Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cơ hội nào cho các đạo diễn trẻ?

Tạp Chí Giáo Dục

Sự bùng nổ phim truyền hình trong thời gian qua khiến không ít đạo diễn trẻ khấp khởi vui mừng. Thế nhưng, một sự thật khá buồn tủi là dù mỗi năm, hàng chục bộ phim (với số tập lên đến mấy trăm) ra đời, vẫn rất ít cơ hội dành cho các đạo diễn trẻ.

Hết phim này rồi đến phim khác, đạo diễn phim truyền hình cũng chỉ quanh đi quẩn lại khoảng 10 gương mặt quen thuộc.

Kẻ làm không hết, người lần không ra…

Sau bộ phim Hương phù sa khá ấn tượng, đạo diễn Võ Tấn Bình được M&T Pictures mời thực hiện phim Hoa dã quì, Mưa thủy tinh (cùng với Lê Bảo Trung). Nguyễn Danh Dũng dường như “hợp gu” với Hãng phim Lasta khi anh thực hiện một loạt phim cho hãng này như Ảo ảnh, Vòng xoáy tình yêu, Nhịp đập trái tim, Thiên đường tình yêu, Một ngày không có em… Đạo diễn Xuân Phước thì không có thời gian ngơi nghỉ với một loạt phim như Đồng hồ cát (Lasta), Nữ sinh (TFS) và giờ là chùm phim cổ tích VN (Phương Nam phim)…

Đạo diễn Xuân Phước (bìa trái) đang thực hiện phim Nữ sinh (TFS) - Ảnh: Tư liệuĐạo diễn Quang Đại vừa xong Tình yêu còn lại (Công ty Sao Thế Giới và HTVC hợp tác) đã bắt tay vào làm Mây trắng bay ngang trời (Công ty Kiết Tường). Đạo diễn Xuân Cường sau Gọi giấc mơ về (Lasta) làm liền tù tì Tình yêu pha lê (Công ty Kiết Tường), Trinh thám Sài Gòn (Hãng phim Giải Phóng). Đạo diễn Đinh Đức Liêm làm phim Giọt đắng (TFS), Đam mêVua sân cỏ (Hãng phim Gia Đình Việt). Minh Chung sau Kính vạn hoa (TFS) là Người mẹ nhí, Nhật Nguyệt, Cô gái xấu xí (Hãng phim Việt). Thời gian gần đây cũng đánh dấu sự trở lại của các đạo diễn như Trương Dũng, Lê Hữu Lương, Trần Ngọc Phong…

Các đạo diễn như Võ Tấn Bình, Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung, Phương Điền… luôn được xem như những đạo diễn trẻ với tuổi đời chỉ 30-40 tuổi. Thế nhưng họ là những gương mặt “già” nhất của Trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh TP.HCM – tốt nghiệp khóa đầu tiên (1996-1999) khoa đạo diễn sân khấu điện ảnh trường này. Chín năm trôi qua, trường đã có tổng cộng gần 60 sinh viên khoa đạo diễn ra trường. Bên cạnh đó còn có đội ngũ trẻ là các sinh viên tốt nghiệp khoa đạo diễn điện ảnh hệ tại chức. Thế nhưng mấy ai trong số đó có cơ hội được làm phim?

Vì đâu nên nỗi?

Bá Vũ, một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa 1 Trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh TP.HCM, nhớ lại: “Khi chúng tôi ra trường, giám đốc Hãng phim TFS (lúc bấy giờ là nhà biên kịch Nguyễn Hồ) đã mở một buổi họp mặt. Ông động viên chúng tôi: “Các con là những chiếc máy bay, còn đài truyền hình là sân bay để những chiếc máy bay có chỗ đáp”. Những lời nói đầy khích lệ ấy đã khiến chúng tôi cảm động vô cùng”. Sự động viên kịp thời đã là động lực khích lệ sự sáng tạo của các đạo diễn trẻ. Họ đã có cơ hội để được khẳng định mình qua những bộ phim ngắn, phim một tập (90 phút) được phát sóng trong chương trình Tạp chí văn nghệ.

Từ bộ phim Chuột đầy ngẫu hứng bất ngờ, Vũ Ngọc Đãng đã trở thành đạo diễn được săn đón cả trong điện ảnh lẫn truyền hình… Sản phẩm đầu tay Tôi vào đời của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng là tiền đề để anh tỏa sáng trong bộ phim lịch sử hoành tráng Ngọn nến hoàng cung. Song Chi nhẹ nhàng với Phố Hoài dần trưởng thành với Nữ bác sĩ… Từng được biết đến với bộ phim ngắn Bỏng, đạo diễn Mỹ Khanh được TFS tin tưởng giao thực hiện bộ phim Xóm cào cào rồi sau đó là U6&U7A cappella. Hai đạo diễn Tường Phương – Phương Nam cũng từ bộ phim đầu tay Đất khách để đi đến những dự án lớn dài hơi như Dưới cờ đại nghĩa…

Nhưng đó là chuyện của… ngày xưa! “Mốt” phim truyền hình hiện nay là phim dài tập. Các nhà sản xuất (cả Nhà nước lẫn tư nhân) dường như không mặn mà lắm thể loại phim 90 phút. Sự lựa chọn số một của các hãng phim tư nhân khi chọn đạo diễn thực hiện cho phim vẫn là những “thương hiệu” có tên tuổi, bởi theo họ, đây là cách tốt nhất và an toàn nhất để… tìm kiếm quảng cáo và chinh phục khán giả.

Nghệ sĩ Đức Hải – trưởng khoa đạo diễn Trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh TP.HCM – bày tỏ quan điểm: “Không còn cách nào khác, các đạo diễn trẻ phải tự tạo ra sự kiện tìm kiếm cơ hội để khẳng định mình với các nhà sản xuất. Mặt khác, mỗi năm nên có một cuộc họp thường niên giữa trường với các nhà đài, nhà sản xuất phim… để mọi người cùng hiểu nhau và các bạn sinh viên tốt nghiệp có cơ hội giới thiệu về bản thân mình với nhà sản xuất…”.

Ông Nguyễn Việt Hùng – giám đốc Hãng phim TFS:

Không rõ các đạo diễn trẻ đi đâu, về đâu?

“Theo tiêu chí của nhà đài, đầu ra của phim 90 phút hiện nay rất kém. Vì thế người viết kịch bản phim hiện nay chuyển sang thể loại phim dài tập chứ không màng đến phim ít tập nữa. Nhưng mỗi năm chúng tôi cũng rất cần sản xuất vài phim lẻ để tham gia các liên hoan phim. Quan điểm của TFS vẫn tích cực ủng hộ và tạo điều kiện cho lớp trẻ, nhưng bạn đạo diễn trẻ phải chứng tỏ sự đam mê và có chí hướng. Gần đây chúng tôi không rõ các đạo diễn trẻ ra trường đi đâu về đâu. Họ không đến với TFS”.

Nhà biên kịch Nguyễn Hồ – cựu giám đốc Hãng phim TFS:

Phim truyền hình 90 phút đang bị xuống cấp

Làm phim dài tập thì chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, các đạo diễn trẻ chỉ trông chờ vào phim 90 phút. Thế nhưng, tôi cảm thấy rất tiếc vì trong thời gian qua thể loại phim truyện dài 90 phút đang xuống cấp trầm trọng và dần biến mất. Các bộ phim truyện lẻ trong chương trình Văn nghệ chủ nhật (VTV) và Tạp chí văn nghệ (HTV) từng là điểm nhấn, được khán giả trông chờ hiện nay không còn được các nhà đài chú trọng nữa. Ba bốn năm nay, tại các cuộc liên hoan phim, rất khó để tìm kiếm một bộ phim 90 phút có chất lượng cao, mang dáng dấp phim điện ảnh.

Mất đi thể loại phim này là đánh mất một nhu cầu giải trí cao của khán giả, không góp phần tạo ra đội ngũ sáng tác mới – cả biên kịch, đạo diễn…

Theo TNO

Kỳ sau: Ước mơ vươn tới… đạo diễn phim

Bình luận (0)