Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhà văn Sơn Nam đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 13 giờ ngày 13-8, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hưởng thọ 82 tuổi. Trước đó, ông đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện vì cơn đột quị ngày 30-7.
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh ngày 11-12-1926 tại Kiên Giang. Cả cuộc đời ông luôn gắn liền với văn hóa Nam bộ, từ miệt vườn ở vùng đất cực nam U Minh, Cà Mau đến chốn đô thị Sài Gòn – Gia Định xưa. Các tác phẩm của ông: Chuyện xưa tình cũ (1958), Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Gốc cây – Cục đá & Ngôi sao (1969)… rất được đông đảo bạn đọc yêu thích. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, trong đó nổi bật nhất là bộ phim Mùa len trâu, đoạt nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Ông được nhiều người gọi yêu là “ông già Nam bộ”, “ông già Ba Tri”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam bộ học”.
Suốt 2 ngày qua, báo chí đã viết nhiều về ông với bao lời ca ngợi, thương tiếc một nhân cách sống, một tâm hồn lớn với bao trí tuệ, tài năng tuyệt vời qua văn nghiệp và cuộc đời của ông. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn ghi lại một vài kỷ niệm nhỏ cùng ông lúc sinh thời qua mỗi buổi sáng bên ly cà phê ở Nhà truyền thống quận Gò Vấp, TP.HCM.
Trước thời gian không đi lại được, Sơn Nam thuê một căn gác trọ trên đường Lê Quang Định, Gò Vấp. Mờ sáng, ông đi bộ đến Nhà truyền thống quận Gò Vấp trên đường Nguyễn Văn Nghi để uống cà phê cùng bè bạn. Bạn của ông không kể tuổi tác, già, trẻ, lớn, bé, gái, trai đều đủ. Ông thương nhất là cô bé bán vé số. Lúc nào thấy cô bé đến là ông kêu lại và năn nỉ mọi người “giúp cháu nó vài tờ”. Bẵng đi rất lâu, cô bé không đi bán vé số nữa. Ông tỏ ra trầm ngâm và hỏi anh Viết Tân – phóng viên tờ tin Gò Vấp, “Dạo này con bé đâu rồi ông he?”. Anh Tân cười và vô tư: “Mê con nhỏ rồi à?”.
Ông cười kha khả và nói: “Người xấu như tui ai mà mê”. Đoạn ông gọi cô Đa, chủ quán cà phê lại rồi hỏi: “Nè, con nhỏ vé số lúc này hông thấy ghé he?”. Đa cho biết mấy ngày nay nó bận lắm, lo mọi thứ để chuẩn bị lấy chồng.
Mặt ông tươi hẳn lên, “mấy ngày nay lo lo, sợ nó đi đường bị tai nạn gì mà hông dám nói. Tưởng gì chứ có chồng được là mừng rồi”. Ông móc túi ra hai chục ngàn gửi cô Đa và nhờ lúc nào gặp nó nói giùm “chú mừng cưới nó”.
Trưa đó ông về nhà bằng xe ôm. Anh thanh niên lái xe chở ông đến đường Lê Quang Định, không may gây tai nạn với một xe khác đi ngược chiều. Ông té ngã xuống đường bất tỉnh. Anh xe ôm sợ ông chết nên bỏ chạy mất, để ông nằm một mình dưới đường. Bà con đi đường đưa ông vào bệnh viện. Một chân ông bị gãy phải bó bột. Mấy tiếng đồng hồ sau tỉnh dậy, ông sờ vào chân và mặt nhăn nhó rất tội nghiệp. Chợt ông hỏi: “Chú xe ôm có bị nặng không? Tội nghiệp cho nó, lỡ tui chết thì nó khổ”. Mọi người kể lại chuyện, tưởng ông giận anh xe ôm lắm. Nhưng vô cùng ngạc nhiên, ông cười, thôi nó hông sao là mừng rồi!
Nhớ lúc cả thành phố náo nức kỷ niệm “Sài Gòn 300 năm”, cường độ làm việc của Sơn Nam vô cùng căng thẳng. Lúc đó, sáng nào quán cà phê ở Nhà truyền thống Gò Vấp cũng tấp nập các nhà văn, nhà báo. Họ đến không phải để uống cà phê mà là để được hẹn lịch làm việc với ông. Phóng viên các báo đến để phỏng vấn ông về “Sài Gòn – Nam bộ”; truyền hình quay phim ông để minh họa cho một câu chuyện kể nào đó về đất Nam bộ xưa; các nhà văn thì mời ông đi nói chuyện ở nơi này, chỗ nọ… Ông tiếp khách từ sáng đến quá trưa mà không nhận một đồng thù lao nào. Mấy anh em thân thiết thấy vậy mời ông đi ăn trưa và xin phép ông giao cho tôi và anh Viết Tân làm “trợ lý” để xếp lịch làm việc hàng ngày cho ông. Vậy là từ đó, tôi và anh Tân đều ghé quán cà phê thật sớm để ngồi cùng ông tiếp khách.
Một hôm, đang ngồi trò chuyện với một phóng viên truyền hình, ông đứng dậy kéo tay anh Tân ra ngoài. Sau đó, anh Tân lấy xe chở ông đi mất. Tôi chưa hiểu chuyện gì, cô phóng viên nọ cũng hết sức ngỡ ngàng. Một lát sau anh Tân chở ông quay lại. Ông đi thẳng đến chỗ cô chủ quán cà phê, rồi đưa một phong bì. Ông rỉ tai nói nhỏ điều gì không ai nghe được.
Biết mọi người tò mò, ông cười khề khà và “bật mí”, mới ghé qua tòa soạn lãnh nhuận bút, gởi trước cho chủ quán để tính tiền cà phê hàng ngày. Thì ra, bao lâu nay, mọi người cứ ngỡ mình đã trả tiền luôn cho ông mỗi khi cùng ngồi chung bàn. Ngẫm lại số tiền trả mỗi khi, mới biết ông đã dặn trước chủ quán, bất kỳ ông ngồi với ai, khi họ trả tiền phải nhớ trừ phần ông ra.
Những năm trước 2000, tôi làm việc ở tòa soạn nên ngày nào cũng trực đêm. Xong ca trực đã gần 2 giờ sáng. Tranh thủ chợp mắt một chút, đến gần 6 giờ mới về nhà. Sáng nào cũng vậy, tôi đều mang một tờ báo mới nhất cho ông. Ông cầm và đọc ngay. Có hôm ông đọc thấy tin tòa đang xử vụ án tham ô hàng ngàn tỉ, tay ông bỗng run run, tờ báo rơi xuống đất. Ông trầm ngâm và hỏi nhỏ một mình: “hàng ngàn tỉ là bao nhiêu tiền ta vậy ta?”. Đoạn ông quay sang hỏi tôi, “nè, một tỉ thì xây được bao nhiêu căn nhà tình nghĩa, tình thương?”.
Tôi trả lời nhanh: “một căn nhà tình thương thì chỉ cần 5-7 triệu là được, chú ạ”. Ông chặc lưỡi, “chà chà, số tiền tham nhũng đó mà đem giúp cho đồng bào nghèo thì biết bao nhiêu người đỡ khổ”. Suốt buổi sáng hôm ấy, ông cứ ngồi trầm ngâm, nhìn xa xăm, và buồn rười rượi.
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam luôn cho rằng: “Viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác!”. Những mẩu chuyện nhỏ kể trên khẳng định thêm lần nữa quan niệm sống của ông- một Sơn Nam rất nhân hậu, rất người. Từ khi biết ông, gần gũi ông và nghe những bộc bạch chân tình của ông, tôi hiểu Sơn Nam rất cơ cực, có khi rất khốn đốn, nhưng ông không phiền nhiễu ai, không cầu cạnh ai. Ông luôn sống bằng lao động cầm bút của mình. Kể cả khi nằm trên giường bệnh, còn chút hơi thở cuối cùng, ông vẫn như thế!n
(Trưa 14-8-2008)
Kiều Phan
Bình luận (0)