“Học chương trình tiên tiến giống như một chuyến đi buôn mà sinh viên được lời lớn”, anh Nguyễn Vĩnh Khương (cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM khóa 2010-2014, hiện là nhân viên Công ty Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa) đã đúc kết tại buổi tổng kết 10 năm chương trình tiên tiến do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa tổ chức.
Sinh viên chương trình tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tham gia hoạt động trao đổi văn hóa tại ĐH Toyohashi (Nhật Bản) |
Anh Khương dẫn chứng, tổng mức chi phí một sinh viên bỏ ra trong suốt quá trình học chương trình tiên tiến xấp xỉ 300 triệu đồng. Trong khi từ nền tảng chương trình tiên tiến đó, nhiều sinh viên đã phấn đấu đạt được học bổng du học nước ngoài trị giá lên tới cả tỷ đồng.
Có việc làm sau vài tháng tốt nghiệp
Nhiều thế mạnh khác cũng được chỉ ra đối với sinh viên chương trình tiên tiến như có được việc làm từ 3-6 tháng sau tốt nghiệp. Theo thống kê năm 2013 của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, 80% sinh viên chương trình tiên tiến có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp. Người học được đơn vị tuyển dụng đánh giá cao nhờ được trang bị ngoại ngữ tốt, kỹ năng và nền tảng kiến thức chuyên môn vững, năng động, có khả năng hội nhập quốc tế.
Số lượng sinh viên tham gia học chương trình này ngày càng tăng, năm 2006 tuyển được 36 sinh viên, đến năm 2015 tuyển được 174 em. Điểm đầu vào của sinh viên mỗi năm cũng tăng cao, năm 2015 mức điểm này là 23. Hiện toàn trường có 593 sinh viên đang theo học chương trình tiên tiến. |
Sau nhiều năm tiếp nhận sinh viên chương trình tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thực tập, ông Nguyễn Khắc Việt (đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM) đánh giá, chương trình tiên tiến mở ra giải pháp cho doanh nghiệp về chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện yêu cầu ngoại ngữ đối với ứng viên ngày càng cao, cấp thiết. Ông Việt mong các trường tiếp tục đào tạo những sinh viên ưu tú, có năng lực ngoại ngữ lẫn kiến thức chuyên môn cao để cung ứng cho doanh nghiệp bởi hầu hết số sinh viên chương trình tiên tiến về công ty thực tập từ năm 2013 trở lại đây đều thể hiện được năng lực tốt và để lại dấu ấn nổi bật.
TS. Nguyễn Văn Hựu (Giám đốc văn phòng Dự án phát triển bền vững chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao giai đoạn 2013-2017, Bộ GD-ĐT) cho biết tại Việt Nam, chương trình tiên tiến được phê duyệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tổng ngân sách 859,7 tỷ đồng. Chương trình hướng đến phát triển các trường, khoa, ngành mạnh để ngang tầm khu vực và quốc tế; thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; xác lập cơ chế quản lý tự chủ và cơ chế tài chính mới áp dụng dần cho hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Chương trình được đào tạo bằng tiếng Anh, có hợp tác quốc tế (mỗi trường đào tạo chương trình tiên tiến đều phải hợp tác với trường ĐH nước ngoài, được đối tác này hỗ trợ chương trình gốc, từ đó xây dựng và hoàn chỉnh thêm phù hợp điều kiện Việt Nam); thực hiện kiểm định quốc tế… Cũng theo ông Hựu, hiện cả nước đã có 37 chương trình tiên tiến (thực chất dự kiến ban đầu chỉ định mở 30 chương trình) được triển khai ở 24 trường ĐH, liên kết với 24 trường có uy tín trên thế giới.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chương trình tiên tiến được triển khai 10 năm nay đối với ngành điện – điện tử. PGS.TS Vũ Đình Thành (Hiệu trưởng nhà trường) nhận định, số lượng sinh viên tham gia học chương trình này ngày càng tăng, năm 2006 tuyển được 36 sinh viên, đến năm 2015 tuyển được 174 em. Điểm đầu vào của sinh viên mỗi năm cũng tăng cao, năm 2015 mức điểm này là 23. Hiện toàn trường có 593 sinh viên đang theo học chương trình tiên tiến.
Cần mở rộng thêm nhiều ngành
Cho rằng hiện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mới chỉ đào tạo ngành điện – điện tử chương trình tiên tiến là chưa nhiều, ông Hựu đề nghị trường phát triển chương trình ở các ngành khác và việc mở rộng số lượng phải đi đôi với tăng cường chất lượng đào tạo. Theo ông Hựu, năm học 2009-2010, điểm tuyển sinh đầu vào chương trình tiên tiến của trường chỉ ở ngưỡng 13, điều này có gây lo lắng. Tuy nhiên, đáng mừng là đến nay điểm đầu vào đã ấn tượng. Ông Hựu cũng nhấn mạnh việc theo dõi sinh viên tốt nghiệp, vì đã là chương trình tiên tiến ở tầm cỡ hội nhập khu vực, nhất định không thể thiếu và phải thông qua số liệu cụ thể chứ không chỉ chung chung…
Mở rộng chương trình tiên tiến sang một số ngành khác cũng nằm trong định hướng sắp tới của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ông Thành khẳng định điều này đồng thời thông tin thêm, trường còn chú ý khâu kiểm định chương trình, mở rộng thu hút sinh viên nước ngoài. Hiện đã có 2 sinh viên nước ngoài theo học chương trình tiên tiến tại trường. Bên cạnh đó, trường sẽ tăng cường mời giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy…
Về lâu dài, việc duy trì đà phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng của chương trình tiên tiến được xem là quan trọng. Ông Nguyễn Hữu Phúc (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng nhấn mạnh, sự sống còn của chương trình tiên tiến liên quan đến đảm bảo tính bền vững và chất lượng của chương trình. Ngay từ khóa đầu tiên 2006, trường đã thiết kế các lộ trình dần cân bằng tài chính để duy trì chương trình tiên tiến một cách bền vững.
Đặc biệt, kể từ năm 2009 trở đi, ngân sách từ Bộ GD-ĐT cho chương trình tiên tiến không còn, lộ trình cân bằng tài chính được trường xây dựng dựa trên các kế hoạch lâu dài về huy động kinh phí từ nhiều nguồn trong đó có khoản đóng góp học phí của sinh viên…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)