Theo lãnh đạo nhiều trường sư phạm, việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Sinh viên ngành mầm non một trường cao đẳng sư phạm. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào chất lượng nguồn tuyển, trong khi đó đây là thách thức lớn nhất đối với ngành sư phạm hiện nay.
“Giữ hình ảnh”
Theo GS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), thực trạng tuyển sinh ngành sư phạm (SP) trong thời gian qua khiến hiệu trưởng các trường SP lớn thực sự lo lắng. Yêu cầu giữ “điểm sàn” ngành SP chính là ý kiến tư vấn của hiệu trưởng các trường SP lớn đề xuất với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong quá trình Bộ lấy ý kiến hoàn thiện quy chế tuyển sinh 2018. Có “điểm sàn” thì mới loại bỏ được hiện tượng “vét” thí sinh vào ngành SP.
“Năm ngoái, trong số 8 trường SP lớn cũng có ngành phải lấy điểm chuẩn đến “điểm sàn”, nhưng đó là điểm chuẩn mang tính pháp lý. Nghĩa là chỉ một vài phần trăm thí sinh có điểm ngang sàn, là do thực hiện nguyên tắc xét điểm trúng tuyển từ trên xuống dưới cho đến hết chỉ tiêu”, GS Quang cho biết.
Qua trao đổi với một số trường ĐH SP lớn, nhận thấy hiệu trưởng các trường đều có ý thức và mong muốn “giữ hình ảnh” chất lượng đầu vào.
PGS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH SP Hà Nội 2 (đóng tại Xuân Hòa, Vĩnh Phúc), chia sẻ: “Quan niệm của chúng tôi là không nhất thiết phải lấy hết chỉ tiêu nếu chất lượng nguồn tuyển không đảm bảo. Năm ngoái, chúng tôi xác định chỉ tiêu là 1.224 thí sinh nhưng rồi chỉ tuyển 1.000. Đây là một quyết định yêu cầu phải có phản xạ rất nhanh khi xác định điểm trúng tuyển. Nhờ có cơ sở dữ liệu quốc gia mà các trường biết hết dải điểm của thí sinh có nguyện vọng vào trường mình. Ví dụ, một ngành cần 60 chỉ tiêu, nếu tuyển hết chỉ tiêu là điểm tuyển sẽ ngang sàn 15,5 điểm. Nhưng nếu ta thấy từ 15,5 đến 18 điểm chỉ 5 – 7 thí sinh thì không có lý do gì mình hạ điểm chuẩn xuống 15,5 chỉ để lấy thêm 5 – 7 thí sinh! Nên việc lấy lên từ 18 điểm luôn sẽ giúp giữ được hình ảnh trong vấn đề chất lượng nguồn tuyển, mà cái thiệt lại chẳng đáng là bao”.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH SP Hà Nội, cho biết: “Nếu xử lý tốt mối quan hệ cung – cầu, từ nhu cầu mà đặt ra chỉ tiêu, rồi tuyên truyền, chế độ chính sách tốt, cam kết giữa các cấp lãnh đạo tốt trong việc đầu tư cho đào tạo SP, thì giai đoạn này là cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo nhà giáo, là cơ hội để đào tạo ngành SP có bước chuyển mình mạnh mẽ”.
Chủ động cắt giảm
Theo nhận xét của lãnh đạo nhiều trường ĐH SP, việc cắt giảm chỉ tiêu đào tạo SP là một động thái không mới so với chủ trương đào tạo ngành SP của Bộ GD-ĐT đã đưa ra từ nhiều năm trước.
“Chúng tôi chưa bao giờ bất ngờ về việc giảm chỉ tiêu. Ngay trước khi Bộ có động thái áp đặt chỉ tiêu SP thì chúng tôi cũng đã chủ động giảm. Chẳng hạn như trước đây, mỗi năm trường có khoảng 15.000 thí sinh đăng ký dự thi, và chỉ tiêu là 2.500, nhưng chúng tôi cũng chỉ lấy 1.700 – 1.800”, PGS Nguyễn Quang Huy cho biết.
Còn GS Nguyễn Văn Minh cũng nhìn nhận nguồn lực của trường mình thuộc loại lớn nhất trong hệ thống trường SP trên toàn quốc, nên có thể đăng ký chỉ tiêu với cỡ 2.500 – 3.000. Nhưng hằng năm trường chỉ đặt ra mức chỉ tiêu vừa phải, năm cao thì 1.800, còn lại ở mức 1.500 – 1.600. Năm 2017, chỉ tiêu của trường là 1.415. Năm nay, trường vẫn để mức như năm 2017.
Theo ý kiến của GS Phạm Hồng Quang, trong cuộc họp với Bộ GD-ĐT về chỉ tiêu SP, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và hiệu trưởng các trường SP đã thống nhất chủ trương, với 8 trường SP nằm trong dự án ETEP (Chương trình phát triển các trường SP để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) thì được phép duy trì mức chỉ tiêu như năm ngoái, còn các trường SP địa phương hoặc trường có đào tạo SP đều bị cắt chỉ tiêu mỗi trường hàng chục phần trăm, tùy theo kết quả rà soát nhu cầu sử dụng nhân lực ngành SP ở địa phương.
Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)