Bài 1: Những xóm càng ven sông
Nằm về phía Đông huyện Hải Lăng (Quảng Trị), dọc đôi bờ hạ nguồn Ô Giang là xóm càng. Cuộc sống của cư dân nơi đây được xem như một cuộc chiến, quanh năm đánh vật với con nước lớn ròng, thiếu thốn đủ bề nhưng không ai rời làng…
Những mùa lúa bội thu ở vùng càng |
Giữ đất tiền nhân khai khẩn
Một ngày giữa hạ, thầy giáo Hoàng Văn Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Tân – một người con sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng Hải Lăng, dẫn chúng tôi về càng. Đúng vụ lúa chín rộ, nước ròng, bà con nông dân tất bật ra đồng thu hoạch. Bắt gặp thầy giáo đi trên bờ đê, tiếng máy gặt chợt ngưng, bà con tươi cười siết chặt tay thầy giáo, hỏi về thời hạn nộp hồ sơ tuyển sinh năm học mới.
Trong kí ức của người dân vùng càng, những xóm nhỏ ven sông được dựng lập bằng công sức con người trong nhiều năm, nhiều thế hệ bằng tinh thần giữ lấy mảnh đất làng do tiền nhân khai khẩn. Ông Lê Bộ, Trưởng càng Hải Chánh (xã Hải Chánh) cho biết, xưa cứ một nóc nhà mọc lên là trước đó người dân cả càng chung tay gánh đất ruộng đắp nền nhà. Xóm càng nhờ đó ngày một quần tụ đông dân hơn, bao quanh là những bờ tre chắn sóng, tránh bị nước làm lở đất vào mỗi mùa mưa lụt kéo dài suốt mùa đông. Hải Chánh bây giờ có 42 hộ dân với 223 nhân khẩu. Toàn càng có 11ha ruộng trồng lúa nước.
Ông Nguyễn Văn Hộng, Trưởng càng An Thơ, nói: “Càng xưa kia nhà cửa không nhiều như bây giờ. Rồi dân số sinh sôi, càng được mở rộng theo tuổi lớn của những đứa trẻ nơi đây lớn lên, lập gia đình. Cuộc sống ở càng đối mặt với muôn vàn thiếu thốn, dẫu vậy không ai muốn rời làng. Hàng trăm năm qua, người dân sống đùm bọc lấy nhau, san sẻ khó khăn”. An Thơ có 35 hộ dân, gần 180 nhân khẩu. Ngót 20 năm, ông Hộng kinh qua nhiều chức vụ từ đội trưởng, công an viên, phụ trách công tác mặt trận cho đến trưởng càng, ông chưa bao giờ phải đứng ra phân giải một bất hòa nào của bà con. Ông nói, đó là cái phúc của xóm làng, là tình cảm cố kết cộng đồng mà không phải nơi nào cũng có được.
Buồn vui mùa nước nổi
Nhắc đến càng, nhiều người nghĩ ngay đến những xóm nhà xăm xắp mặt nước sông, nhiều không. Hơn chục năm trước, muốn về càng chỉ có cách xuôi theo những chuyến đò hoặc đi bộ ven theo những con đường đất đầy sình lầy. Học sinh đến trường mùa lũ phải đánh cược sinh mạng trên những chiếc thuyền nan. Khổ nhất là xóm có đám ma, tìm được một gò đất khô ráo làm nơi yên nghỉ cho người quá cố gần như là phương án bất khả thi của cư dân vùng càng…
Người dân vùng càng hàng trăm năm qua khéo léo trong cách ứng xử với thiên nhiên để duy trì cuộc sống giữa vùng chiêm trũng mênh mông nước. Họ luôn tìm cách ôn hòa hơn để sống chung với nước lũ, với bao thiếu thốn, vươn tới một cuộc sống đủ đầy nơi đây để mai này không hổ thẹn với tiền nhân. |
Ông Hộng trầm ngâm, sau năm 1999, người dân vùng càng mới có điều kiện xây những ngôi nhà bằng gạch để thay thế những ngôi nhà tranh, tre, phên đất bùn trộn rơm rạ. Bước qua thế kỷ 20, điện thắp sáng mới được kéo về càng. Gần đây nhất là năm 2009, tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng mới được xây dựng, chạy dọc dòng Ô Giang về vùng càng. Người dân từ đấy thoát cảnh quanh năm đò dọc, đò ngang. Thay vì những chuyến đò nặng trĩu lúa vàng mùa gặt, bây giờ máy gặt và công nông đã giúp người dân đưa lúa về tận sân nhà. Trong câu chuyện của vị Trưởng càng Nguyễn Văn Hộng, tôi ngậm ngùi nhớ đến câu chuyện một người dân vùng càng mấy chục năm trước, lần đầu tiên ra khỏi làng, lên phố đã đầu tư hẳn một chiếc quạt máy để rồi suốt mười năm sau đó, chiếc quạt mới làm đúng chức năng của nó khi điện thắp sáng được kéo về.
Đến càng, nhà nào cũng có một chiếc ghe neo bên gốc tre đầu ngõ. Ông Lê Bộ nói, mùa nắng, người dân còn chạm được đôi bàn chân lên mặt đất, mùa mưa thì khác, không có ghe chỉ có cách ngồi bó gối trong nhà. Chiếc ghe là phương tiện đi lại, đồng thời là kế mưu sinh. Vào mùa nước nổi, cuộc sống của cư dân vùng càng sôi động hơn bao giờ hết. Bà con nương vào những chiếc ghe để đi buông câu, thả lưới, bẫy chuột đồng… Những bữa cơm đủ đầy cá tôm tươi rói như bù lại cho họ những thiệt thòi phải gánh lấy giữa vùng chiêm trũng mênh mông nước bạc. Ngoài 60 tuổi, vợ chồng ông Mai Tải và bà Lê Thị Huệ vẫn ngày ngày mưu sinh trên con thuyền nhỏ, vung chài bắt cá dọc dòng Ô Giang. Ông Tải nói: “Ở đây đồng sâu nước trũng thì bù lại cá tôm luôn sinh sôi. Vợ chồng tui sống nghề chài lưới, nuôi cá trên sông đã mấy chục năm rồi. Con sông Ô Giang như nguồn sống không thể thiếu của cả gia đình”. Vùng càng đất trũng, người dân đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng tạo hóa không lấy đi của người ta tất cả bao giờ, dân ở càng không lo thiếu đói bởi phù sa luôn được đắp bồi, còn cá tôm luôn sẵn có, ngay cả bên chân ruộng cạn.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)