Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Có nên đặt ga tàu điện ngầm sát hồ Hoàn Kiếm?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ VH-TT-DL cùng một số chuyên gia tiếp tục có ý kiến cho rằng, với phương án thiết kế hiện nay, nhà ga ngầm C9 có thể gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường văn hóa và sinh thái khu vực hồ Hoàn Kiếm…

Phối cảnh ga C9 được đặt ở khu vực hồ Hoàn Kiếm

TP Hà Nội khẳng định ga ngầm C9 và tuyến hầm thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo không xâm phạm, không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ 1, là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL cùng một số chuyên gia tiếp tục có ý kiến cho rằng, với phương án thiết kế hiện nay, nhà ga ngầm C9 có thể gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường văn hóa và sinh thái khu vực hồ Hoàn Kiếm…

Cách chân Tháp Bút 1m

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây về quá trình nghiên cứu, thiết kế quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, UBND TP Hà Nội nêu rõ, thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm, không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ một là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Theo thiết kế, tuyến hầm sẽ đi bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp 1m, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3m, đáy hầm cách mặt đất 18,8m. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích, TP Hà Nội lựa chọn phương án thi công tuyến hầm bằng máy khiên đào TBM cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ khoảng 8,8mm. Hơn nữa, tại vị trí Tháp Bút khả năng lún bề mặt còn thấp hơn nên không ảnh hưởng đến an toàn của tháp. TP Hà Nội sẽ yêu cầu nhà thầu trong quá trình thi công phải cam kết đảm bảo an toàn cho Tháp Bút và phải áp dụng các biện pháp quan trắc, gia cố đặc biệt. Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép dày 0,3m, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gây ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất, đảm bảo an toàn của các công trình trong khi vận hành, khai thác.

Đối với ga ngầm C9, Hà Nội đưa ra giải pháp thi công bằng phương pháp đào từ trên xuống, kết hợp tường vây chống thấm nước (tường bê tông cốt thép dày 1,2m). Với phương pháp thi công này không gây ra sự giảm sút mực nước ngầm, không ảnh hưởng đến hồ Hoàn Kiếm. Vùng ảnh hưởng lún khi thi công ga C9 giới hạn trong khoảng 34m với độ lún, độ nghiêng bề mặt rất nhỏ nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép không ảnh hưởng đến các công trình di tích hồ Hoàn Kiếm, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu và các công trình lân cận khác…

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết, từ năm 2004, việc nghiên cứu quy hoạch, xác định hướng tuyến và vị trí các ga của tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được bắt đầu thực hiện qua chương trình phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội. Quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 được lấy ý kiến các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân về vị trí hướng tuyến, các ga và đã nhận được sự đồng thuận cao. Đồng thời, đơn vị tư vấn thực hiện đầy đủ các công đoạn từ khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình đến đánh giá tác động môi trường, xã hội, không gian văn hóa và tuân thủ các các quy định pháp luật. Với những giải pháp trên, UBND TP Hà Nội cam kết đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử, bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn. Hơn nữa việc thiết kế ga ngầm tại vị trí này còn tập trung khách tham quan, góp phần phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) trong cấu trúc đô thị tương lai

Lo ngại ảnh hưởng tới hồ Hoàn Kiếm

Trước phương án thiết kế trên, mới đây, Bộ VH-TT-DL tiếp tục có ý kiến đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh phương án ga ngầm C9 để đảm bảo không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích trong khu vực, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, với phương án thiết kế ga ngầm C9 như hiện nay có thể gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường văn hóa và sinh thái khu vực hồ Hoàn Kiếm và có thể tạo ra những rung chấn ảnh hưởng tới Nghi Môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu. Cùng với đó, thời gian thi tới 3 năm sẽ ảnh hưởng tới môi trường, gây nguy cơ tắc nghẽn giao thông ở trung tâm Hà Nội.

Trước đó, cuối năm 2018, Bộ VH-TT-DL cũng đã có ý kiến đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét tịnh tiến thân ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng. Trong khi đó, một số chuyên gia đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu bố trí đặt ga C9 ở vị trí khác như: khu vực quảng trường Ngân hàng Nhà nước, hay khu vực Nhà hát lớn.

Trước các ý kiến đề nghị trên, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo có hướng tuyến chạy qua khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội, gồm các phố: Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, tới các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt… gắn với vị trí ga C9 trong khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận. Cùng với đó tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được kết nối với tuyến số 1 tại ga C8 (phố Hàng Đậu) và kết nối tuyến số 3 tại ga C10 (phố Trần Hưng Đạo) khoảng cách giữa hai ga này là 2,4km nên ga ngầm C9 ở khoảng giữa là đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy tàu và nhu cầu tiếp cận hành khách khu vực trung tâm, bảo đảm an toàn vận hành khai thác theo tiêu chuẩn của đường sắt đô thị. Trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét nhiều phương án. Sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu, nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, khoảng cách giữa các ga thì phương án vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vườn hoa phía bờ hồ Hoàn Kiếm là phương án có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác.

* Kiến trúc sư TRẦN HUY ÁNH – Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Chưa phù hợp

Vị trí ga C9 chưa phù hợp vì ga và đường ngầm qua khu phố cổ Hà Nội sẽ có giá thành xây dựng đắt đỏ, ẩn chứa nhiều rủi ro và mối lo khó phát huy thế mạnh của đường ngầm. Nhà ga đường sắt đô thị có năng lực vận chuyển lớn, thu hút lượng khách từ bên ngoài vào trung tâm, nơi vốn đã có mật độ giao thông cao, tất yếu làm gia tăng xung đột, gây rối lọan, tắc nghẽn giao thông. Nếu đặt ga C9 vào cạnh hồ Hoàn Kiếm sẽ phá hủy kết quả tốt của việc tổ chức phố đi bộ. 

Bên cạnh đó, việc đặt làm đường ngầm, ga ngầm phải đối mặt với sự cố nguy hiểm như sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ… dễ kèm theo tăng mức đầu tư, gấp 2-4 lần dự kiến. Do đó, nên đưa đường sắt đô thị và nhà ga C9 ra ngoài đê để bảo tồn không gian đô thị khu phố cổ và  hồ Hoàn Kiếm, giảm thiểu ảnh hưởng đến các hoạt động đô thị trong thời gian thi công, giảm thiểu tối đa các rủi ro; khai thác tối đa nguồn nội lực từ đầu tư, khả năng thi công xây lắp, bảo trì và vận hành…

* Ông NGUYỄN NGỌC ĐÔNG – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Cần tiếp tục đánh giá, đảm bảo ga đúng công năng vận tải và bảo tồn

TP Hà Nội đã thận trọng tính toán, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia, các nhà khoa học và ý kiến người dân về vị trí nhà ga C9. Tuy nhiên, do ga C9 nằm ở vị trí đặc biệt nhạy cảm, Hà Nội phải tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép.

* PGS-TS HÀ ĐÌNH ĐỨC: Nếu làm sẽ gây hậu quả khôn lường tới văn hóa, lịch sử

Tôi đồng thuận với đề xuất của Bộ VH-TT-DL về việc chuyển vị trí của nhà ga C9. Vào những năm 2008, tôi đã từng có thư gửi lãnh đạo TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam để bày tỏ quan điểm cần ngăn việc xây ga ngầm cạnh hồ Hoàn Kiếm – vùng đặc biệt của Hà Nội. Việc làm ga tàu điện ngầm cạnh đây là hành động xâm phạm, gây hậu quả khôn lường tới văn hóa, lịch sử và cả tâm linh. Công trình này nếu chỉ đánh giá tác động môi trường thôi thì đó là một sai lầm lớn.

Bích Quyên – Thu Hà

Theo Nguyễn Quốc – Thu Hà/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)