Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cơ hội học tiếp cho học sinh tốt nghiệp THCS

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh việc tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT vào học bậc cao đẳng (CĐ), nhiều trường tập trung hướng vào đối tượng học sinh (HS) tốt nghiệp THCS cho chương trình 'đầu vào trung cấp (TC), đầu ra CĐ'.

 Học sinh tốt nghiệp THCS học các môn văn hóa tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM	 /// ẢNH: HUYỀN TRANG

Học sinh tốt nghiệp THCS học các môn văn hóa tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM. ẢNH: HUYỀN TRANG
Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận: “Càng ngày việc tuyển sinh đối với các trường CĐ, TC càng khó khăn do bậc ĐH mỗi năm lại thêm các hình thức xét tuyển nhằm tạo cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Nhiều thí sinh làm hàng chục bộ hồ sơ học bạ để nộp khiến việc trượt ĐH gần như không thể. Các trường khối giáo dục nghề nghiệp không còn cách nào khác là phải năng động, thay đổi các phương pháp tiếp cận người học và thay đổi đối tượng xét tuyển để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu mỗi năm”.
Theo tiến sĩ Khiêm, từ vài năm nay, bên cạnh việc tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT vào học bậc CĐ, trường đã tập trung hướng vào đối tượng HS tốt nghiệp THCS cho chương trình “đầu vào TC, đầu ra CĐ”. Đây cũng chính là nội dung trong Chỉ thị 24 của Chính phủ, về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, trong đó có việc đề xuất thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho HS tốt nghiệp THCS…
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cũng cho biết năm 2020, 100% chỉ tiêu TC đều là HS tốt nghiệp THCS, không chỉ vậy, thí sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển bậc CĐ tại trường cũng lên tới 5.000. “Chúng tôi cũng thông tin cho các em tốt nghiệp THCS về việc học xong TC có thể học tiếp 1,5 – 2 năm để lấy bằng CĐ ngay tại trường và được doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau tốt nghiệp”, tiến sĩ Lộc cho hay.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6 (TP.HCM), cho biết năm vừa qua có khoảng hơn 800 HS tốt nghiệp THCS từ 10 trường THCS đã chọn TC, chiếm khoảng 20%.
“Trong số đó, đa số các em có học lực trung bình khá, một số ít là học giỏi. Nhiều em đăng ký ngay mà không cần thi vào lớp 10. Cũng có những em đã thi đậu rồi nhưng lại thay đổi quyết định, không học THPT nữa mà sang học nghề. Sở dĩ số lượng các em sau lớp 9 học nghề ngày càng nhiều là vì chúng tôi đã hướng nghiệp, phân luồng rất quyết liệt. Phòng Giáo dục đã phối hợp một số trường CĐ, TC đưa các em đến tham quan, tìm hiểu ngành nghề. Tôi thấy gần đây phụ huynh đã thay đổi rất nhiều, sẵn sàng cho con em đi học TC, CĐ để sớm có nghề nghiệp và thu nhập”, ông Uyên nhìn nhận.
Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều trường CĐ, TC gần như cam kết HS, sinh viên tốt nghiệp sẽ có ngay việc làm bằng cách gắn kết với nhà tuyển dụng, đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc chia sẻ: “Trường phối hợp với hàng ngàn doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu của họ, đồng thời mời tham gia xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy và cung cấp nhân lực cho họ ngay từ khi sinh viên thực tập. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp về kỹ thuật luôn cao, quan trọng là đào tạo có đáp ứng được yêu cầu hay không. Mỗi năm trường lại rà soát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, nếu em nào chưa có công việc, trường lập tức liên hệ, mời đến trường để giới thiệu cho doanh nghiệp”. 
Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)