Giải quyết tốt việc làm cho người sau cai nghiện là một trong những con đường ngắn nhất đưa họ sớm hòa nhập cộng đồng (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Trong năm 2008 TP.HCM có hơn 15.000 người tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) trở về địa phương. Đến nay cũng đã phát hiện 1.246 trường hợp tái nghiện (chiếm gần 14%), chủ yếu do không làm chủ được bản thân, bị bạn bè xấu rủ rê. Trong đó, có 336 trường hợp vi phạm bị xử lý hình sự với các tội danh giết người (2 vụ) và trộm cướp, gây rối trật tự công cộng, mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy, hiếp dâm, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép…Việc chăm lo đời sống cho đối tượng “hậu” cai đang khiến không ít địa phương… đau đầu.
Nhiều nơi chưa “sạch” tệ nạn xã hội
Năm qua, Công an TP và công an các địa phương đã bắt hơn 3.000 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Các quận 2, 10, huyện Bình Chánh, Cần Giờ chậm triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 01. Địa bàn quận Thủ Đức còn một số cơ sở có dấu hiệu hoạt động không lành mạnh (trá hình về hoạt động mại dâm, sử dụng ma túy)… Ông Trần Quốc Cường (UBMT phường Cầu Kho, Q.1) cho biết: “Những người tái nghiện thường nghĩ ngay đến phường Cầu Kho vì khu vực này từ trước đến nay vẫn được coi là vùng trọng điểm về tội phạm ma túy. Các đối tượng buôn bán ma túy ngày càng tinh vi hơn, không có mặt thường xuyên tại địa bàn mà trao đổi mua bán thông qua điện thoại. Điều này gây khó cho các lực lượng chức năng”. Hai phường 12, 14 (Q.8) cũng được ông Mai Tấn Ngọc (Phòng Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc) lưu ý vì tập trung khá nhiều đối tượng buôn bán ma túy công khai, mặc dù vẫn có lực lượng chức năng thường xuyên kiểm soát. Người dân ở khu vực này thường không dám phối hợp với lực lượng chức năng vì sợ bị… trả thù. Ông Cao Tuấn Anh (ủy viên thường trực UBMT Q.4) chú trọng: “Quận 4 có hai khu vực trọng điểm, trong đó, phường 2, 3, 5 đang giải tỏa để xây dựng công viên Hồ Khánh Hội rất dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Khi bị phát hiện, các đối tượng vi phạm thường lẩn trốn qua các phường khác. Hẻm 300 và 326 Đoàn Văn Bơ (P.16) cũng là nơi tập trung đông dân nhập cư, đối lượng tội phạm phức tạp”.
Ngại “đầu tư” vì sợ… mất vốn
Giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện là một trong những con đường ngắn nhất đưa họ sớm hòa nhập cộng đồng. Thành phố hiện đã giải quyết việc làm được cho hơn 6.500 đối tượng hồi gia nhưng vẫn còn trên 2.200 chưa tham gia lao động vì nhiều nguyên do, trong đó đến 880 trường hợp chưa tìm được việc. Ông Trần Quốc Cường nhận định, hiện nay, đối tượng hồi gia phần lớn có xu hướng vay vốn làm ăn với công việc chạy xe ôm, sửa xe, làm tóc… hơn là học nghề. Các chương trình hỗ trợ cũng đã giải quyết cho 768 trường hợp người THNCĐ vay vốn làm ăn với tổng số tiền gần 4,8 tỷ đồng. Nhưng qua khảo sát, đã có gần 50% người vay sử dụng không đúng mục đích, một số đối tượng cũng vẫn chưa hoàn trả được vốn do làm ăn thua lỗ, bị tái nghiện… Có lẽ đây là một trong những lý do dẫn đến tâm lý e ngại “đầu tư”. Ông Mai Tấn Ngọc (Phòng Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc) đề nghị các địa phương nên mạnh dạn đầu tư vốn cho những đối tượng thực sự có chí làm ăn. Nếu không có giải pháp hợp lý vấn đề này sẽ đẩy người THNCĐ vào con đường cùng và khó tránh khỏi nguy cơ tái nghiện.
Ông Đinh Hoàng Linh (Phó chủ tịch UBMTTQ Q.10) khẳng định vai trò của gia đình trong công tác hậu cai nghiện. “Có trường hợp người THNCĐ có điều kiện kinh tế gia đình khá giả vẫn đề xuất vay vốn làm ăn. Thực ra, với đối tượng này, gia đình đã “bó tay”, chán ngán và đẩy cho xã hội. Xã hội phải làm trung gian, dùng tiền của gia đình trao lại cho người THNCĐ để người hồi gia không… ỷ lại mà chuyên tâm làm ăn”. Cũng theo ông Linh, những đối tượng có biểu hiện tái nghiện, gia đình tự nguyện bỏ kinh phí đưa đi cai nghiện, sau 6 đến 12 tháng họ được “trả” về. Nếu đi cai nghiện theo diện bắt buộc của nhà nước, thời gian kéo dài nhiều năm và miễn phí. Nên có quy định cụ thể với trường hợp cai nghiện từ 6-12 tháng để hướng đến tính hiệu quả.
Cùng với hai quận 6 và Bình Thạnh, quận 4 được chọn thực hiện thí điểm chương trình điều trị Methadone. Theo chương trình điều trị, người THNCĐ sẽ uống Methadone 1 lần/ngày để thay chất gây nghiện với liều lượng tối thiểu là 800 ml/ngày. Anh Cao Tuấn Anh (ủy viên thường trực UBMT Q.4) ghi nhận: “Chỉ tiêu ban đầu mỗi điểm là 250 người, thực tế tại quận 4 chỉ 81 trường hợp tham gia điều trị (22 người trong quận, 41 khác quận). Những đối tượng khác quận thường gặp khó khăn về mặt bố trí thời gian tham gia vì cách xa nhà”. Thủ tục rườm rà cũng là một trong những lý do cơ bản kéo giảm số người tham gia điều trị Methadone mặc dù quá trình điều trị này miễn phí và lâu dài. Người THNCĐ có tâm lý e ngại đến các cơ quan nhà nước để tham gia điều trị, họ lại phải hoàn thành rất nhiều giấy tờ: hộ khẩu, quyết định hồi gia, hợp đồng trách nhiệm giữa bản thân gia đình với người điều trị, những giấy tờ liên quan sức khỏe, đơn tự nguyện, cam kết của người thân trong gia đình…
MÊ TÂM
Vẫn còn một số cơ sở, xí nghiệp e ngại không tiếp nhận người THNCĐ vào làm việc vì đa số họ có sức khỏe kém, ít trình độ, thiếu tay nghề nên không đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng
|
Bình luận (0)