Triển lãm Tranh Phan Cẩm Thượng – đang diễn ra tại The Muse Space, 47 Tràng Tiền, Hà Nội – bán vé 100.000 đồng/lượt tham quan. Câu chuyện bán vé xem triển lãm đang thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật.
Khán giả chưa quen mua vé
Dù yêu mến họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, ông Nguyễn Minh Khiêm (47 tuổi, Hà Nội) nói, ông không tiếc 100.000 đồng, nhưng việc bỏ tiền vào xem triển lãm là “chưa có tiền lệ”, “lâu nay, đi xem triển lãm tranh, công chúng có phải mất tiền mua vé đâu”. Ông Khiêm không phải là khán giả duy nhất “đến cửa quay xe”.
Nhà báo Lý Đợi nói, ông ủng hộ bán vé vào xem triển lãm, nhưng thực tế ở Việt Nam còn nhiều khó khăn: “Thực tế cho thấy không phải triển lãm nào cũng bán vé được. Vài triển lãm còn trông mong nhiều người đến xem cho vui. Nhiều triển lãm và sự kiện chưa xứng tầm để bán vé, nên đã phải đóng cửa”.
Triển lãm Tranh Phan Cẩm Thượng được tổ chức tại Hà Nội, giá vé vào cửa là 100.000 đồng/lượt
Vì sao khán giả sẵn sàng chi mạnh tay mua vé xem liveshow ca nhạc, xem phim… nhưng lại ngần ngại khi phải bỏ tiền mua vé xem triển lãm mỹ thuật hoặc nghệ thuật đương đại? Nhà báo Lý Đợi cho rằng, việc mua vé hoặc chi tiêu cho văn hóa nghệ thuật, cũng như xa xỉ phẩm nói chung là một thói quen. Thói quen này sẽ không giống nhau cho từng lĩnh vực, thể loại. Đi nghe ca nhạc, xem phim, xem triển lãm danh họa… là trừu tượng, vậy phải mua vé vô thưởng thức. Còn đến nhà đấu giá nghệ thuật, triển lãm thương mại, bán bộ sưu tập… thì sao phải mua vé, vì mục đích chính là mua tác phẩm, sản phẩm. Giám tuyển nghệ thuật Ace Lê lại nhìn nhận, chúng ta còn ít được học, được tiếp xúc, được trao đổi với nghệ thuật trong cả chương trình giảng dạy lẫn các kinh viện, bảo tàng công. Trong khi đó, các hoạt động giải trí xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong kỷ nguyên quá tải thông tin quảng cáo này. Người ta sẽ bỏ tiền ra cho những thứ được quảng cáo, tuyên truyền hằng ngày. Càng có nguồn thu ổn định, người tổ chức lại càng có tài nguyên để làm tốt hơn, bài bản hơn. Đó là một trong những lý do khiến nghệ thuật lép vế so với những hoạt động giải trí kia. “Việc bán vé xem triển lãm thương mại là một con dao ba lưỡi, rất cần cảnh giác và tỉnh táo khi sử dụng. Đừng vì tham con tép mà bỏ mất con tôm. Với các tác giả đương thời, đã muốn bán tranh thì không nên bán vé, còn đã muốn bán vé thì không nên bán tranh” – nhà báo Lý Đợi cảnh báo. |
“The Muse Space là phòng tranh tư nhân, tổ chức triển lãm thương mại cho một nghệ sĩ kỳ cựu như họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, việc bán vé là quyền của phòng tranh và nghệ sĩ. Quyết định này có cả điểm hay (tôn trọng nghệ sĩ, định vị tên tuổi nghệ sĩ, sàng lọc khán giả, chiến lược truyền thông tốt) lẫn bất lợi (thêm một rào cản tiếp cận đối với công chúng, có thể bỏ qua những khách hàng tiềm năng…)”, giám tuyển Ace Lê nêu quan điểm.
Có khoảng tám năm làm công tác tổ chức triển lãm, đồng sáng lập tại REI Artspace, ông Đỗ Viết Tuấn cho rằng việc bán vé hay không tùy theo mô hình, tính chất của triển lãm. Đa số các triển lãm mở cửa miễn phí là các triển lãm thiên về văn hóa, cộng đồng, như một cách phổ biến văn hóa tới đại chúng. Với các triển lãm tranh của các cá nhân họa sĩ, ông Tuấn ủng hộ thu phí. Theo ông, ngoài việc sàng lọc đối tượng, việc bán vé cũng tạo thêm thói quen bỏ tiền ra để mua món ăn tinh thần cho công chúng. Nghệ sĩ, gallery có kinh phí duy trì sáng tạo và tổ chức, người xem có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận những triển lãm, trưng bày có đầu tư.
Triển lãm "Đêm trong rừng ngập mặn" diễn ra trong tháng 4 tại Nam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) cũng là một trong những triển lãm cá nhân tiến hành bán vé vào cửa.Nha
Cân nhắc mô hình linh động
Thực tế, trong những năm qua, mô hình bán vé xem triển lãm cũng không xa lạ. Trước The Muse Space, không ít triển lãm trong Nam ngoài Bắc chỉ “đón” khách mua vé vào cửa. Giá vé rất đa dạng, tùy tính chất triển lãm mà giá vé đến vài trăm ngàn đồng, hoặc thậm chí chỉ vài ngàn đồng tượng trưng.
Điều này xuất phát từ suy nghĩ, các tác phẩm mỹ thuật/nghệ thuật đương đại cũng là một mặt hàng, việc những người tổ chức và nghệ sĩ mong muốn khán giả có nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật trả phí là chính đáng. Đó cũng là cách công chúng thể hiện sự tôn trọng lao động nghệ thuật của nghệ sĩ; đồng thời, cũng là một trong những chỉ dấu cho thấy sự chuyên nghiệp hóa thị trường nghệ thuật ở nước ta.
Thực tế có không ít triển lãm nghệ thuật mở cửa miễn phí cho công chúng, nhưng cũng chỉ xôm tụ ngày khai mạc, những ngày sau vắng vẻ đìu hiu. Trong bối cảnh đó, việc bán vé xem triển lãm được coi là “sang chảnh”, thậm chí là không tưởng. Phần lớn công chúng Việt Nam vẫn chưa có thói quen mua vé trong việc thưởng thức nghệ thuật.
Triển lãm tranh Phan Cẩm Thượng diễn ra từ nay tới hết 9/5
Giám tuyển Ace Lê gợi ý, với các triển lãm thương mại được đầu tư tử tế, để cân bằng nhu cầu hòa vốn tổ chức và quyền lợi khán giả, các phòng tranh, không gian tư nhân nên cân nhắc mô hình mang tính linh động. Ví dụ, vài ngày đầu, có thể mở cho những nhà đầu tư cụ thể (private sales), đặc biệt dành cho các khách quen và tiềm năng của phòng tranh tới xem. Phần lớn các ngày triển lãm sau đó thì bán vé như dự định. Vài ngày cuối thì mở cửa miễn phí, phục vụ các đối tượng công chúng yêu nghệ thuật khác.
Gần với suy nghĩ của Ace Lê, ông Đỗ Viết Tuấn chia sẻ, với những khách hàng tranh tiềm năng, có thể đưa vào danh sách VIP để chăm sóc từ đầu. Hoặc mỗi kỳ triển lãm, dành ngày khai mạc mời khách tới xem, để có không gian riêng tư đúng chất nhà sưu tầm thích. Với các đối tượng như sinh viên, học sinh… có thể làm tour tham quan riêng, đăng ký trước về số lượng, có thể có curator (người phụ trách tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong bảo tàng) và nghệ sĩ cùng tham gia.
Theo Cốc Vũ/PNO
Bình luận (0)