Có nhiều lý do để lý giải việc phụ huynh cho con trẻ tiêu tiền sớm. Trước tiên phải nói đến sự phát triển của xã hội kéo theo đời sống của nhiều gia đình trở nên đầy đủ và thoải mái. Mặt khác bản thân nhiều phụ huynh còn có quan điểm không muốn con mình thua kém bạn bè xuất phát từ việc chiều con.
Quan điểm khác nhau
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng cho trẻ tiêu tiền sớm để tập cho trẻ thói quen chi tiêu đúng cách, khoa học… Có vô vàn lý do nhưng mỗi người lại có những quan điểm và cách nhìn khác nhau này. Theo ghi nhận tại bất cứ một căng tin nào của các trường tiểu học thì không ít học sinh sử dụng tiền để mua hàng quà, thậm chí có những em khi nhận tiền thối lại còn tính toán một cách rất chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Yến Anh (quận Gò Vấp) cho biết: “Bé nhà tôi mới học tiểu học nên mỗi ngày tôi cho 10.000 đồng nhưng luôn dặn là phải chi tiêu tiết kiệm. Nếu tiêu không hết thì mang về bỏ vào con lợn tiết kiệm ở nhà để cuối năm mổ lợn mua thứ khác”. Đây cũng là một trong những cách dạy con khoa học trong việc sử dụng tiền và nếu như trẻ biết nghe lời thì nó hoàn toàn vô hại. TS. Ngô Xuân Điệp (Trưởng khoa Tâm lý,
Ngay từ nhỏ, cần dạy cho trẻ nhìn nhận về đồng tiền một cách tích cực và có thói quen chi tiêu khoa học. Ảnh: T.LÊ |
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Nhận thức bình thường là nên cho trẻ biết về tiền bởi tiền không phải là xấu nhưng khi cho trẻ tiêu tiền cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Đối với học sinh tiểu học, không để trẻ sử dụng đồng tiền một cách thái quá. Tức là muốn bao nhiêu cho bấy nhiêu mà cần có chừng mực, quy định rõ ràng”. Là một chuyên gia tâm lý TS. Điệp cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu như hoàn toàn không cho trẻ tiếp xúc với đồng tiền thì không nên. Bởi khi trẻ đã có nhận thức rõ ràng nên để trẻ làm quen với đồng tiền. Đây cũng là một trong những cách giúp trẻ nhanh nhạy hơn trong việc tính toán, phản xạ với cuộc sống hiện đại. Vấn đề ở đây là cha mẹ giáo dục con cái như thế nào để trẻ nhận biết được giá trị của đồng tiền”.
Nhận thức giá trị của đồng tiền
TS. Điệp nhấn mạnh: “3 bước cho trẻ tiêu tiền hiệu quả là dạy trẻ cách chi tiêu hợp lý, khoa học. Phụ huynh cho trẻ tiêu tiền phải đúng cách, đúng thời điểm và cần phải có sự giám sát chặt chẽ đối với con trẻ trong việc sử dụng tiền”. |
Kiếm tiền đã khó nhưng tiêu tiền như thế nào cho hợp lý cũng không phải là vấn đề đơn giản. Ngay từ ban đầu cần dạy cho trẻ nhìn nhận về đồng tiền một cách tích cực và có thói quen chi tiêu một cách khoa học, cần cho trẻ nhận thức rõ về giá trị của đồng tiền, giá trị của những thứ mà chúng đang dùng, tiền là do công sức lao động vất vả mà có. Như vậy trẻ sẽ biết trân trọng đồng tiền, có trách nhiệm hơn và không chi tiêu hoang phí. TS. Điệp chia sẻ: “Đối với học sinh tiểu học thì không nên dùng tiền làm phần thưởng mà nên quy đổi thành các món đồ dùng phục vụ cho học tập. Đặc biệt là không được dùng tiền để dỗ dành trẻ mỗi khi trẻ quấy khóc đòi một thứ gì đó. Nếu như cha mẹ đáp ứng ngay điều trẻ muốn thì vô hình trung tạo cho trẻ thói quen xấu hay có những cách suy nghĩ lệch lạc. Khi trẻ lên cấp 2 thì có thể sử dụng tiền để làm phần thưởng khích lệ, động viên nhưng cần kiểm soát mức chi tiêu. Lên cấp 3 các em đã trưởng thành hơn và có nhận thức rõ ràng hơn nhưng khi thưởng tiền vẫn cần phải thương lượng, kiểm soát. Mỗi lần thưởng tiền phụ huynh nên cân nhắc số tiền thưởng phù hợp đồng thời cũng ra điều kiện để khích lệ trẻ phấn đấu lần sau”. Chính vì vậy việc cho trẻ tiêu tiền sớm không phải là không đúng. Tuy nhiên cho tiền vào mục đích gì và cho như thế nào mới là quan trọng. Nếu cha mẹ không hướng dẫn cách chi tiêu hợp lý rất dễ gây lãng phí tiền bạc và tệ hại hơn là trẻ sẽ sử dụng tiền vào những việc vô bổ, gây nguy hại đến bản thân… Việc sử dụng tiền giúp trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, khả năng quản lý và tổ chức cuộc sống.
Nghiêm Quế
Nên dạy con quản lý chi tiêu sớm Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh (giảng viên Trường Quản trị cuộc đời LIMA, TP.HCM) thì vì để trẻ nhận biết việc sử dụng tiền ngay từ khi chúng bắt đầu có nhận thức về đồng tiền sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, giá trị của đồ dùng mà chúng đang sử dụng, phải có tiền thì chúng mới mua được đồ dùng đó. Hơn nữa, trẻ phải biết được giá trị của lao động, đồng tiền chúng có được là do bố mẹ làm việc mà có. Việc cho trẻ quyền quản lý chi tiêu sẽ giúp chúng chủ động và có trách nhiệm với số tiền mà chúng có được vì con người ai cũng vậy thôi, khi tiêu tiền của người khác thì thường tiêu một cách thoải mái, nhưng với đồng tiền của mình thì luôn luôn thận trọng, dè dặt. M.H |
Bình luận (0)