Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cơ hội học thật, thi thật

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với việc Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới có nghĩa là thầy và trò năm nay lại phải “tự bơi” trong biển kiến thức mênh mông. Theo tôi nghĩ, đề thi minh họa nếu được công bố thì tốt hơn trong việc định hướng kiểu bài; định hướng kiến thức cần học, cần ôn tập. Nhưng nay không được công bố thì chắc chắn thầy và trò sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vừa học vừa ôn luyện. Chương trình học hiện nay vẫn còn nặng nề, tuy có giảm tải nhưng vẫn chưa giảm được “gánh nặng” cho học sinh. Ngay từ tháng đầu của năm học, Bộ GD-ĐT đã công bố để các trường THPT trong cả nước có tinh thần chuẩn bị; không ỷ lại vào đề mẫu, đề minh họa dễ dẫn đến chủ quan.

Việc trông chờ vào đề thi minh họa để thử sức không còn nữa; thay vào đó là việc học thật, thi thật; học gì thi nấy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Như vậy, các trường phải điều chỉnh cách dạy, cách học thế nào để nắm chắc từng phần kiến thức một cách chắc chắn. Từ đó, học sinh mới có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình làm bài thi sau này. Muốn được như vậy thì giáo viên không ngừng tự làm mới mình, đổi mới cách dạy, từ đó học sinh phải “tương tác” theo, phải năng động đổi mới cách học.

Có ý kiến cho rằng đề thi minh họa sẽ lặp lại trong đề thi thật, hoặc đó là cách mớm bài cho học sinh, dễ gây ra tâm lý “học tủ”, ôn “tủ”, không học hết chương trình. Đó là cách học đối phó, học hình thức chỉ mong làm bài “trúng tủ” là đạt kết quả, không cần biết kiến thức đó có thực sự là của mình hay không và thông thường, thi xong là quên hết. Việc không công bố đề thi minh họa cũng là sự đổi mới bước đầu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học toàn chương trình và thi toàn chương trình, không giới hạn bài nào, chương nào, phần nào mà là tất cả kiến thức đều phải được học, được truyền thụ.

Cơ hội học thật, thi thật được mở ra để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Mỗi giáo viên và học sinh đều định hướng cho mình sự cố gắng cần thiết, sự nỗ lực cao nhất để vượt qua. Nếu thực hiện được việc học thật, thi thật thì hiện tượng học sinh ‘đậu oan” sẽ hạn chế nhiều vì việc thi là thực chất, không mang tính may rủi trong đó.

Lam Hng

Bình luận (0)