Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Có nên đọc truyện cổ tích cho bé trước khi ngủ?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đọc truyện cho các bé trước khi đi ngủ sẽ giúp nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tăng khả năng cảm thụ văn học và lòng trắc ẩn hay sẽ khiến chúng có cái nhìn quá 'màu hồng', trong khi cuộc đời lại không phải là một câu chuyện cổ tích?

Có nên đọc truyện cổ tích cho bé trước khi ngủ? - Ảnh 1.

Ảnh: Blitz

Đối với những gia đình có con nhỏ, một việc làm quen thuộc và rất được các bé chờ mong là nghe kể chuyện trước lúc đi ngủ. Hoạt động này rất được coi trọng và diễn ra ở hầu hết gia đình trên toàn thế giới trong nhiều thế kỷ qua.

Những câu chuyện cổ tích về chàng hoàng tử giải cứu công chúa, về nàng tiên mang phép màu đến cho những em bé ngoan, kẻ xấu luôn nhận kết cục đích đáng đã theo các bé vào trong giấc ngủ.

Các bậc cha mẹ cho rằng việc kể chuyện cho bé khi ngủ sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, tăng trí tưởng tượng, tư duy và lòng trắc ẩn.

Tuy nhiên, một bài viết đăng trên tờ Independent của Anh mới đây đang gây tranh cãi khi đưa ra 5 lý do để cha mẹ ngừng đọc truyện cổ tích cho bé trước khi ngủ.

Theo trang này, trong những câu chuyện cổ tích, phụ nữ thường yếu đuối, thụ động và chỉ được cứu bởi đàn ông. Một vài ví dụ điển hình như nàng Bạch Tuyết, Công chúa ngủ trong rừng hay Người đẹp và quái thú.

"Những câu chuyện này vô tình đặt nặng một suy nghĩ lên cả hai giới, khiến họ nghĩ rằng chỉ có thể sống theo khuôn mẫu có sẵn là phụ nữ phải xinh đẹp, hiền dịu, đợi đàn ông đến cứu. Đàn ông thì phải quyến rũ, phong trần và có sức mạnh nghĩa hiệp như những chàng hoàng tử", tiến sĩ Victoria Showunmi – giảng viên nghiên cứu giới tính tại Đại học College London, Anh giải thích.

Lý do thứ hai được đưa ra là trong mọi câu chuyện cổ tích luôn kết thúc bằng câu "…và họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi". Có thể thấy hôn nhân viên mãn luôn là phần thưởng cuối cùng, là cái kết được mong đợi.

Trên thực tế, cuộc sống hiện đại nhiều đổi thay cũng dẫn đến những thay đổi trong quan niệm con người về hạnh phúc. Hôn nhân không còn là cái đích cuối cùng của một mối tình. Càng ngày càng có nhiều người, cả nam và nữ, lựa chọn cuộc sống độc thân, tự do và cống hiến cho xã hội.

Những câu chuyện cổ tích đặt hôn nhân là cái đích đến sẽ khiến nảy sinh trong đầu con trẻ một tư duy rằng "nhất định phải kết hôn" và nhìn nhận những người không kết hôn là "bất bình thường".

"Chúng sẽ nghĩ xã hội không có chỗ cho người không lấy chồng/vợ", tiến sĩ Showunmi nói.

Bên cạnh đó, yếu tố khuôn mẫu thường thấy trong các nhân vật cổ tích thường rất đẹp: da trắng, tóc bồng bềnh, môi đỏ, người mảnh khảnh, tính cách hiền dịu và luôn là người tốt. Trẻ nhỏ sẽ hình thành trong tư duy của chúng về một hình mẫu lý tưởng, không có chỗ cho các màu da khác ngoài màu da trắng, không có tình yêu đồng giới, không có người béo hay khuyết tật.

Theo tiến sĩ Showunmi, một vấn đề không nhỏ khác trong truyện cổ tích đáng bị lên án là đã tạo nên những nhân vật phản diện điển hình. Đó thường là mẹ kế, chị em họ, người anh cả, gã nhà giàu… Thực tế, cuộc sống là muôn màu, bất cứ ai cũng có thể là kẻ xấu và không phải mẹ kế nào cũng là mụ phù thủy, người anh/chị em họ nào cũng đáng ghét.

Sau khi bài viết này được đăng tải, rất nhiều độc giả khắp thế giới đã lên tiếng phản ứng trái chiều. Một độc giả viết: "Tôi có hai con gái. Tôi kể cho chúng nghe truyện cổ tích mỗi đêm. Giờ đây khi lớn lên chúng sống lành mạnh, hoạt động ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ mà chẳng có tí gì là thụ động cả".

Nhiều người khác cho rằng nên kể chuyện cổ tích cho trẻ em nghe vì cho dù có những khuôn mẫu tiêu cực thì những câu chuyện này còn bổ ích hơn việc để chúng cầm điện thoại. Truyện cổ tích cũng là một phần tạo nên ký ức đẹp của thời thơ ấu, khiến trẻ sống vị tha, yêu cuộc sống và tăng tư duy tưởng tượng hơn.

Về vấn đề này, Donald Haase, tác giả của cuốn Fairytales and Feminism (Truyện cổ tích và vấn đề nữ quyền) khuyến khích các bậc phụ huynh đọc những câu chuyện cổ tích theo một hướng mới. Nghĩa là không nên có gì đọc nấy mà hãy sáng tạo thêm tình huống, đặt những câu hỏi để trẻ tư duy trả lời.

Đó là một cách để vừa giáo dục trẻ, vừa nắm bắt được suy nghĩ của chúng mà không làm mất đi một thế giới thần tiên của tuổi ấu thơ.

MINH HẢI (Theo Independent)/TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)