Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, có nên đầu tư hàng tỷ USD để phát triển hạ tầng 3G tại Việt Nam? Nhu cầu dịch vụ trên nền 3G tại Việt Nam đã thực sự cấp bách?
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) Lê Nam Thắng có cuộc trao đổi với báo chí ngày 11/11 về vấn đề này chỉ vài ngày sau khi MIC phát hồ sơ thi tuyển giành giấy phép cung cấp dịch vụ 3G.
Thưa Thứ trưởng, đã nên triển khai 3G tại Việt Nam hay chưa, khi cần phải chi hàng tỷ USD trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay?
Công nghệ 3G ở băng tần 1900 – 2200 đã được triển khai trên thế giới từ cuối năm 1999, đầu năm 2000. Hiện đã có hàng trăm nhà khai thác và hàng triệu người trên thế giới sử dụng công nghệ và dịch vụ này.
Đến nay, nhiều nước tiên tiến đã bắt đầu chuyển sang nghiên cứu và đưa vào sử dụng công nghệ 3,5G, 4G. Vào thời điểm cách đây 8 năm thì các thiết bị công nghệ vẫn còn tương đối đắt, nhưng đến nay, giá thành của các thiết bị đã hạ rất nhiều, gần như ngang bằng với các thiết bị của mạng 2G.
Cho nên đầu tư mạng 3G hiện nay không cách biệt quá xa so với đầu tư mạng 2G mà những lợi ích, tiên tiến của công nghệ 3G mang lại là rất lớn.
Về chuyện mức đầu tư lớn cho mạng 3G, thì đây là tổng vốn đầu tư trong thời gian 15 năm và hoàn toàn là bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tại sao bộ chỉ cấp phép 3G cho 4 doanh nghiệp? Điều này có đồng nghĩa với việc trong quá trình phát triển, các mạng còn lại muốn phát triển 3G thì không còn băng tần nữa? Phải chăng lúc đó họ sẽ phải tính đến chuyện sáp nhập? Hay là bộ đã tính đến việc sáp nhập các mạng trong tương lai?
Đây là vấn đề liên quan đến tài nguyên tần số. Một băng tần 1.900 – 2.200 MHz có 60 megaherz chỉ cấp đủ cho 4 doanh nghiệp. Nếu chia nhỏ hơn hay lớn hơn đều không hiệu quả và không phù hợp thực tế. Phần lớn các nước trên thế giới cũng phân chia băng tần này thành 4.
Công nghệ 3G trên thế giới có 6 chuẩn. Cái chúng ta thi tuyển lần này là WCMA, tức là chỉ thi ở một băng tần và ở một công nghệ cụ thể. Cho nên các doanh nghiệp khác trong tương lai vẫn có thể phát triển ở các băng tần khác và công nghệ khác. Cơ hội để phát triển 3G còn rất nhiều.
Trước khi quyết định phát hồ sơ thi tuyển 3G, bộ đã điều tra khảo sát về nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G ở Việt Nam? Hiện nay công tác quản lý nội dung số có nhiều vấn đề chưa giải quyết được, vậy Bộ có cơ chế chính sách gì để phát triển song song giữa hạ tầng 3G và dịch vụ nội dung số?
Sự phát triển nào cũng có hai mặt. Chẳng hạn internet băng rộng lợi ích cho xã hội và người tiêu dùng nhưng hạn chế là vẫn tồn tại những nội dung xấu. Dịch vụ quan trọng nhất của 3G là internet di động cũng tương tự như vậy, có mặt tốt và xấu.
Nhưng không phải vì cái xấu mà chúng ta không phát triển nó. Chúng tôi đã có điều tra về nhu cầu phát triển mạng 3G ở Việt Nam, nguyện vọng chung của doanh nghiệp; có điều tra trong nước và tham vấn các chuyên gia quốc tế. Đây chính là thời điểm thích hợp để phát triển 3G.
Song song với phát triển hạ tầng cơ sở 3G sẽ quan tâm quản lý nội dung thông tin. Bộ đã thành lập Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử. Cục này đang hoạt động và chuẩn bị ra các văn bản quản lý blog, trò chơi điện tử….
Cảm ơn thứ trưởng.
3G (third generation technology) là tiêu chuẩn truyền thông di động băng thông rộng thế hệ thứ 3 tuân thủ theo các chỉ định trong IMT-2000 của ITU (Tổ chức viễn thông thế giới).
Chuẩn 3G cho phép truyền không dây dữ liệu thoại và phi thoại (gửi email, hình ảnh, video…). Đối với người sử dụng thông thường, dịch vụ nổi bật dễ nhận thấy của 3G là sử dụng điện thoại video. Tại các nước phát triển, các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất lại là truyền hình trực tiếp trên ĐTDĐ (xem phim/nghe nhạc theo yêu cầu. Hiện thế giới có hơn 760 triệu thuê bao trên các mạng 3G. Mức tăng trưởng của các thuê bao băng rộng 3G đang ở ngưỡng bùng nổ. |
Mỹ Hằng (Theo TPO)
Bình luận (0)