Hôm nay, SEA Games 25 chính thức khai mạc. Nó đánh dấu mốc chặng đường 50 năm hình thành và phát triển ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực. TT&VH giới thiệu bài viết của nguyên Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh về SEA Games xưa và nay, cũng như những thách thức, thời cơ của TTVN.
SEA Games xưa và nay
Tăng cường tình hữu nghị giữa các quốc gia; không ngừng nâng cao thành tích kỹ chiến thuật các môn thể thao cho VĐV, tạo điều kiện cho VĐV các nước được rèn, luyện để tham gia Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) và Olympic là mục đích của LĐTT Đông Nam Á (ĐNA).
Vũ Thị Huơng và môn điền kinh nếu có thành tích cao sẽ có giá trị đặc biệt |
Thực tiễn gần 50 năm qua đã minh chứng điều này và cũng đã làm tốt mục tiêu này. Từ năm 1995 trở về trước, thể thao ĐNA phát triển lành mạnh, nghĩa là VĐV chiến thắng một cách trung thực và ngay thật. Kết quả xếp hạng của các quốc gia trong bảng tổng xắp huy chương phản ánh đúng thực lực phát triển và trình độ thể thao của mỗi nước.
15 năm trở lại đây, tình hình đã đổi thay: chiến thắng dường như đã được dự đoán ngay từ các cuộc hội nghị. Đã hình thành một “quy luật”: đoàn thể thao của các quốc gia ở “chiếu trên” bao giờ cũng xếp thứ 1 khi họ là chủ nhà đăng cai Đại hội. Jakarta 1997, đoàn Indonexia giành 194 HCV, Chiang Mai 1995 là 157 HCV và Nakhon Raschasima 2007 là 183 HCV của đoàn Thái Lan; Kuala Lumpur 2001 là 111 HCV của Malaysia, Philippines 2005 với 113 HCV của chủ nhà, và Hà Nội 2003 có 155 HCV của TTVN. Đành rằng là nước chủ nhà đăng cai SEA Games bao giờ cũng có nhiều lợi thế, nhưng điểm mấu chốt là ở việc chọn hoặc loại các môn thi đấu: chọn những môn chủ nhà có thế mạnh và loại những môn đối phương có thế mạnh.
Tất cả đều đã nhìn ra, và vấn đề này đã được đề cập, nhưng tất cả vẫn phải chờ cho tới ngày SEA Games trở về với mục đích nguyên bản của nó.
SEA Games 25: Tốp 2 trong tầm tay Việt Nam
Từ khi tái hội nhập với thể thao quốc tế và khu vực năm 1989 (SEA Games Kuala Lumpur) đến nay, sau 20 năm, TTVN không ngừng tiến bộ và luôn vượt lên, đến nay đứng vững ở một trong ba vị trí đầu. Nhiều môn thể thao Olympic Việt Nam xếp loại hàng đầu khu vực như vật (vật tự do cổ điển, vật nữ), bắn súng; ở hạng thứ hai có điền kinh, taekwondo, judo, bóng đá, bóng chuyền, karatedo…; nhiều môn tiến bộ như cử tạ (một vài hạng cân), bơi (1 vài cự ly, nội dung) hay cầu lông. Chỉ tiêu của đoàn là 70 – 75 HCV. Trong tình hình hiện nay, số lượng HCV dự báo có thể còn nhiều hơn và việc giành vị trí thứ hai hoàn toàn là trong tầm tay.
SEA Games 25 tại Lào tổ chức 25 môn và phân môn thi trong chương trình. Có 14 môn và phân môn thể thao Olympic (điền kinh, bơi, cử tạ…) còn 11 môn và phân môn thể thao khác (lặn, cầu mây, wushu, bi săt, đá cầu, pencak silat…). Tổng số có 383 nội dung (tức là 383 bộ huy chương) trong đó có 261 nội dung của các môn thể thao Olympic và 122 nội dung các môn thể thao còn lại (chiếm tỷ lệ 1/3). Ở những môn và phân môn này VĐV TTVN rất mạnh trong các môn wushu, pencak silat, lặn, đá cầu… trong khi hầu hết VĐV các nước khác lại yếu, kể cả Thái Lan.
Theo đăng ký chưa đầy đủ, đoàn Philippines, Malaysia, Singapore dường như rút đi nhiều về số lượng so với lực lượng tham gia ở Thái Lan – 2007, mối đoàn trên dưới 300 VĐV, và chủ yếu là các môn thể thao Olympic. Họ hoặc yếu kém hoặc không tham gia các môn như lặn, đá cầu, wushu, muay, pencak silat… nên khó tranh chấp với Việt Nam.
Malaysia chỉ đặt chỉ tiêu 30-35 HCV. Dường như Philippines, Malaysia, Singapore không “hăng hái” lắm với SEA Games lần này. Indonesia đi đông hơn (389 VĐV) và quyết tâm giành vị trí thứ 3 tổng sắp với 50-60 HCV. Sau thời kỳ khủng hoảng luôn xếp thứ 4-5 từ 2001 đến nay, Indonesia đang hồi phục. Có thể ở SEA Games lần này, họ chính là đối thủ “sau tay lái” của Việt Nam. Đoàn Thái Lan vẫn đông nhất (637 VĐV) và mạnh đều ở các môn dự thi. Thái Lan chủ trương giành HCV cả bóng đá và xếp hạng 1 toàn đoàn.
Có nhiều tiến bộ trong các môn thể thao Olympic, ưu thế trong các môn lặn, đá cầu, wushu, pencak silat, trình độ VĐV là ổn định, Việt Nam có thế và lực mạnh lần này. Thi đấu ở Lào là thời cơ thuận lợi cho Việt Nam.
Nhưng ở nhiều môn, TTVN vẫn sẽ gặp các đối thủ mạnh hơn như điền kinh (Thái Lan, Philippines và Malaysia), bơi (Thái Lan, Singapore), Bi-a (Philippines, Thái Lan Singapore, Indonéia), Judo (Thái Lan), Karatedo (Malaysia, Indonesia), Pencak silat (Indonesia, Thái Lan), taekwondo (Thái Lan), cầu mây (Thái Lan), bắn súng (Thái Lan, Singapore), cử tạ (Thái Lan, Indonesia)…
Bởi thế, muốn chiến thắng để nhảy lên vị trí thứ 2 toàn đoàn, các HLV và VĐV đoàn TTVN không được chủ quan và luôn bước vào cuộc chơi với tinh thần quyết thắng.
Nguyễn Hồng Minh (theo thethaovanhoa)
Bình luận (0)