Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cơ hội việc làm của du học sinh: Muôn nẻo gian nan

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Trần Nguyễn Lê Văn (trái) và anh Nguyễn Chí Hiếu trong một buổi giao lưu về vấn đề du học
Vượt qua mọi cám dỗ về lối sống, môi trường, tiền bạc… để trở về quê hương, thế nhưng, rất nhiều du học sinh lại gặp phải không ít trở ngại từ chính môi trường làm việc trong nước, khiến họ không có “đất dụng võ”; tệ hơn nữa là phải ra nước ngoài để tìm một công việc phù hợp với mình…
Đây là một thực tế mà rất nhiều du học sinh gặp phải khi quyết định về nước làm việc, dù đã cầm trên tay tấm bằng của các trường ĐH danh giá.
Khó hòa nhập với môi trường trong nước
Anh Trần Nguyễn Lê Văn, người sáng lập và điều hành hệ thống vexere.com cho biết, lý do duy nhất khiến anh có động lực để về Việt Nam làm việc chính là gia đình. Từng ấp ủ một mong ước tạo nên một website bán vé xe để những người có nhu cầu không mất quá nhiều thời gian cho việc xếp hàng mua vé – một ý tưởng khá táo bạo và mới mẻ tại Việt Nam – nhưng chính anh Văn cũng không nghĩ rằng mình lại gặp nhiều khó khăn với môi trường làm việc trong nước đến thế. Trong khi ở nước ngoài, người lao động thường làm việc rất nhiệt tình, bất kể giờ giấc thì đa số lao động Việt Nam được anh tuyển dụng lại chú trọng thời gian hơn là năng suất làm việc. Rất ít người chịu đem việc về nhà hay nán lại công ty sau giờ làm việc để hoàn thành nốt công việc được giao, dù đang trong giai đoạn nước rút. Họ hầu như không có sự tự chủ trong chính công việc mình làm, chỉ đâu làm đấy và thường có suy nghĩ phụ thuộc vào người đứng mũi chịu sào chứ không bày tỏ chính kiến của mình. Không những thế, một vài người còn có lối suy nghĩ cục bộ, chỉ chăm chăm vào những điều mình được biết, được học hỏi ở trường lớp chứ không chịu tìm hiểu cái mới từ bên ngoài, tiếp thu ý kiến đóng góp từ người khác. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ hình thành, sự điều hành và phát triển hệ thống. Và dĩ nhiên, nó cũng khiến cho anh Văn – người đang mang tư tưởng, phong cách làm việc chuyên nghiệp cũng có lúc hoang mang với mức độ thành công từ ý tưởng của mình.
Tương tự, anh Nguyễn Chí Hiếu, du học sinh tiêu biểu từng nhận nhiều giải thưởng của các trường ĐH và tổ chức nước ngoài, cũng đánh giá: Nếu như ở môi trường làm việc nước ngoài, nhân viên sẵn sàng góp ý với sếp về thái độ, phong cách làm việc lẫn ý tưởng về một dự án thì người lao động Việt Nam lại quá đề cao vai trò của người lãnh đạo nên ngại đóng góp ý kiến. “Những điều này dễ khiến cho những ai từng du học và làm việc tại nước ngoài nay đảm nhận chức vụ cao trong công ty bị cô lập, khó hòa đồng với cấp dưới. Trên thực tế, rất nhiều du học sinh về nước làm việc thường chọn các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam hoặc liên kết với nhiều du học sinh khác tạo lập công ty để dễ làm việc”, anh Hiếu nhìn nhận.
Đừng vội nghĩ mình giỏi
Bên cạnh những yếu tố khách quan từ môi trường làm việc, anh Hiếu cho rằng, rất nhiều du học sinh không lựa chọn được công việc phù hợp dù đã về nước một thời gian dài vì quá ảo tưởng về bản thân. Họ tự cho mình là giỏi giang sau khi đã “hấp thụ” những kiến thức từ nền giáo dục tiên tiến, mà đã giỏi thì phải được trọng dụng và trả lương cao. Chính bởi lối suy nghĩ này nên nhiều bạn dù đã về nước nhiều năm nhưng vẫn loay hoay cầm tấm bằng đi tìm việc.
Bên cạnh những yếu tố khách quan từ môi trường làm việc, anh Hiếu cho rằng, rất nhiều du học sinh không lựa chọn được công việc phù hợp dù đã về nước một thời gian dài vì quá ảo tưởng về bản thân.
“Tôi từng tiếp xúc với một bạn du học ở Anh, trong một năm bị 3 công ty đề nghị chấm dứt hợp đồng làm việc, nhưng khi phỏng vấn xin việc mới vẫn khăng khăng đổ lỗi cho lãnh đạo các công ty kia không biết trọng dụng người tài, không trả đúng với mức lương mong đợi. Họ quá tự đề cao mình mà quên mất rằng, những điều họ được học, dù tiến bộ nhưng vẫn chỉ áp dụng được một phần ở Việt Nam…”. Chị Trần Hà Thanh, đại diện một nhãn hàng kinh doanh đồ uống tại Việt Nam, cũng thừa nhận: Công ty tôi luôn khuyến khích du học sinh tới thực tập và làm việc, nhưng không phải ai cũng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và được làm việc lâu dài. “Có nhiều người trong thời gian thực tập, thử việc đã trình ra những kế hoạch phát triển sản phẩm rất hoành tráng với chi phí lên tới cả tỷ đồng và cho rằng nếu được áp dụng sẽ rất thành công vì đã được nghiên cứu kỹ lưỡng ở… nước ngoài. Chúng tôi tiếp nhận, nhưng khi thẩm định và đóng góp để cùng hoàn thiện bản kế hoạch sao cho phù hợp thì các bạn tỏ ý không hài lòng và cho rằng đây là sản phẩm trí tuệ do mình nghĩ ra nên mọi người phải tôn trọng, không nên có ý kiến. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi từ chối bởi không thể mạo hiểm với dự án của một người không tôn trọng và tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp”. Cũng chính sự tự tin, ảo tưởng quá lớn về bản thân nên rất nhiều du học sinh đã liên tục “nhảy” việc từ công ty này qua công ty khác chỉ trong thời gian rất ngắn.
Một trở ngại nữa mà du học sinh thường gặp phải chính là sự kỳ vọng từ phía gia đình. “Bản thân các bậc phụ huynh thường không muốn con cái về nước làm việc hoặc nếu có thì sẽ trở về khi đã làm việc ở nước ngoài ít nhất 3-4 năm, khi đã lấy đủ số vốn đầu tư cho công cuộc đi học ở nước ngoài. Bất cứ gia đình nào cũng sẽ tự hào khi giới thiệu với người khác là con mình đang du học ở nước này hay làm việc ở nước kia với mức lương một năm bằng 2-3 năm làm việc tại Việt Nam. Và khi đã về nước làm việc, chí ít con cái họ cũng phải nhận được mức lương tương xứng sau những năm du học ở nước ngoài. Không ít bạn đã sớm bỏ cuộc, mải miết đi tìm công việc có mức thu nhập cao cũng bởi chính áp lực từ gia đình”, anh Văn chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
Phải biết mình là ai
Theo anh Trần Nguyễn Lê Văn, để có thể hòa nhập và làm việc được với môi trường trong nước, du học sinh phải biết mình muốn gì, làm được gì và sau này sẽ trở thành người như thế nào. Các bạn cần xác định lợi thế, sự đam mê, và điểm giao thoa giữa lợi thế và đam mê đó để sớm tìm ra bước đường phù hợp cho chính mình.
 
 

Bình luận (0)