Hội nhậpThế giới 24h

Cơ hội hòa giải bị bỏ lỡ ở Australia

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 14.10 ở đất nước này về sửa đổi hiến pháp hiện hành để xác lập quyền của người bản xứ được tham vấn trong quá trình lập pháp.
Một điểm bỏ phiếu ở Tòa nhà Quốc hội cũ ở Canberra, Australia trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 14.10.2023.
Hiến pháp hiện hành quy định việc sửa đổi hiến pháp cần sự đồng ý của đa số cử tri và đa số bang trong trưng cầu dân ý. Cái "đa số kép" này ông Albanese đã không đạt được: Đa số cử tri và đa số bang ở Australia đều bác bỏ sửa đổi hiến pháp để xác lập vai trò của người bản địa trong quá trình lập pháp.
Người bản địa chỉ chiếm 4% dân số ở Australia. Nền văn hoá của họ là một trong những nền văn hoá lâu đời nhất trên thế giới. Cho tới tận cách đây vài thập kỷ, người bản địa đã bị phân biệt đối xử. Họ gần như bị gạt ra ngoài lề của xã hội ở Australia.
Vì thế, cuộc trưng cầu dân ý vừa qua – tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này là một trong những cam kết tranh cử khi trước của ông Albanese và lần đầu tiên kể từ 24 năm nay mới lại thấy có tổ chức trưng cầu dân ý ở Australia. Đây được coi là cơ hội lịch sử xưa nay chưa từng có cho đất nước này khép lại quá khứ lịch sử tăm tối, thực hiện hoà giải nội bộ và gây dựng sự đồng thuận thật sự trong xã hội.
Cuộc trưng cầu dân ý này đã thời sự hoá vấn đề khắc phục di sản quá khứ lịch sử ở Australia, khuấy động sự quan tâm của chính giới và của xã hội tới việc đáp ứng và đảm bảo những quyền và lợi ích chính đáng của người bản xứ ở Australia. Nó phát đi thông điệp cảnh tỉnh rằng, Australia bây giờ có thể trì hoãn nhưng rồi sẽ đến lúc không thể không giải quyết ổn thoả vấn đề quá khứ lịch sử này.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Australia phản ánh mức độ phân rẽ vẫn còn rất lớn giữa người bản xứ và người không phải bản xứ ở Australia. Đa số người không phải là người bản địa này không chống đối việc cải thiện điều kiện sống của người bản địa. Nhưng bản chất vấn đề ở đây không phải là cải thiện điều kiện sống cho người bản địa mà là công nhận những quyền con người và lịch sử chính đáng của người bản địa và xác lập chúng bằng hiến pháp. Thực chất vấn đề ở đây là bình đẳng giữa tất cả mọi người dân trong xã hội và đánh giá đúng, ghi nhận đủ đóng góp của người bản địa vào lịch sử đất nước này.
Nếu không làm những việc này trước, làm thành công với sự đồng thuận sâu rộng, đồng thuận thật sự và bền vững trong nội bộ xã hội và chính trường thì Australia không thể hoà nhập và hội nhập cộng đồng người bản địa vào xã hội Australia trong thế giới hiện đại. Chỉ khi hoà giải và hội nhập người bản địa vào xã hội hiện tại, Australia mới thật sự khắc phục được những lỗi lầm và bất công trong quá khứ lịch sử và hiện tại đối với người bản địa, mới chữa lành và hàn gắn những vết thương trong quá khứ lịch sử.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua cho thấy, đất nước này hiện chưa đủ mức sẵn sàng để tận dụng cơ hội lịch sử giải quyết vấn đề này. Bài toán về ghi nhận vào hiến pháp đầy đủ mọi quyền và lợi ích chính đáng của người bản địa tiếp tục không được giải quyết dứt điểm ở Australia. Chính trường và xã hội Australia sẽ không vì thế mà trở nên mất ổn định. Nhưng hiềm khích và không đồng thuận, định kiến và phân biệt đối xử sẽ tiếp tục ám ảnh mối quan hệ giữa người bản địa và người không phải là bản địa ở Australia trong tương lai.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)