Đội bưng quả mặc đồ siêu nhân đi rước dâu, lưu thông bằng xe SH không đội mũ bảo hiểm khi đi ăn hỏi, thiết kế thiệp cưới “không đụng hàng”, chú rể mặc áo tù nhân còn cô dâu vào vai quản ngục khi chụp ảnh cưới… Những hình thức cưới phá cách này có thể thu hút sự chú ý của một số người trẻ, nhưng không phải ai cũng ủng hộ.
Dàn siêu nhân bưng mâm quả. Ảnh: T.L |
Cưới độc đáo, cưới sáng tạo
Do muốn sở hữu bộ ảnh cưới mang tính “độc nhất vô nhị”, nên chú rể Thiên Dương (30 tuổi, hiện đang công tác tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên) cùng cô dâu (22 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) đã không chọn áo vest, soire hay áo dài truyền thống, mà lại táo bạo chọn áo tù nhân cho chú rể, và trang phục công an cho cô dâu để thực hiện bộ ảnh cưới “quản giáo – phạm nhân”. Sau khi đăng trên facebook vào ngày 14-12 vừa qua bộ ảnh cưới đã nhận được hàng ngàn lượt “like” và bình luận chỉ trong thời gian ngắn. Bên cạnh những lời khen về ý tưởng chụp ảnh cưới độc đáo, cũng có không ít sự nghi ngại “liệu mặc những trang phục như vậy có vi phạm pháp luật hoặc phạm vào điều kiêng kỵ”. Tuy nhiên, chú rể Dương cho biết việc thực hiện album này là do thích cái gì đó “độc” chứ không hề muốn gây chú ý, nổi tiếng. Theo Dương ý nghĩa của bộ ảnh cưới này là khi người đàn ông kết hôn tức là họ không còn bay nhảy như trước, mà phải vào khuôn khổ, sống có quy tắc, kỷ luật không khác gì “đi tù”.
Một tuần trước khi công bố bộ ảnh cưới “quản giáo – phạm nhân”, hình ảnh đoàn nam thanh nữ tú đi xe SH đến dự lễ ăn hỏi tại phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định vào ngày 6-12 bị CSGT “tuýt còi” xử phạt do không đội mũ bảo hiểm cũng thu hút sự quan tâm của người dân. Dư luận cho rằng hành vi muốn “chơi nổi” nhưng vi phạm Luật Giao thông là không thể chấp nhận được. Một vụ tương tự cũng đã từng xảy ra ở Quảng Ngãi vào ngày 24-12 năm ngoái với đoàn “ông già Noel” cưỡi SH, Vespa đi rước dâu mà không đội mũ bảo hiểm.
Một ý tưởng khác lạ nữa khiến đám rước dâu của cặp đôi vũ sư Huệ Đường (hiện giảng dạy tại Vũ đoàn Sài Gòn) và diễn viên múa Nguyễn Ngọc (TP.HCM) trở nên đặc biệt trước nay chưa từng có là do có đoàn bưng quả diện trang phục siêu nhân với nhiều màu sắc sặc sỡ, thay vì mặc quần tây, áo sơ mi, caravat cho nam và áo dài hoặc váy dạ hội cho nữ như các đám cưới truyền thống. Cô dâu cho biết họ đã từng sử dụng những bộ đồ siêu nhân đó để biểu diễn trên sân khấu, nên đã nảy sinh ý định cho đoàn bưng tráp mặc để tạo ấn tượng có một không hai trong ngày trọng đại của mình. Ngọc cũng cho biết, cha mẹ cô cũng đồng ý việc sử dụng trang phục này, miễn sao vẫn giữ các phong tục quan trọng trong hôn lễ là được.
Giới trẻ không trân trọng giá trị tình yêu, hôn nhân của mình Nhận định về vấn đề này, GS.TS Vũ Gia Hiền – chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM khẳng định, những lối phá cách trên đây liên quan đến hôn sự của người trẻ xét về mặt đạo lý là chính họ đã không trân trọng giá trị tình yêu, giá trị hôn nhân của mình. Đó là sự tha hóa về ý thức tình yêu, hôn nhân, gia đình. Nhằm góp phần chấn chỉnh và phòng tránh tình trạng này, tiến sĩ Hiền cho rằng thanh niên nam nữ cần được chú trọng giáo dục về giá trị nhân bản, và mong rằng những người lớn trong gia đình hãy biết hướng con cháu tổ chức ngày trọng đại một cách nghiêm túc, đúng với đạo lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trong trường hợp người trẻ không vâng lời, thì người lớn cần lên án hoặc thậm chí tẩy chay đám cưới, đừng để làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong và truyền thống văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng không nên ủng hộ, không nên chú ý đến những lối phá cách này. Có như vậy, trào lưu này mới có thể tự mất đi.
Hình cưới quản giáo – phạm nhân. Ảnh: F.B |
Không chỉ phá cách ở cách thể hiện ảnh cưới, trang phục, lưu thông, trong năm qua một số cặp đôi còn tự thiết kế những mẫu thiệp cưới “không đụng hàng” với những lời mời pha chút hài hước, thay cho những câu chữ mang tính trang nghiêm, trân trọng của thiệp mời truyền thống lâu nay.
Điển hình như thiệp mời sáng tạo của cặp đôi Hồng Phương – Mỹ Châu (Hà Nội) vào tháng 9 năm ngoái đã khiến cho bố cô dâu “đứng hình” khi nhìn thấy tấm thiệp mời, bạn bè và cư dân mạng cũng không khỏi bất ngờ với nội dung khác lạ: “Lê Phương và Mỹ Châu trân trọng kính mời… tới dự lễ hôn nhau và đút nhẫn của chúng tôi”, “Bạn có bận gì vào ngày thứ 4, 10-9-2014 không? Không đúng không? Tuyệt vời ông mặt trời bởi vì… Lê Phương và Mỹ Châu sẽ tổ chức đám cưới “không đến đấm phát ngất luôn”… Khi đi nhớ mang theo phong bì, hihi”.
Tương tự, cặp đôi Hoàng Hải Bun – Lê Thị An (Biên Hòa) cũng đã góp phần gây bão mạng khi sử dụng ngôn ngữ đời thường trong thiệp mời: “Trân trọng kính mời… Đến “ăn” nhậu và “mừng” tiệc cưới của… Sự hiện diện của… Sẽ mang lại niềm vui về “TINH THẦN” và “KINH TẾ” cho gia đình chúng tôi”. Tuy nhiên, để phòng trường hợp bị người lớn làm khó dễ, nên họ chỉ in một nửa số thiệp theo phong cách sáng tạo, còn lại thì in thiệp truyền thống.
Cần chấn chỉnh
Nói về bộ ảnh cưới “quản giáo – phạm nhân”, một nghệ sĩ có thâm niên công tác trong ngành công an Nhân dân nhận định đây là ảnh cưới rất phản cảm, nhất là khi đưa lên mạng xã hội. Theo nghệ sĩ này, ý tưởng của bộ ảnh cưới mâu thuẫn với luật pháp vì Luật Công an Nhân dân năm 2015 không cho phép công an lấy tù nhân. Vấn đề trang phục sử dụng chụp ảnh cưới cũng cho thấy tình trạng trang phục ngành công an Nhân dân bị mạo danh quá nhiều, bày bán tràn lan, sử dụng sai mục đích. Hiện tình trạng này đang được chấn chỉnh với nỗ lực vào cuộc của các cơ quan chức năng và sẽ xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm. Vì thực tế việc sử dụng quân phục phải có mục đích chính đáng. Ngay cả việc thuê trang phục của ngành công an để đóng phim thì đài truyền hình cũng phải làm công văn (có dấu đỏ) trình Bộ Công an xin phép và phải được chấp thuận bằng văn bản.
Bích Vân
Bình luận (0)