Tại một buổi tọa đàm trước khoảng 100 sinh viên TP.HCM, vị giám đốc một công ty chuyên về nhân sự đặt câu hỏi: “Ai có thể đứng lên kể một câu chuyện cười cho tất cả mọi người?”. Không một cánh tay nào nhanh chóng giơ lên.
Tham gia trại hè, trẻ em rèn luyện kỹ năng sống và trau dồi trí tuệ cảm xúc – Ảnh: S.K. |
Các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ như Google, Facebook, Amazon… thường không hỏi nhiều về kiến thức khi phỏng vấn, mà luôn đưa ra những vấn đề thực tiễn để kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy logic của ứng viên |
Kỹ sư phát triển phần mềm LÂM PHAN VIỆT (hiện làm cho Amazon tại Úc) |
Thật lạ vì trước đó cả rừng cánh tay mọc lên sau những câu hỏi ai có trình độ ngoại ngữ, ai có điểm số học tập cao.
Thừa nhưng vẫn thiếu
Vị giám đốc trên chia sẻ không ít người trẻ ra trường tìm việc làm nhưng chưa chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết; một phần nguyên nhân có thể kể đến là do ngay từ nhỏ không ít người Việt có xu hướng tập trung vào việc phát triển tư duy, kiến thức (IQ) hơn phát triển các kỹ năng mềm và trí tuệ cảm xúc (EQ).
Nguyễn Mai Phương (sinh viên ĐH Huế) thú thực mình đã học đến năm thứ ba nhưng rất rụt rè trước đám đông và ít khi thuyết trình trước lớp.
Phương cho biết trước đây học tại một trường chuyên lớn, phải “cày ngày cày đêm” để có thể đạt được điểm số không thua kém bạn bè. Cô không hề tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm trong trường.
“Giờ tôi rất lo lắng sau này ra trường không xin được việc vì ngoài điểm số, kiến thức ra, tôi chẳng có thế mạnh nào khác, lại rất ngại giao tiếp với người lạ” – Phương thổ lộ.
Từng sang Mỹ học THPT và trở lại Việt Nam mở những lớp học về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện cho học sinh, Võ Tường An (sinh viên Trường ĐH Stanford, Mỹ) cho biết không ít học sinh trong nước hiện còn yếu trong việc thực hành những kỹ năng cần thiết đó.
Tự tin hơn, cách nào?
An cho biết ở Mỹ, các học sinh tìm hiểu từ rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, tự kiểm chứng và chọn lọc thông tin theo cách của mình.
“Học sinh tạo cho mình một thói quen đặt câu hỏi trước các ý kiến được nêu ra trong lớp học. Khi có quyền lựa chọn nguồn thông tin mình nhận được, dựa trên quá trình phân tích, chọn lọc, học sinh đưa ra những quyết định chính xác” – An nói.
Anh Trần Gia Thông (sáng lập và điều hành cộng đồng tiếng Anh IZI) cho rằng trong thời buổi hội nhập, các kỹ năng xã hội như giao tiếp, hợp tác và sự cảm thông kết hợp kỹ năng ngoại ngữ là yếu tố cần phải được người trẻ trau dồi ngay từ sớm.
“Để chuẩn bị cho tương lai, giới trẻ nói chung, đặc biệt là trẻ em, cần phải bắt đầu chú trọng hơn trong việc trau dồi và nâng cao cả IQ lẫn EQ càng sớm càng tốt. Ngay từ khi còn nhỏ, các bạn cần phải nhận được sự giáo dục toàn diện, đó là cả về kiến thức, ngoại ngữ lẫn các kỹ năng. Chỉ có như thế các em mới có sự phát triển toàn diện và ý thức được điều mình mong muốn trong tương lai” – anh Thông chia sẻ.
EQ – một trong 10 kỹ năng giới trẻ cần có
Một khảo sát gần đây thuộc công ty nghiên cứu thị trường uy tín LighSpeed của Singapore, được thực hiện với 3.700 người mẹ tại 6 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia) hé lộ một kết quả thú vị. Theo đó, có đến 67% các mẹ Việt Nam tin rằng điều quan trọng nhất tạo dựng nên thành công cho con trong tương lai chính là “chìa khóa vàng” mang tên trí tuệ cảm xúc (EQ). Theo báo cáo về nghề nghiệp tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới, EQ được liệt kê trong 10 kỹ năng hàng đầu giới trẻ cần được trang bị ở giai đoạn năm 2020. |
NGỌC HIỂN – CÔNG NHẬT/TTO
Bình luận (0)