Y tế - Văn hóaThư giãn

Có một nghề như thế!

Tạp Chí Giáo Dục

Công việc của chị là gì? Sửa lỗi chính tả? Ủa có việc đó nữa hả chị, cô em nhỏ trố mắt ngạc nhiên hỏi.

Có chứ em đó là một khâu trong kỹ thuật làm báo, giới làm báo gọi là morasse. Ôi vậy mà hồi nào giờ em mới biết đó. Có lẽ không chỉ riêng em mà rất nhiều người không biết danh xưng công việc của tôi là gì, lúc mới vào nghề tôi thậm chí còn chưa mường tượng được công việc mình sẽ làm là như thế nào… Nói một cách dễ hiểu, công việc của tôi chính là sửa chính tả, so dò những bản kiểm duyệt của Ban Biên tập để cho ra đời những bản báo hoàn chỉnh nhất. Để sớm mai những trang báo chính thức trình làng mà không còn những hạt sạn trong mắt độc giả – nhất là độc giả “khó tính” như thầy cô giáo.

Nói đến nghề làm báo chắc hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến nhà báo, phóng viên, những người viết nên những bài báo hay để độc giả thưởng thức hay những biên tập viên gọt giũa, trau chuốt câu chữ, kỹ thuật dàn trang… độc giả đâu biết rằng để đọc một bài báo sạch sẽ “sạn” chính tả có một phần không nhỏ công sức của những người làm công việc như tôi trong đó.

Trước đây khi chưa vào nghề, tôi luôn thắc mắc không hiểu sao trang báo lúc nào cũng vừa vặn và đẹp đến thế. Khi vào làm rồi tôi mới hiểu do đâu mà được vậy. Mỗi một trang báo đến tay bạn đọc phải trải qua một quy trình chặt chẽ. Từ biên tập câu từ, đọc bài chỉnh sửa lỗi chính tả, dàn trang và cắt cúp thêm bớt chữ cho vừa vặn một trang. Và trong đó có phần việc của tôi. Không chỉ chỉnh sửa các lỗi chính tả tôi còn là người dò lại các lỗi sửa của biên tập, Thư ký tòa soạn, thậm chí của Tổng Biên tập để cho ra đời trang báo hoàn chỉnh nhất.

25 năm hình thành và phát triển của báo thì 1/3 chặng đường (8 năm) tôi đã đến và có mặt ở đây. Đó là thanh xuân, là tuổi trẻ tôi gửi trọn ở nơi này. Tôi nhớ ngày đầu tiên đến báo tôi đi nhầm sang Báo Giáo dục và Thời đại rồi tình cờ gặp anh Minh (nhà báo Song Minh) chỉ đường tôi vào Báo Giáo dục TP. HCM. Buổi trò chuyện đầu tiên của tôi là với chú Tú (Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tú bây giờ). Lúc ấy, có thể thấy tôi nhỏ nhắn, “liễu yếu đào tơ” trông rất mảnh mai, dễ vỡ nên chú nói với tôi rằng: Nghề này cũng khá là cực nhọc, đòi hỏi cẩn thận tỉ mỉ, nắm vững từ ngữ và thậm chí con phải về trễ theo nhịp xuất bản. Con cứ vào làm thử nếu thấy hợp thì làm nhé! Vậy đó, cứ tưởng chỉ là thử thôi nhưng tôi đã gắn bó đến tận bây giờ.

Thời gian đầu 3 tháng với tôi là học việc. Tôi bắt đầu học từng chút một. Học mọi thứ từ chị Lê Thị Chín (người làm vị trí hiện tại) và học ở tất cả mọi người. Tôi không nhớ đã khóc bao nhiêu lần. Bao trùm những lần rơi nước mắt đó là những hạt sạn từ độc giả gửi về tòa soạn. Những ngày này, tôi sợ và ghét kinh khủng những buổi sớm mai của ngày ra báo (thứ hai, thứ tư và thứ sáu). Thú thật, trong tôi chưa bao giờ có khái niệm công việc này lại khó khăn đến vậy. Thậm chí, tôi có cảm giác cái ngày mà mình buông cái nghề này đã đến rất gần. Nhưng rồi… chính sự chỉ bảo tận tình cũng như động viên của những anh chị nơi đây cùng sự cố gắng của bản thân, làm tôi lấy thêm “khí thế” và không thể rời xa nơi này. “Nếu nghề đã chọn mình tại sao mình không yêu và gắn bó hết mình với nghề!” – Tôi nghĩ vậy và muốn đi với nó đến cuối con đường.

Không phải ngẫu nhiên mà trong dân gian có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Những khi đọc những từ lạ, từ địa phương, tiếng lóng vùng miền… tôi chưa từng gặp, chưa từng nghe, tôi phải hỏi những anh chị đi trước, thậm chí còn “search Google”. Tôi không nhớ rằng mình đã đọc bao nhiêu con chữ, thế nhưng đôi lúc vẫn gặp những từ “làm khó” tôi.

Em hỏi có khi nào chị cảm thấy chán công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy không? Có chứ, nhất là những khi cả cơ quan về gần hết, chỉ còn tôi và một hai anh nữa trong tòa soạn chưa về được vì công việc chưa kết thúc. Bước ra cổng, bầu trời đêm đã che kín, thay cho ánh sáng ban ngày bằng những ánh đèn điện lấp lánh, ai cũng vội vã sau một ngày làm việc mệt mỏi. Có những hôm đợi tin bài thời sự đến tối muộn mới về đến nhà. Con gái chờ mẹ không nổi nên đã ngủ tự lúc nào. Những lúc ấy tôi lại thấy chạnh lòng. Nhưng đó là công việc, là một phần cuộc sống của tôi – nó đã “ngốn” quá khứ như thế hết 8 năm rồi. Có lẽ cũng đã thành một thói quen…

Cái cảm giác mỗi sáng báo ra tôi đều hồi hộp không biết mình có bị sai lỗi gì không. Mỗi lúc sai tôi cảm giác thật tệ, tôi luôn dằn vặt bản thân mình, tại sao mình đã kỹ như thế vẫn sai. Tôi cảm thấy khó chịu vô cùng, nhưng mỗi lần như thế tôi lại rút ra thêm kinh nghiệm cho bản thân, tôi tự nhắc mình phải đọc kỹ càng hơn, bao quát hơn để không xảy ra những cái sai tương tự. Công việc nào cũng sẽ có sai, nhưng không phải vì thế mà mình chán nản, phải biết đúc rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó. Tôi luôn tự nhủ mình như vậy.

Có thể nói, Báo Giáo dục TP giờ như ngôi nhà thứ hai của tôi, thời gian tôi gắn bó nơi đây thậm chí còn nhiều hơn ở nhà, tôi gặp đồng nghiệp mình còn nhiều hơn cả gặp người thân. Nên nơi đây chẳng khác nào gia đình, cũng buồn vui, có lúc cãi nhau giận hờn rồi lại làm lành vui vẻ, gắn bó sẻ chia cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống.

Chỉ mong sao bước sang tuổi 26, Báo Giáo dục của chúng ta sẽ phát triển vững vàng hơn, tiếng nói trong lòng độc giả vang xa, vang rộng. Chúc cho những đồng nghiệp thân thương thật nhiều sức khỏe, ngòi bút thật sắc, biên tập thật sâu… Còn với tôi, tôi cũng sẽ cố gắng học hỏi hoàn thiện từng ngày để góp phần làm cho tờ báo ngày càng “sạch sạn” hơn, chỉn chu hơn. Mỗi sớm mai độc giả, thầy cô giáo, học sinh  cầm tờ báo trên tay cảm thấy hài lòng với những trang báo, bài viết… mà trong đó có một phần đóng góp “khiêm tốn” của tôi.

Thúy Nga

 

Bình luận (0)