Mùa hè, trẻ cần được nghỉ ngơi, chơi đùa. Ảnh: K.N
|
Đối với trẻ con ở nông thôn, kì nghỉ hè là một khoảng thời gian thật đẹp, thật tuyệt vời vì chúng có thể vui chơi thoải mái, đi du lịch, hoặc đơn giản là mỗi ngày chơi đùa cùng lũ trẻ con trong xóm không phải vác chiếc cặp to đùng đến trường. Tuy nhiên, với trẻ con thành thị thì ngược lại. Bọn trẻ thị thành xem mùa hè là học kì III không kém phần căng thẳng. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi do người lớn, khiến trẻ con phải gánh chịu.
Một số ba mẹ do công việc tất bật ở cơ quan không ai trông chừng trẻ, lại sợ con lao vào các trò chơi ở quán net đến nghiện nặng, sợ con tụ tập với đám bạn xấu… nên cách tốt nhất là cho con đến trường để thầy cô quản giáo. Tiện cả đôi đường.
Số khác thì muốn con mình không thua sút bạn bè nên bắt buộc con phải đăng kí học hè. Nói nôm na là chạy theo phong trào. Ai cũng nghĩ rằng, những đứa trẻ nào học hè sẽ “đi trước thời đại”, và khi vào năm học mới chúng sẽ rành rọt các môn học, trội hơn những đứa trẻ không học hè. Chính vì suy nghĩ phiến diện đó mà rất nhiều phụ huynh ào ào đưa con đi học trong những ngày hè.
Tôi có một đứa cháu gọi là cậu. Khi đề cập đến vấn đề học hè, anh chị tôi đều khoát tay. Chị bảo, cháu tuy học chỉ ở mức trung bình khá, nhưng chị không muốn ép con học quá tải, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu. Tôi cũng cho là vậy, vì đôi khi thu nạp nhiều quá dẫn đến 1+1=0, chứ không phải bằng 2 theo như qui luật toán học. Vậy thực sự học hè có mang lại kết quả tốt đẹp? Mặt tích cực cũng có đấy, nhưng mặt tiêu cực cũng song hành vô số. Nhiều đứa trẻ thu nạp kiến thức nhiều quá biến thành tác dụng ngược, trở nên “bão hòa”, căng thẳng, rối loạn đầu óc, dẫn đến những căn bệnh về thể chất và mặt tinh thần. Có một số đứa trẻ học quá nhiều, thuộc làu làu tức thời, nhưng qua hôm sau không nhớ gì cả. Thế là chúng “nặn óc” ra mà nhớ cho bằng được. Càng suy nghĩ càng căng thẳng tột độ và dẫn đến bệnh, não tổn thương!
Trẻ con như một cây con, cần được người lớn vun bón kiến thức, cần được uốn nắn những điều hay lẽ phải, cần được tưới mát bằng những trò vui chơi bổ ích… Chính vì vậy, ngoài việc học ra, trẻ cần phải có thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa để giải tỏa những căng thẳng và mệt mỏi vì học hành. Như thế trẻ mới đạt được những thành tích tốt trong học tập và luôn có tâm hồn lạc quan, yêu đời.
NGUYỄN TẤN QUỐC
(Huyện Bình Chánh – TP.HCM)
Bình luận (0)