Chỉ tiêu tuyển sinh nhiều, nhu cầu nhân lực trong nước và quốc tế cao, dễ dàng du học tại chỗ… Đó là những thông tin đáng chú ý về nhóm ngành kiến trúc – xây dựng được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2020 diễn ra mới đây.
Các chuyên gia tư vấn tham gia trong chương trình
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Việt Đức và Trường ĐH Bắc Đan Mạch.
Nhiều chỉ tiêu tuyển sinh
Phân tích tổng quan về nhóm ngành kiến trúc – xây dựng, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho biết nhóm ngành kiến trúc – xây dựng là một trong 8 nhóm ngành thu hút nguồn nhân lực cao nhất. Tính riêng tại TP.HCM, nhu cầu trong nhóm ngành này lên đến gần 11 ngàn lao động/năm. Ngoài ra, với lợi thế được tự do dịch chuyển trong khối ASEAN còn mang đến lợi thế cơ hội việc làm quốc tế trong nhóm ngành này. Về tổ chức đào tạo, nhóm ngành này gồm 3 nhóm ngành nhỏ là kiến trúc, xây dựng, quản lý xây dựng; nếu kể luôn công nghệ kỹ thuật xây dựng thì tổng cộng nhóm ngành này có 24 ngành đào tạo, do đó sức hút trong các kỳ tuyển sinh rất lớn với khoảng 600 ngàn thí sinh đăng ký mỗi năm – đứng thứ 3 trong các nhóm ngành tuyển sinh. Vì vậy, chỉ tiêu xét tuyển mỗi năm của nhóm ngành này rất lớn. “Tùy từng trường sẽ có thêm môn năng khiếu (thường là vẽ) trong tổ hợp xét tuyển. Vì thế, thí sinh phải chú ý theo dõi, đăng ký thi môn năng khiếu tại trường có xét tuyển”, TS. Nghĩa lưu ý.
Dù cơ hội việc làm rất rộng, song TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) nhìn nhận, để theo học nhóm ngành kiến trúc – xây dựng, người học cần có tố chất về năng lực hợp tác, biết tương tác làm việc với người khác. Điều nữa là sự sáng tạo, luôn mạnh dạn tìm kiếm, quan sát để có những ý tưởng mới; đồng thời là năng lực quản lý thời gian, năng lực quản lý mối quan hệ. Đặc biệt là phải có đam mê, biết chấp nhận vất vả. “Những tố chất này các em có thể hình thành từ trường học, trong gia đình, qua tương tác với ba mẹ, thầy cô, bạn bè. Năng lực hợp tác các em có thể rèn luyện trong lớp học, biết chấp nhận sự khác biệt của người khác”, TS. Tùng cho hay.
Dễ dàng… du học tại chỗ
Mùa tuyển sinh năm 2020, ở nhóm ngành kiến trúc – xây dựng, Trường ĐH Việt Đức đào tạo 2 ngành là kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Trong đó, ngành kiến trúc xét tuyển theo các tổ hợp A00, A01, V00, V02; ngành xây dựng xét tuyển ở 2 tổ hợp A00, A01. Ở bộ môn vẽ kỹ thuật, Trường ĐH Việt Đức cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi vẽ tại các trường ĐH khác để đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, trường có yêu cầu tiếng Anh đầu vào ở tất cả các ngành, bao gồm cả 2 ngành trên (IELTS 5.0 hoặc các chứng chỉ tương đương/đạt ít nhất 71 điểm trong bài thi onSET do nhà trường tổ chức/đạt ít nhất 7,5 điểm bài thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2020). Theo TS. Vũ Quốc Huy (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức), với định hướng đào tạo kết hợp nghệ thuật và kỹ thuật, ở nhóm ngành này, sinh viên vừa được trang bị kiến thức vẽ nhưng đồng thời là quản lý dự án, quản lý công trình. Nhà trường liên kết đào tạo với cái nôi đào tạo kiến trúc của Đức, thiết kế tính ứng dụng cao, bên cạnh nền tảng về kỹ thuật thì còn kiến thức về quản lý dự án. Chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh do các giáo sư bên Đức đảm nhận, nhận bằng của Trường ĐH Việt Đức và bằng ĐH đối tác, được công nhận trên toàn thế giới. Ngoài thế mạnh về tiếng Anh, chương trình đào tạo còn thiết kế hàm lượng đồ án cao, đáp ứng đòi hỏi nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Cũng theo TS. Huy, nhu cầu nhân lực của nhóm ngành kiến trúc – xây dựng tại các công ty đa quốc gia là rất lớn. “Với chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh, sinh viên nhận bằng ĐH quốc tế ngay trong nước, do đó cơ hội việc làm cho sinh viên là rất lớn”, TS. Huy nói.
Làm thế nào học tốt trong mùa thi? Để đảm bảo sức khỏe trong mùa thi, lời khuyên được ThS.BS Trương Trọng Hoàng (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đưa ra là học sinh cần ngủ đủ giấc (khoảng 7 tiếng một ngày). Không nên lạm dụng các chất kích thích như cà phê, trà để thức khuya học bài mà cần lên kế hoạch, sắp xếp xây dựng khoảng thời gian học tập khoa học, phù hợp với năng lực của bản thân. |
Với băn khoăn nên lựa chọn học chương trình đào tạo chính quy đại trà hay chương trình quốc tế, ThS. Trần Quang Sáu (Trưởng đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam) cho rằng để trả lời được câu hỏi này trước hết người học cần xác định mục đích hướng đi của mình trong tương lai để chọn được chương trình đào tạo phù hợp. Hiện tại, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế tại Việt Nam rất đa dạng, hỗ trợ sinh viên về kiến thức hội nhập, khả năng tiếng Anh. Trong nhóm ngành kiến trúc – xây dựng, chương trình đào tạo quốc tế rất tiềm năng vì liên quan đến hội nhập. “Trường ĐH Bắc Đan Mạch liên kết đào tạo với Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM ở 2 ngành là công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng. Chương trình thường có thời gian đào tạo 7 học kỳ. Trong đó có 5 học kỳ làm việc ở những dự án công trình khác nhau theo hướng ứng dụng thực tế, học kỳ thứ 6 là thực tập, học kỳ thứ 7 là học phần tự chọn và làm đồ án cùng với doanh nghiệp. Ở 5 học kỳ đầu, sinh viên được học tập theo nhóm từ 5-7 em, hỗ trợ rèn luyện các yếu tố về làm việc nhóm, quản lý thời gian, tiến độ. Ở cả 2 ngành này đều mang đến cho sinh viên cơ hội việc làm, thu nhập lớn”, ThS. Sáu cho biết.
ThS. Sáu cho biết thêm, theo học chương trình đào tạo này, sinh viên khi tốt nghiệp được cấp bằng Việt Nam và bằng quốc tế. Đây được coi là hình thức du học tại chỗ, với học phí mềm, học tập ngay tại Việt Nam nhưng bằng cấp vẫn là của châu Âu, có giá trị quốc tế, với vốn kỹ năng, ngoại ngữ, cơ hội việc làm như du học sinh.
Phân tích sâu hơn, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng hiện nay khái niệm “du học là phải ra nước ngoài học” đã không còn phù hợp. Với các chương trình đào tạo liên kết, đào tạo 100% bằng tiếng Anh và người học nhận bằng quốc tế thì có thể xem đây là hình thức du học tại chỗ. Đặc biệt, các chương trình này lại giúp người học tiết kiệm chi phí, không bị sốc văn hóa, trau dồi rèn luyện được khả năng tiếng Anh, học gần gia đình.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)