Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Có kiểm soát được giá sữa bán lẻ?

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng rất cân nhắc khi mua sữa bán lẻ. Ảnh: T.N

Sở Tài chính TP.HCM vừa chủ trì công bố giá bán buôn tối đa và giá đăng ký của các đơn vị đóng trên địa bàn. Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết, đúng ra ngày 11-6-2014 là hạn cuối công bố giá sữa bán buôn tối đa và ngày 21-6-2014 hạn cuối công bố giá bán lẻ tối đa. Trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 13 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và theo quy định cũng phải công bố giá bán buôn. Tuy nhiên, mới chỉ Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố giá bán buôn. Theo như công bố này, các sản phẩm giảm từ 6-23%, tương đương từ 2.300-85.000 đồng/ sản phẩm so với giá trước đây. Quy định tại quyết định 1079 thì giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ tối đa có thời hạn 12 tháng kể từ ngày công bố. Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM, khi đã đăng ký giá bán buôn tối đa nhưng DN bán cao hơn thì sẽ bị xử phạt.
Theo bà Hương Lan, ngoài Vinamilk ra, còn 12 DN chưa công bố giá bán buôn dù đã hạn cuối theo quy định của Bộ Tài chính. Lý do các DN này chiếm thị phần nhỏ, từ năm 2010 đến nay không điều chỉnh giá, lợi nhuận rất nhỏ, chỉ 2-4%. Nếu áp dụng giá bán buôn tối đa theo quy định của Bộ Tài chính họ sẽ lỗ. Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Tài chính TP.HCM đã báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính cho 12 DN này rà soát, xây dựng lại chi phí giá thành để đề xuất giá bán buôn tối đa. Sở sẽ khẩn trương làm việc với 12 DN này để kịp công bố giá bán lẻ tối đa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, liệu các DN trên có nhân cơ hội này “thổi” giá lên trước khi đăng ký giá và công bố giá bán buôn tối đa? Ngày 13-6-2014, tức chỉ còn 8 ngày đăng ký giá và công bố giá bán lẻ tối đa mặt hàng sữa nhưng có tới 12 DN sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn TP.HCM vẫn đang còn kêu ca, chưa “chốt” được giá bán buôn tối đa, liệu đến hạn chót các đơn vị này có kịp công bố giá bán lẻ? Ông Chiến cho rằng không lo việc này, vì lâu nay Sở Tài chính TP.HCM đã nắm được cơ cấu, chi phí sản xuất của các đơn vị trên.
Theo bà Hương Lan, dù chưa công bố giá bán lẻ nhưng Sở Tài chính TP.HCM cũng nhận thấy một số vấn đề bất cập. Cụ thể, từ hạn chót công bố giá bán buôn và giá bán lẻ cách nhau chỉ 10 ngày, thời gian này e rằng không đủ để các DN xây dựng, đăng ký giá bán lẻ. Theo quy định của Bộ Tài chính, giá sữa bán lẻ tối đa không vượt quá 15% so giá bán buôn tối đa. Tuy nhiên, khó xác định các chi phí này và nảy sinh lúng túng. Như vậy, nhiều ý kiến lo ngại rằng khó phân chia quyền lợi “cục” 15% chênh lệch giữa giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa. Hơn nữa, giá bán buôn tối đa đã có nhưng liệu có kiểm soát được giá bán lẻ tối đa khi thị trường Việt Nam có hàng triệu tổng đại lý, đại lý phân phối mặt hàng sữa? Các cơ quan quản lý liệu có kiểm soát được giá sữa bán lẻ tối đa trên thị trường hay “theo đuôi”? Và người tiêu dùng có được hưởng lợi từ quy định về áp trần giá sữa. Điều này càng khiến thị trường sữa thêm rối rắm.
Vũ Việt Giang

Bình luận (0)