Một học sinh Trường THPT Tân Bình đang nhờ chuyên gia tư vấn giải đáp thắc mắc
Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều ngã rẽ để đi đến thành công, trong đó du học tại các nước tiên tiến được nhiều em lựa chọn. Tuy nhiên, nếu học sinh nào muốn đi du học nhưng thấy gia đình không đủ điều kiện, năng lực học tập còn hạn chế, đặc biệt là không biết lựa chọn ngôi trường nào phù hợp thì nên cân nhắc kỹ lưỡng. Đây là thông tin được các chuyên gia lưu ý đến học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2020 diễn ra tại Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) mới đây. Nói về việc đi du học sau khi tốt nghiệp THPT, ThS. Nguyễn Quang Anh Chương (Giám đốc Trường ĐH Broward tại Việt Nam) cho biết việc học sinh chọn con đường du học tại nước ngoài là một điều tốt vì nó sẽ giúp các em được trải nghiệm môi trường sống, học tập mới. Tuy nhiên, việc đi du học cũng đầy cam go, thử thách, đòi hỏi người học đầu tư công sức, tiền bạc… Vì lẽ đó nhiều học sinh đã không thể thực hiện được ước mơ. “Nếu chúng ta thật sự muốn đi du học nhưng hoàn cảnh gia đình và sức học không cho phép thì có thể đăng ký học Trường ĐH Broward tại Việt Nam. Trường đào tạo chương trình giáo dục của Mỹ, học 2 năm tại Việt Nam, 2 năm sau học tại Mỹ. Trong 2 năm học tại Việt Nam, sinh viên sẽ có thời gian tìm hiểu, làm quen với cách học, sau đó đi du học sẽ không bị bỡ ngỡ. Ngoài ra, với chương trình học này, người học còn tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể, được miễn – giảm học phí nếu đủ điều kiện”, ThS. Chương thông tin.
Tại chương trình, em Vũ Thùy Linh (học lớp 12A6) thắc mắc: “Em được biết ngành kế toán và kiểm toán khá giống nhau. Vậy công việc cụ thể của hai ngành này là như thế nào?”. ThS. Trần Hải Nam (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) lý giải: Kế toán là công việc tìm hiểu, thu thập và ghi chép lại các giao dịch tài chính, các khoản thu chi của doanh nghiệp sau đó xử lý chúng. Trong khi đó, kiểm toán là công việc kiểm tra lại sổ sách của kế toán xem có chính xác và đúng pháp luật hay không dựa vào các tài liệu và bằng chứng có liên quan, chứng thực lợi nhuận của công ty, phân tích tình hình tài chính, xem xét tính khách quan tài chính. Theo ThS. Nam, sự khác nhau lớn nhất giữa hai ngành này đó là thời điểm làm việc. Nếu như kế toán bắt đầu công việc khi có giao dịch tài chính thì kiểm toán được bắt đầu khi công việc kế toán kết thúc. Cũng chính vì vậy, sổ sách và tài liệu các giao dịch tài chính sẽ do kế toán viên phụ trách thực hiện và giữ, còn kiểm toán viên sẽ kiểm tra những sổ sách và tài liệu đó. “Cả hai ngành này đều đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận; do đó nếu học sinh nào thấy mình phù hợp thì có thể lựa chọn”, ThS. Nam khuyên.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)