Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Có một Nguyễn Hiến Lê viết báo

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyn Hiến Lê sinh ngày 8-1-1912 ti Hà Ni. Ngưi đi vn đã biết đến ông vi tư cách là mt hc gi, mt nhà trưc tác li lc vi hơn 120 tác phm thuc nhiu th loi (triết hc, lch s, văn hc, giáo dc, đo đc, ngôn ng…). Ngưi đi cũng biết đến ông là mt trí thc chân chính, gin d, trong sáng, không màng danh li. Nhưng có l ít ngưi biết ông vi tư cách là mt ngưi viết báo vi bút lc di dào, thưng xuyên bám sát nhng vn đ nóng bng ca thi cuc.

Bài ca Nguyn Hiến Lê trên Bách Khoa s 60 (năm 1959) và s 254 (năm 1967)

1. Trong Hồi ký, Nguyễn Hiến Lê cho biết ông bắt đầu viết báo từ năm 1955 ở tờ Bông lúa do nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Do ở gần nhà Nguyễn Hiến Lê nên Bàng Bá Lân có đến nhà làm quen và mời ông cộng tác. Vì “vị tình” ông có gửi một số tiểu luận, kịch bản dịch từ tiếng Anh và tiếng Pháp.

Tờ báo mà Nguyễn Hiến Lê cộng tác lâu nhất và có nhiều bài viết nhất là Bách Khoa. Ông kể trong Hồi ký: “Năm 1957, Tạp chí Bách Khoa ra được 2 số thì nhà văn Nguyễn Hữu Ngư (Ngu Í) dắt bà Phạm Ngọc Thảo lại giới thiệu với tôi để nhờ tôi viết giúp tờ Bách Khoa mà chồng bà có chân trong tòa soạn, hoặc ít nhất cũng là cộng tác viên. (…) Tôi không biết người sáng lập tờ Bách Khoa là ai, tòa soạn gồm những ai, chỉ thấy bà Thảo nhã nhặn nên tôi góp với họ bài Quan niệm sáng tác của Edgar Poe, bài The Raven mà tôi đã viết từ trước, chưa có dịp dùng tới. Bài đó được đăng ngay trong số 4 (tạp chí mỗi tháng ra 2 kỳ). Tiếp theo, tôi gửi cho họ 3 bài nữa cũng về văn học, bài Tiếng Việt ngày nay, Vấn đề dịch văn, Phép dịch thơ, cũng được tòa soạn cho đăng ngay trên các số 5, 6, 7, 8”.

“Mối lương duyên” của Nguyễn Hiến Lê với Bách Khoa kéo dài đến năm 1975. Trong 18 năm tồn tại, Bách Khoa ra được 426 số (số cuối cùng ra ngày 20-4-1975) thì có đến 242 số có bài của ông, có một số bài đăng nhiều kỳ liền. Số cuối có bài của ông là số 424.

Nguyễn Hiến Lê cũng cộng tác với một số tờ báo “đặc biệt”. Đó là tờ Tin Văn, một tờ báo công khai, hợp pháp của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, ra đời vào tháng 6-1966 do ông Nguyễn Ngọc Lương (tức Nguyễn Nguyên, 1929-2003) là chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhà văn Vũ Hạnh làm thư ký tòa soạn. Nguyễn Hiến Lê kể: “Hồi đó tôi không biết ông Lương là cán bộ Cộng sản nằm vùng; ông nhờ tôi viết giúp, tôi đọc mấy số đầu thấy tờ báo đứng đắn, có chủ trương tiến bộ, thiên tả nhưng vừa phải, kín đáo, nên tôi nhận lời”. Tin Văn bấy giờ chủ trương bảo vệ văn hóa dân tộc, chống sa đọa, đồi trụy, lai căng, mất gốc trong văn hóa, văn nghệ cũng như đời sống; trên thực tế là chống Mỹ và chế độ thân Mỹ. Nguyễn Hiến Lê viết 7 bài trên 9 số, đều bàn về văn hóa, văn nghệ, giáo dục, đều sâu sắc, thuyết phục. Đó là các bài Làm sao cho học sinh bớt dốt Việt văn? (số 4-1966), Ít cảm tưởng về Đại hội bảo vệ văn hóa dân tộc: đả phá dễ hay xây dựng dễ? (7-1966), Văn chương và dân tộc tính (10-1966), Lại phiếm bàn về vấn đề chuyển ngữ ở đại học (12-1966), Vấn đề tiếp thu văn hóa Tây phương (1-1967), Vấn đề tiếp thu văn hóa Tây phương (2-1967), Phát huy văn hóa truyền thống (9, 10, 11-1967), Nhân đọc một phóng sự khá sống động (20-1967).

2. Tờ báo mà chính Nguyễn Hiến Lê cho là “đặc biệt nhất” là tờ báo viết cho thanh niên có tên là Phù Đổng Thiên Vương của nghệ sĩ Kim Cương và chồng là nhà báo Trần Trọng Thức. Hai người được nhà văn Vũ Hạnh đưa đến giới thiệu và mời ông cộng tác. Ông vốn quen biết Vũ Hạnh do thỉnh thoảng gặp nhau trong nhóm Bách Khoa mà cả hai đều là những cây bút chủ lực. Trong Hồi ký, ông kể: “Tôi đáp không có thì giờ vì chương trình làm việc của tôi còn nhiều. Họ nói mãi, nể lời tôi hứa chỉ viết giúp cho một bài duy nhất đăng trong số đầu thôi và ít bữa sau tôi giao cho họ bài Vài lời ngỏ cùng bạn trẻ, đăng trong số 30-1-1975”. Tờ báo này sau đó phải đình bản. “Về sau tôi mới biết Kim Cương là một cán bộ nằm vùng như Vũ Hạnh. Vậy là tôi vô tình hợp tác với hai tờ báo Cộng sản ở thành: tờ Tin Văn và tờ Phù Đổng Thiên Vương”. Sự “vô tình” này thực ra không phải là không có “hữu ý”, bởi Nguyễn Hiến Lê vốn có cảm tình với kháng chiến và tỏ ra độc lập, thậm chí phản đối chế độ Sài Gòn và chống Mỹ rõ rệt. Điều đó cho thấy quan điểm chính trị của ông, thể hiện rõ qua tinh thần dân tộc.

Trước sau, Nguyễn Hiến Lê cộng tác khoảng chục tờ báo, đều là những tờ có thái độ chính trị đúng mực, quan điểm đứng đắn hoặc không tỏ ra quá lố. Bản thân ông rất “kén” tờ báo để cộng tác, cũng như rất “kén” đối tượng giao thiệp. Chính ông nhận xét là việc viết báo của ông chỉ chiếm khoảng 1/10 trong tổng thì giờ viết dù “đã nhận lời viết cho báo nào thì luôn luôn viết kỹ và giao bài trước ngày hạn, không để họ phải nhắc”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Lương có lần kể: “Ông Nguyễn Hiến Lê viết Vấn đề chuyển ngữ ở đại học, Dân tộc tính trong văn chương, khi đưa biếu báo và trả nhuận bút mỗi bài 500 đồng (chỉ bằng nửa tiền nhuận bút một bài ở Tạp chí Bách Khoa), ông nhận và nói cho báo được tiếng là có trả nhuận bút”. Đây là tinh thần cống hiến và ủng hộ của Nguyễn Hiến Lê đối với các quan điểm tiến bộ, tích cực chứ không phải viết vì nhuận bút. Chúng ta đều biết rằng Nguyễn Hiến Lê không có nhiều thì giờ và ông luôn sử dụng thời gian của mình một cách tiết kiệm nhất có thể, luôn từ chối các công việc, các cuộc gặp mà ông cho là không có ích!

Việc cộng tác với các báo theo Nguyễn Hiến Lê là “rất có lợi”, vì “mới đầu tôi gửi đăng những bài hay chương (trong sách) tôi đã viết rồi mà chưa xuất bản, về văn học, triết học, gương danh nhân; đó là một cách tự giới thiệu trước độc giả. Sau hoặc tự ý tôi, hoặc do tòa soạn nhờ viết, do độc giả gợi ý, tôi mở rộng tầm hoạt động, viết về những vấn đề không có trong chương trình trứ tác của tôi; nhờ sự thúc đẩy, khuyến khích đó, tôi phải đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn, chú ý tới thời cuộc, tới tình hình trong nước và thế giới hơn. Tôi không tự giam trong “tháp ngà”, mặc dù một tuần hay nửa tháng mới ra khỏi nhà, cả năm không đi dự một cuộc hội họp nào cả, nhưng tôi luôn luôn theo dõi tất cả những biến chuyển trong nước và trên thế giới và kịp thời góp ý kiến với quốc dân”. Đây là thái độ chủ động tích cực của người cầm bút để không lạc hậu so với thời cuộc, để ý kiến, quan điểm của mình đưa ra trong các tác phẩm (nhất là sách) không trở nên xa rời cuộc sống.

3. Nguyễn Hiến Lê viết báo thường với tư cách là nhà nghiên cứu, nhà văn. Nhiều vấn đề ông đưa ra mang tính khảo cứu, học thuật và ít có thời gian tính. Tuy vậy, tư cách người làm báo của ông cũng được thể hiện khá rõ nét. Đó là việc ông phản ánh quan điểm kịp thời trước những sự kiện mang tính thời sự nóng bỏng hay nêu lên ý kiến trước những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, bức xúc. Ở góc độ đó, ông là nhà báo viết bình luận sắc sảo, cũng là người đề xuất những ý tưởng tiến bộ, khả thi. Chẳng hạn, năm 1962, ông viết loạt bài Cải tổ nền giáo dục Việt Nam, đăng liên tiếp trên 5 số Bách Khoa, phản ánh tình trạng giáo dục miền Nam cũ kỹ, rập khuôn giáo dục của Pháp vốn có từ trước năm 1945. Năm 1972, khi tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, nhiều người du học ở nước ngoài không muốn (không dám) về nước, ông viết bài Nguy cơ xuất não, đăng trên Bách Khoa 3 số liền…

Một trong những bài báo gây được tiếng vang lớn và là một bài nóng hổi tính thời sự là Cái chết của giáo sư Trần Vinh Anh (Bách Khoa số 254 ra ngày 1-8-1967). Nhà giáo Trần Vĩnh Anh bị một nhóm học sinh sát hại vào ngày 15-7 sau khi ông vạch mặt hành vi gian lận trong thi cử tại Hội đồng thi Tú tài I Nha Trang năm 1967. Trong một bài viết đậm chất báo chí, điều không thường thấy ở Nguyễn Hiến Lê, giọng văn của ông có phần giễu nhại, châm biếm mà cũng đầy đau xót: “Lần này không phải là một vết nhọ mà là một vết máu kinh khủng, cũng không tiền (cách nói tắt của “không tiền khoáng hậu”, nghĩa là trước giờ không có, sau này cũng không có – PV) nữa trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Không rõ ông Đoàn Thêm đã ghi vào tập biên niên của ông chưa, và nếu ghi thì có thêm tên các vị trưởng ti, tỉnh trưởng, bộ trưởng… không. Lần này quốc dân còn sôi nổi hơn lần trước, báo nào cũng loan tin liên tiếp trên 10 ngày rồi; các hội đồng giám khảo toàn quốc ngưng chấm thi; ngày 19, trong khi ở Đà Nẵng, đám tang giáo sư Trần Vĩnh Anh dài hơn một cây số trầm lặng cử hành thì tại Sài Gòn, tại Trường Nữ trung học Gia Long, năm trăm giáo sư làm lễ truy điệu vị chiến sĩ của họ. Và rất nhiều đoàn thể chia buồn với tang quyến. Ngày 21, sáu tên hung thủ bị tòa án xử. Và chính quyền đã truy tặng Đệ nhị đẳng Chương mỹ bội tinh cho người quá cố…”.

Đánh giá về một Nguyễn Hiến Lê viết báo cũng là nhìn về sự bám sát đời sống của nhà văn, bởi ông không chỉ đọc, nghiên cứu trên sách vở, ở các công trình cổ điển mà ông còn quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục và văn hóa, luôn đau đáu với sự tiến bộ của đất nước, sự mở mang dân trí. Điều đó cho thấy Nguyễn Hiến Lê là học giả nhưng cũng rất đời, rất người chứ không tự đóng khung mình thành một người ngồi chễm chệ trên cao nhìn xuống hay ở một người đứng bên ngoài cuộc sống để nhìn nó bằng lăng kính xa lạ. Chính những điều đó đã làm nên giá trị của ngòi bút Nguyễn Hiến Lê.

Nguyn Minh Hi

 

 

Bình luận (0)