công người khác làm thế. Theo Long: "Nếu bỏ thi để đi làm thêm thì không đáng. Tiền đóng học để thi lại nhiều khi còn cao hơn cả tiền làm thêm".

SV hay truyền tai nhau những công việc được xem là "ngon ăn". Hoàng Hải (SV năm 3 ĐH Kiến trúc) không ngần ngại cho biết. SV dân "Kiến"  thường có đặc thù riêng. Đàn anh những năm cuối nhận được những công việc ngắn ngày và dễ thực hiện như sơn vẽ bảng hiệu, trang trí lại quán xá, cắt đềcan… thì giao lại cho đàn em thực hiện. Song việc, đàn anh nghiệm thu chất lượng, rồi giao cho khách hàng. Tiền công được chia đều cho người thực hiện và người có hợp đồng.

Còn rất nhiều việc làm thêm từ nay đến Tết Nguyên đán với mức thu nhập từ 70 – 150 ngàn đồng/ngày tại Trung tâm Hỗ trợ SV- số 643 Điện Biên Phủ, Q.3, Trung tâm GTVL Thanh Niên- số 4A Phạm Ngọc Thạnh, Q.1,  TTGTVL thành phố -153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, TT Votec – CT 29 – 30 Tam Đảo, P.15, Q.10…

Một chủ tiệm bán đồ (nguội) tại đường Hàm Nghi, Q.1, nơi mới tuyển hai nhân viên phụ việc trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán tại Văn phòng GTVL Báo Lao Động, nhận xét. Mùa Tết, thực sự là mùa làm thêm lý tưởng của SV. Đặc biệt là những SV nghèo và những SV ở tỉnh không về quên ăn Tết.

 
Đăng Hải (laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)