Thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) đã trở nên trầm trọng ở châu Á. Nguồn nhân lực hiện có đủ đáp ứng cho công việc AI toàn cầu cũng chỉ dừng lại ở mức 300.000 người, trong khi nhu cầu là hàng triệu chuyên gia. Điều này có nghĩa là nhân lực công nghệ cao AI sẽ vẫn còn thiếu trong tương lai gần.
Hai diễn giả chia sẻ với phóng viên tại hội thảo |
TS. Sixsmith (Giám đốc giảng dạy và học tập, Phân viện Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, ĐH Công nghệ Sydney – UTS) nhấn mạnh trong hội thảo các ngành nghề tương lai của thời đại công nghệ thông tin (CNTT) tổ chức chiều 17-9 tại TP.HCM. Bên cạnh đó, TS. Sixsmith cũng dự báo, đến năm 2030 sẽ có tới 50% các công việc tồn tại mà đến giờ chưa xuất hiện.
Các ngành nghề về CNTT
Với sự phát triển nhanh chóng của ngành CNTT và kỹ thuật, theo TS. Sixsmith, cùng với trí thông minh nhân tạo, máy móc có khả năng thay thế con người ở rất nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những robot có cảm xúc, suy nghĩ như con người. Theo ước tính, đến năm 2020 tại Việt Nam sẽ có 50 triệu người dân dùng internet và 90% dân số sử dụng smartphone (điện thông thông minh). TS. Sixsmith cho rằng đây chính là ưu thế của Việt Nam trong việc phát triển CNTT, thương mại điện tử. Tuy nhiên, cùng với đó lại đặt ra bài toán về an ninh mạng trong vòng xoáy mạnh mẽ của CNTT – câu chuyện không riêng của quốc gia nào.
“Theo thống kê, có tới 18-20% doanh nghiệp Việt Nam phàn nàn không tìm được các ứng viên về CNTT tương ứng với vị trí công việc. Đây cũng là con số đau đầu mà các nhà tuyển dụng trên toàn châu Á tìm kiếm nhân viên CNTT trong vị trí tuyển dụng. Tại Úc, ước tính trong 4 năm tới các doanh nghiệp ở đây cần đến 40% nguồn nhân lực về CNTT”, từ những con số này, TS. Sixsmith cho hay đây là cơ hội rộng mở về ngành CNTT tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Xu hướng về CNTT ở Việt Nam bao gồm trí tuệ nhân tạo, lưu trữ đám mây, thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ Blokchain. Các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm internet vạn vật, thương mại điện tử, quy trình kinh doanh và gia công phần mềm CNTT. “Với nhu cầu nhân lực CNTT tăng cao trên toàn cầu, những cá nhân có các kỹ năng phát triển và quản lý CNTT sẽ có nhiều lợi thế hơn. Chọn được nguồn cung ứng nhân lực phù hợp để đáp ứng các cơ hội phía trước vẫn đang là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp”, TS. Sixsmith chia sẻ.
Ông cho hay, không chỉ các nhà tuyển dụng Việt Nam mà là toàn thế giới, luôn cần các ứng viên có kỹ năng CNTT và trình độ kỹ thuật số xuất sắc. Bên cạnh đó là kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội tốt để xây dựng các nhóm làm việc và giao tiếp hiệu quả với khách hàng quốc tế.
Du học sinh Việt Nam rất… nhát
Đó là chia sẻ của bà Kate Dennis (Trưởng bộ phận Truyền thông doanh nghiệp, UTS) về các điểm yếu của du học sinh Việt Nam trong hội thảo. Theo bà Kate Dennis, du học sinh Việt Nam rất giỏi nhưng hạn chế trong việc giao tiếp, nhút nhát và tự ti trong việc thuyết trình, trình bày, phát triển ý tưởng của bản thân. “Sinh viên Việt Nam cần phải trang bị thêm các kỹ năng như tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình… để mạnh dạn hơn khi chia sẻ”, bà Kate Dennis nói.
Ở một góc độ khác, TS. Sixsmith cho rằng chỉ khi có những kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm và trên hết là khả năng tiếng Anh – ngôn ngữ được coi là toàn cầu – thì mới giúp sinh viên đưa các ý tưởng CNTT ra toàn thế giới, tăng cơ hội làm việc trong môi trường toàn cầu hóa. “Một điều nữa là các bạn trẻ cần trang bị kỹ năng học tập trọn đời để thích ứng với sự thay đổi không ngừng của thế giới”, TS. Sixsmith lưu ý.
Trước vấn đề nhiều du học sinh ở lại các nước bản địa sau khi học xong, theo bà Kate Dennis, đây hoàn toàn không phải là “mất mát chất xám” mà chỉ là thực tế trong thời đại toàn cầu hóa. Khi có cơ hội làm việc đa quốc gia thì kinh nghiệm cũng như kiến thức sẽ tăng cao, hỗ trợ chính đất nước mình trong quá trình phát triển. Để có thể chọn lựa cho mình những công việc phù hợp, bà Kate Dennis cho rằng trước hết sinh viên cần phải yêu thích môn học mà mình theo học thì mới có thể học giỏi được.
Tại Úc, theo bà Kate Dennis, có 3 ngành mà du học sinh hay theo học là CNTT, quản trị kinh doanh và khoa học kỹ thuật. “Trong quá trình học tập, du học sinh sẽ có cơ hội đi thực tập. Điều này là không hoàn toàn bắt buộc nhưng tôi khuyến khích các bạn nên đi. Bởi đây có thể là cú hích rất lớn để các bạn có được những vị trí việc làm phù hợp với bản thân sau khi tốt nghiệp. Các nhà tuyển dụng thường nhìn vào quá trình thực tập của du học sinh để đánh giá, tuyển dụng. Các kỳ thực tập tại Úc có trả lương, sẽ giúp hồ sơ của du học sinh đẹp hơn trong mắt nhà tuyển dụng”, bà Kate Dennis nhấn mạnh.
Đỗ Hoa
Bình luận (0)