Sau nhiều “cú sốc” khi học trò đưa lên mạng xã hội những hình ảnh cởi áo quần, chửi thề, miệt thị người khác…, có đề xuất cấm học trò tham gia các mạng xã hội, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
Quy định của Trường Lương Thế Vinh về việc học sinh lên Facebook
Tự do thể hiện bản thân
Nguyên tắc chung nhất để ứng xử có văn hóa
“Đó là, những gì mình làm, mình nói không làm ảnh hưởng xấu đến quyền lợi (vật chất hoặc tinh thần) chính đáng của người khác.
Ta văng tục một câu là làm cho người khác khó chịu, làm “ô nhiễm môi trường” chung. Ta đăng bài công kích chế nhạo ác ý là đã ảnh hưởng đến danh dự và cảm xúc của người khác. Ta mù quáng ném đá ai đó vô tội vạ là có thể giết chết tâm hồn của họ. Đó là thiếu văn hóa, thậm chí còn là tội lỗi. Cho nên, trước khi hành động điều gì trên thế giới mạng, hãy tự hỏi: nó có ảnh hưởng xấu đến người khác hay không? Nếu biết lo nghĩ đến cảm nhận của người khác trước, bạn sẽ không phải bận tâm lo nghĩ hậu quả khó lường sẽ xảy đến với mình”.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
|
Coi mạng xã hội là sân chơi để bày tỏ quan điểm, cảm xúc, bạn trẻ tha hồ xây những ngôi nhà riêng tư tự do của mình, nhưng đa số sự riêng tư này lại được… công khai rộng rãi. “Ngôi nhà” này là nơi họ cảm thấy có sự tự do, tự chủ cao nhất, được vượt qua mọi giới hạn của xã hội, gia đình, trường lớp để thể hiện bản thân.
Thực tế trong thời gian qua, rất nhiều sự kiện diễn ra trên mạng xã hội làm dậy sóng dư luận. Đáng kể là sự việc một cô gái trẻ trút nỗi oán hận của mình lên Facebook và người bị cô gửi những lời lẽ thậm tệ đó lại chính là cha mẹ cô. Một trường hợp khác là cô gái chụp ảnh ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Gần đây nhất, một cô gái khoe ảnh làm dáng trên bia mộ liệt sĩ; rồi những học trò thóa mạ, xúc phạm thầy cô… Đây là những hành vi không thể chấp nhận vì nó đi ngược với những giá trị văn hóa, đạo đức của người Việt Nam.
Đó là chưa kể không ít blogger, thành viên các diễn đàn, người chơi Facebook còn có cái “thú” văng tục chửi bậy, nói bâng quơ nhưng thực chất là ám chỉ ai đó, bóng bẩy mỉa mai hoặc thẳng thừng lăng mạ, nói xấu người mà mình không ưa thích… Không hiếm những bạn trẻ thể hiện sự a dua, hùa theo tâm lý đám đông để “ném đá” một nhân vật không hề quen biết, trong khi chưa tìm hiểu rõ sự tình.
Không gian ảo, hậu quả thật
Thạc sĩ tâm lý – xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính TP.HCM, nhận định: “Mỗi người đều có những bức bối, những cảm xúc yêu ghét cần có nơi để xả. Nhiều người, vì ở ngoài đời không thể chia sẻ được với ai chẳng hạn, nên phải mượn mạng ảo. Tuy ảo nhưng lại rất thật, ở chỗ những cái nick trên Facebook hay blog phần lớn đều đã quen biết nhau ngoài đời trước khi trở thành bạn của nhau trên mạng. Do đó, mỗi lời nói, hình ảnh đều sẽ tô vẽ lên chân dung bạn để người khác đánh giá. Một chân dung xấu hay đẹp đều do bạn cả”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Nhiều bạn nghĩ văng tục vài câu cho vui, có chết ai đâu! Thực tế, các bạn không nhận thức được rằng không gian mạng là không gian chung, một câu phát ngôn của chúng ta có thể gây khó chịu cho nhiều người khác; có thể ảnh hưởng đến nhân phẩm, thậm chí là “lưỡi dao” làm người khác tổn thương, suy sụp. Đặc biệt, nhiều bạn nhầm tưởng giữa “gây sốc” và “gây ấn tượng”, cho rằng dám nói bất kỳ điều gì mình muốn mới là cá tính mà không nhận ra rằng đôi khi đó chỉ là sự cá biệt, phản cảm”.
Thạc sĩ Hiếu nhấn mạnh thêm, gần đây xuất hiện rất nhiều câu trạng thái (status), câu chuyện, thậm chí một loạt phim chứa đựng những ngôn từ khó nghe, nhưng lại nhận được cả triệu lượt xem của bạn trẻ. Những đoạn clip ấy, những bài viết ấy vô tình khiến các bạn trẻ nhập tâm và xem chuyện văng tục chút đỉnh, chém gió chút đỉnh, bài bác chút đỉnh như một trào lưu.
Vũ Thị Bích Hồng, chuyên viên tổ chức triển lãm tại TP.HCM, người nhiều năm tham gia Facebook cũng cho rằng: “Những bạn càng trẻ, mới tham gia mạng thì đôi khi chỉ nghĩ đơn giản là mình giận thì mình lên đó trút giận, mình ghét thì chửi, không thích thì ném đá… mà không hề lường được hậu quả. Ai cũng biết sự kết nối, lan tỏa và sức ảnh hưởng của cộng đồng mạng là rất mạnh mẽ. Trên thế giới có không ít trường hợp bạn trẻ non nớt vì không chịu đựng nổi sự thóa mạ của cộng đồng mạng đã tìm tới cái chết”.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thúy Anh khẳng định những câu cảm thán, bộc lộ cảm xúc thái quá trên mạng hoàn toàn có thể ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ thật, có thể làm bạn mất việc hoặc mất đi tình bạn, tình đồng nghiệp. “Nhất là với bạn trẻ, sinh viên thì càng phải lưu ý cách thể hiện cái tôi cá nhân và cách ứng xử trên mạng. Vì hiện nay có nhiều nhà tuyển dụng lên cả mạng xã hội để tìm hiểu về ứng viên trước khi quyết định nhận hay không”, thạc sĩ Thúy lưu ý.
Một số đoạn nói xấu, lăng mạ… nhau trên Facebook
Có nên kiểm soát ?
Mới đây, sự kiện một cô học trò lớp 8 Trường THPT Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) bị cho thôi học vì dùng Facebook để đăng tải “tuyên ngôn học sinh” được copy từ một Facebook khác rồi đổi tên, đã dấy lên mối lo ngại về cái nhìn lệch lạc của một bộ phận thanh thiếu niên khi sử dụng mạng xã hội. Ngay sau đó, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã ban hành văn bản “Những điều cấm kỵ khi lên Facebook”, nêu rõ: “Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần việt; tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai; chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh; tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy, viết status phải rõ ràng”.
Văn bản còn lưu ý, Facebook cũng là nơi thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân, nên cân nhắc kỹ trước khi like một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân, Facebook không phải là nhật ký, mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook… Những điều cấm kỵ này ngay lập tức nhận được sự đồng tình lẫn phản đối của người trẻ.
Facebooker Tùng Dương nêu quan điểm: “Không chặn được đâu. Trên mạng xã hội, mỗi tài khoản giống như một ngôi nhà riêng, mỗi nhóm là tập hợp của những người cùng thói quen sở thích, họ sẽ có những "văn hóa trao đổi" riêng, có muốn cấm đoán kiểu gì cũng không được”.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy cũng nhận định: “Không nên đưa ra sự cấm đoán vì ở lứa tuổi này càng cấm, các em càng làm ngược lại để khẳng định cái tôi. Các em hoàn toàn có thể lập nick ảo để thỏa sức like, bình luận. Nên chăng tại các trường học, chúng ta mời các chuyên gia tâm lý đến trò chuyện, chia sẻ, nêu lợi ích của việc cư xử có văn hóa và hậu quả của những việc làm thiếu văn hóa trên mạng. Khuyên các em khi đọc được câu chuyện hay, ý nghĩa thì like, còn thấy ai văng tục phải thể hiện sự phản đối có văn hóa”.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nhìn nhận: “Tôi ủng hộ động thái này. Chưa bàn đến khả năng áp dụng vì phát ngôn trên Facebook rất khó kiểm soát, tuy nhiên hành động này ít nhất cũng đã dấy lên trong học sinh ý thức về trách nhiệm đối với phát ngôn của mình. Nhiều học sinh phản đối vì cho rằng việc này sẽ vi phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, tôi nghĩ văn bản này không cấm các em dùng Facebook, không cấm các em đăng bài, mà chỉ cấm các em văng tục, đăng bài sai – tức cấm những hành vi sai trái và thiếu văn hóa mà thôi”.
Từ đó, thạc sĩ Hiếu khẳng định, tự do ngôn luận thì không có gì là xấu, nhưng nếu cần thì kiểm soát những phát ngôn phản cảm, những bài viết mang tính ác ý. Những phát ngôn hay bài viết đó không nằm trong khái niệm “tự do ngôn luận”, mà nằm trong khái niệm “đạo đức online”.
Ý kiến
“Thay vì cấm, nên mở ra tọa đàm về văn hóa ứng xử trên thế giới mạng, mời các chuyên gia tâm lý, xã hội tới chia sẻ với các em, đưa ra những tình huống cụ thể để khuyên các em nên hay không nên”. (Vũ Thị Bích Hồng – Facebook)
“Mình nghĩ tự do nhưng phải nằm trong khuôn khổ chứ không thể thích nói gì thì nói, thích văng tục là văng tục. Nói xấu, chửi bới, thóa mạ người khác để thỏa mãn cái tôi của mình là điều không nên”. (Thúy Hằng -sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
“Mạng xã hội phản ánh một phần xã hội thực, có tốt có xấu. Người ta tham gia vì nhiều mục đích khác nhau nên cũng khó để quy chụp một quy chuẩn cho nó”. (Tùng Dương – Facebook)
“Nếu ai ăn nói thiếu văn hóa thì dù ở “nhà mình” cũng nên bị xóa bài, khóa nick giống như thành viên của các diễn đàn ngày trước”. (Phương Linh – TTVNOnline)
|
Theo Mỹ Quyên (TNO)
Bình luận (0)