Y tế - Văn hóaThư giãn

Có một làng người Việt trên đất Ba Lan

Tạp Chí Giáo Dục

Trên đất Ba Lan, có một cộng đồng những con người có họ hàng, dây mơ rễ má với nhau. 

truyện Bóng làng

Truyện Bóng làng

Ba năm sau khi cuốn tiểu thuyết nhuốm màu bi kịch Tuyết hoang ra đời (năm 2014), anh Trần Quốc Quân, một doanh nhân Việt Nam đang sống ở Ba Lan, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Ba Lan, lại quay lại với làng văn, với độc giả dưới một vẻ khác lạ, cuốn liên hoàn truyện Bóng làng ra đời, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, với một giọng văn khác hẳn, đầy trào tiếu và giễu nhại.
338 trang sách khép lại, cũng là lúc mở ra các mảnh đời người xuất thân từ làng quê đất Việt. Trên đất Ba Lan, có một cộng đồng những con người có họ hàng, dây mơ rễ má với nhau. Họ đều ra đi từ cái làng Lành, nay thuộc đất “Hà Nội 2”. Từ bàn tay phù thủy của đầu tàu Thích Nhất Danh, những con người lần lượt từ cái làng bần nông, còn nói ngọng n thành l, nay đã trở thành công dân của một nước phát triển ở Đông Âu. Họ là Hưởng Hoang Tưởng, Kiệt Đại Nhân, Lộc Nô Bộc, Đắc Lắc Chảo, Tất Đầu Đất, May Day Dứt, Đào Cao Đạo, Đạt Lang Bạt.
Bằng một giọng hài hước thâm thúy, tác giả Trần Quốc Quân đã vẽ nên một “bóng làng” với những con người đầy đủ tính cách của người Việt. Dù đi đâu, dù xa cách bao lâu, họ vẫn mang trong người đầy đủ những nét tính cách của một người nhà quê nay phải xa quê. Từ Thích Nhất Danh háo danh làm chủ tịch ba hội đoàn, cho đến Hưởng Hoang Tưởng, vừa là bạn, vừa là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực truyền thông với hai tờ báo Lạc Việt phe tả, Hồng Việt phe hữu. Từ Kiệt Đại Nhân keo kiệt đến mức làm đám cưới ở nhà hàng Mc Donald, tiết kiệm điện, tiết kiệm giấy vệ sinh trong toilet công ty mình, đến Lộc Nô Bộc là mẫu người chuyên lăng xăng làm việc  cho cộng đồng, cho xã hội, làm “công ích cho đời” như chính anh ta nghĩ thế… Mỗi nhân vật đều có một biệt danh hay một “nickname” đi kèm. Biệt danh này phần nào nói lên tính cách, cuộc đời của họ.
Trên mảnh đất quê người, cộng đồng làng Lành vẫn giữ nguyên cái dáng vẻ “đất lề quê thói” của những người xuất thân từ nơi nghèo khổ. Có thể nói, mọi thói hư tật xấu của họ là xuất phát từ cái làng Lành. Vì đã từng nghèo nên họ háo danh như Thích Nhất Danh, vì đã từng nghèo nên họ keo kiệt như Kiệt Đại Nhân, vì đã từng nghèo nên Lộc cam tâm làm một chân nô bộc, vì đã từng nghèo nên May đã tìm cách chưng diện hết cỡ như một con mụ trưởng giả học làm sang… Nay những con người ấy tụ họp nhau trên đất Ba Lan, hình thành nên một thế giới riêng của họ giữa những cái ồn ào, phồn hoa của mảnh đất châu Âu. Những mối quan hệ chằng chịt trong dòng tộc của họ làm cho chúng ta nhớ đến những cái thâm căn cố đế của làng Việt. Đó là tư tưởng tiểu nông, là thói sĩ diện, là thích tên tuổi, nổi tiếng, là thích quyền lực…
Nhiều chi tiết làm cho chúng ta cười, nhưng đó không phải là cái cười thông thường mà là cười ra nước mắt, bởi vì đằng sau những sự hài hước, giễu nhại, trào tiếu ấy, là những bi kịch của cõi nhân sinh. Đắc Lắc Chảo hăm hở sang Ba Lan học thành tài, nhưng giấc mơ tiến sĩ đã lụi tàn cùng với việc cưới một cô gái Ba Lan làm vợ. Anh ta trở thành một tay “lắc chảo” chính thống, chủ của một hệ thống nhà hàng Việt Nam. Anh ta kiếm ra tiền, song tiền ấy đều gửi về cho gia đình cha mẹ, anh em của anh ta ở Việt Nam. Anh ta không cho con trai một đồng zua, trong khi sẵn sàng gửi hàng trăm ngàn USD về cho cháu anh ta du học, cho anh chị anh ta xây nhà. Cuối cùng, anh ta lao đao trong kinh doanh nhà hàng, tiền bị bòn rút đến đồng cuối cùng, con trai tự tử. Kiệt Đại Nhân và vợ vì tiếc năm trăm đồng zua cho nên đi cưa khóa bánh xe ô tô của mình, tránh việc cảnh sát phạt, cuối cùng vẫn bị cảnh sát bắt. 
Nhưng những bi kịch của cõi người ấy không phải từ trên trời rơi xuống, mà xuất phát từ chính bản thân mỗi một con người làng Lành. Họ tạo dựng bi kịch cho chính họ. Chính họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của bản thân. Có thể nói như một câu ngạn ngữ cổ của châu Âu: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận”.
Không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, cũng không phải được đào tạo bài bản nghề viết văn, nhưng ở Bóng làng, tác giả Trần Quốc Quân đã trình làng một lối viết độc đáo. Có thể gọi Bóng làng là cuốn tiểu thuyết gồm 9 chương với 9 nhân vật chính. Cũng có thể gọi Bóng làng là tập truyện ngắn với 9 truyện vừa gắn kết, vừa riêng rẽ độc lập. Cũng có thể gọi Bóng làng là một liên hoàn truyện với 9 nhân vật có mối liên quan dây mơ rễ má với nhau. Đây là một lối viết đặc sắc với kiểu các nhân vật đều dàn hàng ngang mà tiến, trong đó người đóng vai gắn kết các nhân vật, cũng là người đưa một phần làng Lành sang đất Ba Lan là anh chàng tiến sĩ khoa học Thích Nhất Danh. Đi vào từng truyện một, chúng ta dễ dàng nhận thấy mỗi truyện là nhiều mảnh ghép hợp lại, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, khi thì nói về làng Lành, thuở nhân vật còn bé thơ, khi thì nói về quãng đời tuổi trẻ – mới sang Ba Lan của các nhân vật, khi thì nói về thời hiện tại – các nhân vật ở tuổi trung niên, đề huề gia đình con cái. Kiểu kết cấu này gọi là kiểu kết cấu phân mảnh xâu chuỗi, là một kiểu kết cấu rất hậu hiện đại trong văn chương.
Khép lại tác phẩm Bóng làng, chúng ta có thể khẳng định đây một tác phẩm nối tiếp thành công tác phẩm Tuyết hoang. Tác giả đã tạo dựng được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong nền văn học Việt Nam hải ngoại ở các nước châu Âu.
TS HÀ THANH VÂN (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)