Không ít DN Việt Nam đã nhận thấy làn sóng chuyển dịch đầu tư, nhưng họ không thể đón nhận bởi lực bất tòng tâm. Công nghệ, trang thiết bị, vốn, mặt bằng không đáp ứng được nên không thể tham gia chuỗi cung ứng, mà chỉ biết đứng nhìn.
Không chỉ đến khi xảy ra lũ lụt tại Thái Lan, mà trước đó, thảm họa kép động đất và sóng thần ở Nhật Bản, rồi tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ tăng giá, đất đai bị cấm cho thuê với giá rẻ, lương tối thiểu tăng… khiến nhiều nhà đầu tư đã tìm hướng chuyển dịch đầu tư sang các nước khác trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt trong số đó có nhiều DN thuộc các ngành công nghiệp quan trọng như điện tử, cơ khí chế tạo… Đây chính là cơ hội "vàng" cho Việt Nam bở xu hướng này phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam. Ngay trong chính sách phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020, chúng ta đã đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế tạo, coi đây như một mũi nhọn của nền kinh tế.
Có rất ít DN Việt tận dụng các cơ hội vàng đã và đang có để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các kết quả khảo sát gần đây của tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) cũng cho thấy những cơ hội của Việt Nam. Đó là các doanh nghiệp Nhật Bản xếp Việt Nam ở hạng thứ 4 trong số các quốc gia ở khu vực châu Á ở triển vọng về ngoại thương trong dài hạn và xếp thứ 3 trong trung hạn. Đáng nói hơn, hơn 60% số người được Nikkei hỏi cho rằng, Việt Nam đứng vị trí hàng đầu trong số những quốc gia hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất.
Rõ ràng, cơ hội cho Việt Nam là không hề nhỏ. Nhưng có đón được dòng đầu tư hay không là cả một câu chuyện dài và hoàn toàn phụ thuộc vào bước đi của Việt Nam.
Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng các chính sách của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư chuyển vốn và công nghệ vào.
Điều này cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản nhắc rất nhiều khi tiếp cận thị trường Việt Nam như thủ tục pháp lý khá rườm rà, thiếu nhất quán trong chính sách và thực thi khiến doanh nghiệp quan ngại…
Bà Hikaru Oguchi, Công ty Luật Nishimura & Asahi (Nhật Bản) trong Hội thảo về xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam mới đây cho biết: "Hệ thống pháp lý của Việt Nam đang phải chạy theo sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nên bất ổn, thường xuyên sửa đổi, không nhất quán… Điều này gây khó khăn không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho cả các đơn vị thực hiện tư vấn đầu tư"
Ông Hideo Naito, Trưởng ban Tài chính phụ trách đầu tư về năng lượng, nguồn nước và cơ sở hạ tầng của tập đoàn JBIC ( Nhật Bản) thừa nhận những rào cản mà Việt Nam đang phải đối mặt đó chính là hạ tầng cơ sở còn đang trong giai đoạn phát triển; khó khăn trong tuyển dụng nhân lực quản lý; hệ thống pháp lý phức tạp…
So với Trung Quốc, hạ tầng cơ sở của Việt Nam vừa nhỏ lại yếu kém nên khó có thể hấp thu hết dòng chảy dồn dập đầu tư. Nếu việc xây dựng hạ tầng cơ sở vẫn liên tục chậm trễ thì trong tương lai gần có thể việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gặp trở ngại trầm trọng.
Chắc chắn, không phải ngẫu nhiên mà gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm khá mạnh. Tìm ra căn nguyên của việc này cũng là cách để Việt Nam thúc đẩy thu hút đầu tư từ không chỉ nhà đầu tư Nhật Bản, ông Hideo Naito nói.
Ngoài những lý do nêu trên thì các nhà đầu tư còn cho rằng công nghiệp hỗ trợ yếu kém và thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cũng là những lý do cản trở khiến Việt Nam khó đón nhận dòng đầu tư lớn.
Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất yếu kém. Với 2 ngành công nghiệp mũi nhọn là ô tô và điện tử thì để phát triển cần có lực lượng đông đảo các nhà cung cấp linh kiện. Công nghiệp hỗ trợ nhìn vào chỉ thấy toàn yếu và kém, nhưng để phát triển lại rất khó khăn.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để phát triển, doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn, cần mặt bằng sản xuất, nhưng các DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được nguồn vốn và mặt bằng. Giá đất ngày càng cao dẫn đến chi phí thuê mặt bằng sản xuất lớn, đấy là chưa kể đến chi phí nhập công nghệ, đào tạo nhân công cũng khá tốn kém vì vậy không dám mạo hiểm đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng thiếu trầm trọng. Việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng từ các trường học, trung tâm đào tạo tại Việt Nam gần như không thể bởi không có. Tự đào tạo thì nhiều DN thiếu kinh phí, thiết bị… Ngay cả khi DN muốn đào tạo thì cũng ít thành công bởi người lao động hay vì lợi ích thiển cận mà cản trở việc nâng cao tay nghề.
Các DN thường phàn nàn rằng nhiều lao động sau khi được đào tạo, nắm bắt được một ít kỹ thuật đã vội rời bỏ công ty để tìm kiếm việc làm mới với mức lương cao hơn. Chính điều này đã cản trở việc nâng cao tay nghề của họ và làm giảm động lực của các công ty trong đào tạo lao động.
Những vấn đề này không chỉ DN đầu tư nước ngoài gặp phải mà ngay cả các DN trong nước cũng bị ảnh hưởng. Không ít các DN Việt Nam đã nhận thấy làn sóng chuyển dịch đầu tư, nhưng họ không thể đón nhận bởi lực bất tòng tâm. Công nghệ, trang thiết bị, vốn, mặt bằng không đáp ứng được nên không thể tham gia chuỗi cung ứng, mà chỉ biết đứng nhìn.
Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, không phải chúng ta không nhận ra sự chuyển dịch đầu tư và trong mấy năm qua chúng ta đã có sự chuẩn bị khá tích cực. Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, các chương trình đào tạo cho các địa phương, DN diễn ra liên tục khắp nơi. Các chính sách cũng được xây dựng, tuy nhiên sự hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh mẽ để tạo bước đột phá. Đến nay chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN phát triển công nghiệp hỗ trợ mới hình thành và chưa có dự án nào được duyệt.
Có thể bỏ lỡ cơ hội trong hiện tại, thì vẫn còn những cơ hội khác đến trong tương lai, nhưng những "điểm nghẽn" nêu trên không giải quyết được thì cơ hội mãi mãi vẫn chỉ là cơ hội và chúng ta chỉ biết đứng nhìn các quốc gia khác đón nhận.
Theo Trần Thủy
VEF
Bình luận (0)