Nhiều năm trở lại đây, ý thức được việc cho con học chữ, nhiều cư dân ở vùng càng ngoài ra đồng trồng lúa, giăng lưới cá, họ còn theo con ngày 4 lượt vượt lũ đến trường trên chiếc ghe nhỏ. Hành trình vượt lũ chông chênh đi tìm tương lai vững vàng ở cổng trường phía trước…
Những cô cậu học trò hào hứng với tiết học tiếng Anh ở càng An Thơ |
Tiếng Anh về vùng trũng
Càng bây giờ vẫn là vùng khó khăn, nhất là trường lớp cho con trẻ. Không có trường mầm non. Trẻ đến trường nhờ vào sự quan tâm của các giáo xứ. Cấp tiểu học vẫn lớp ghép, trường đơn. Đơn cử như điểm trường An Thơ được đầu tư xây dựng điểm trường hai tầng gồm bốn phòng. Nhưng con em ở đây vẫn phải học lớp ghép vì sĩ số học sinh khá ít. Ông Nguyễn Văn Hộng, Trưởng càng cho biết, con em lên lớp 5 phải vượt chặng đường ngót 5 cây số ra điểm trường chính theo học. Ngày nắng thì phụ huynh đón đưa đi về, ngày mưa nhiều em phải xin ở nhờ nhà bà con thân quen gần trường ở trọ. Vất vả là vậy, nhưng những đứa trẻ ở càng khi được hỏi đều rất hào hứng chuyện học. Hôm tôi về An Thơ, gặp đúng buổi học tiếng Anh dành cho lớp ghép 3 và 4. Cô bé Võ Phương Thùy, học sinh lớp 4 mồ hôi nhễ nhại đạp xe từ càng Hưng Nhơn, cách đó tầm 3 cây số đến học. Thùy cười thật tươi: “Con đến An Thơ học tiếng Anh được 2 năm rồi. Ngày nắng con tự đạp xe đi, trời mưa thì ba mẹ chở con đi học. Đường xa hơi vất vả nhưng được học tiếng Anh con rất thích”. Hai năm vượt lũ tìm chữ, ký ức non nớt của Thùy ghi lại nhiều lần cùng cha mò mẫm đường trong nước lũ, trượt chân ướt mèm. Nhưng nhắc đến chuyện lỡ một buổi học vì quần áo ướt, đôi mắt cô bé đầy nuối tiếc: “Mấy bữa đi học sau, khi nào con cũng chuẩn bị sẵn áo quần dự phòng trong cặp để không bị lỡ học nữa”.
Cô giáo Phan Thị Tuất, giáo viên tiếng Anh, mỗi tuần về càng An Thơ dạy hai buổi cho biết, điểm trường càng An Thơ có 14 học sinh của 2 lớp ghép 3 và 4. Sĩ số học sinh ít, nên môn tiếng Anh tập trung cả học sinh của càng Hưng Nhơn và Hội Điền về An Thơ để học. “Học trò ở càng chịu nhiều thiệt thòi, nhất là những ngày mưa, các em đến trường rất vất vả. Nhưng mừng một điều là các em học hành rất chăm chỉ, ham học hỏi”, cô Tuất tâm tư. Những từ vựng tiếng Anh đầy lạ lẫm, cứ thế len vào trong câu chuyện của những em học trò vùng chiêm trũng, lây niềm vui sang cả những bậc cao niên mà gần như cả đời họ chỉ dăm ba lần vượt lũ lên phố.
Ông Nguyễn Văn Hộng nói rằng, người vùng càng vui vì sự học của con em được quan tâm. Nhưng trong niềm vui ấy vẫn còn nhiều nỗi ngậm ngùi. Ước gì càng có trường mầm non cho các cháu theo học; trường lẻ, lớp ghép được thay thế bằng những ngôi trường khang trang hơn và ở đó các cháu học sinh lớp 5 có thể đi học mà không phải vượt chặng đường quá xa, mưa gió phải ở nhờ nhà người quen hoặc… nghỉ học.
Ước mơ vươn tới giảng đường
Tôi chợt nhớ lời em Lê Thông Dự, một cậu học trò lớp 9 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với giọng nói khảng khái: “Con sẽ ráng đỗ đại học. Thà đứt bữa chứ không thể để đứt gánh chữ”! |
Trọng cái chữ nên người dân vùng càng mến thầy giáo. Bên ấm nước chè, giữa mùa lúa, câu chuyện tuyển sinh năm học mới cùng thầy giáo Quốc được bà con quan tâm nhất. Nhiều người ngưng hẳn buổi gặt để trò chuyện, hỏi han. Siết thật chặt tay thầy giáo, ông Lê Bộ, Trưởng càng Hải Chánh nói, nhờ vào “trái tuyến” ở THCS Hải Tân mà con em càng Hải Chánh dễ bề đến trường hơn. Mừng nhất là hai năm nay, càng đã có học sinh đỗ đại học. Ngay bên cạnh, càng An Thơ có 3 sinh viên… ngần ấy là sự khởi đầu sau muôn vàn gian nan đến lớp của con em vùng càng. Ông Bộ kể, để con học chữ, 12 năm con đến trường là 12 năm ông lẽo đẽo theo con. “Có ngày 4 lượt chèo thuyền đưa đón con. Nước lớn lên không dám quay về mà cứ đợi con ngoài cổng trường chờ tan học. Mất công nên tui cũng chở giùm con em trong càng đến trường luôn. Vì cái chữ của con nên phải cố gắng”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phương và bà Lý Thị Nghiêu ở càng An Thơ được bà con nhắc đến với 3 đứa con theo học đại học. Đứa con út đang là năm cuối lớp 12. Giữa vụ gặt, hai vợ chồng ông Phương quần quật ngoài đồng. Nhìn những tấm giấy khen chi chít trên tường, ít ai biết để có mùa quả ngọt ấy, vợ chồng bà Nghiêu phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Đường sá đi lại khó khăn, con đi học thì bố mẹ đi học theo con. Hôm nào bận việc đồng áng, chiều muộn chưa thấy con về là lòng dạ chơi vơi. Bà Nghiêu nói: “Ráng cắt nốt thửa ruộng hôm nay, tranh thủ nắng phơi để bán lấy tiền cho con đóng học phí. Sớm mai ba nó còn theo máy gặt đi gặt thuê ở Thanh Hóa để kiếm thêm tiền học cho con. Đứa này chưa ra trường, đứa khác đã chuẩn bị vào trường… Mấy chục năm ni quần quật đánh vật với con chữ, vất vả nhưng mừng cho con”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)