Bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc ngày 23-12
|
Ngày 23-12, Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với các quận, huyện và sở, ngành liên quan về tình hình quản lý hoạt động của các trường, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn. Tại đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh: “Mấy ngày qua, tôi rất lo lắng khi nghe lãnh đạo một quận khẳng định sẽ đóng cửa các nhóm trẻ không phép (NTKP). Phải chăng là không quản lý được nên đóng cửa. Cái này là dở…”.
Đóng cửa NTKP, gửi trẻ ở đâu?
Theo Luật Lao động, người mẹ được nghỉ hộ sản 6 tháng, đến tháng thứ 7 thì phải đi làm. Nhưng hiện nay, không có trường mầm non công lập nào nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi. Còn các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình có phép nhận trẻ dưới 12 tháng thì có giá rất cao. Vì vậy, các bà mẹ phải gửi con cho những người hàng xóm, những nhóm trẻ giá rẻ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ gặp nhiều nguy cơ hơn.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Phó ban Văn hóa Xã hội – HĐND kể: “Tôi có biết một phụ nữ sau khi hết thời gian nghỉ thai sản đã kêu mẹ ở quê vào TP.HCM giữ con. Được một thời gian thì bà mẹ có việc phải về quê nên chị này gửi con cho người hàng xóm. Gửi được 3 ngày thì xảy ra tai nạn, hậu quả là đứa trẻ bị chấn thương sọ não. Hiện tại, đứa trẻ này vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện”.
Từ thực tế này có thể nói vụ việc bạo hành trẻ ở NTKP Phương Anh (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) giống như giọt nước tràn ly, báo động tình trạng mất an toàn ở những NTKP. Theo đó, không có gì là khó hiểu khi lãnh đạo Q.Thủ Đức quyết định đóng cửa các NTKP. Đồng quan điểm, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Quan điểm của Sở GD-ĐT là phải đóng cửa NTKP. Vì nếu nương họ thì không đủ sức quản lý. Vả lại, chúng ta đã kiểm tra, rà soát nên vi phạm thì phải xử lý”.
Song, “Đóng cửa những cơ sở này thì phụ huynh sẽ gửi con ở đâu, trong khi các trường mầm non công lập đã quá tải”, bà Nguyễn Thị Nhung – Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM băn khoăn.
Sự băn khoăn của bà Nhung không phải là không có căn cứ, bởi theo ông Nguyễn Thọ Truyền – Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức thì: “Toàn quận hiện có 131 NTKP đang nuôi giữ 1.288 trẻ. Quận đã rà soát và có chủ trương chuyển các cháu vào trường mầm non công lập, nhóm trẻ có phép. Tuy nhiên, với 450 cháu đang học ở NTKP tại P.Bình Chiểu thì không thể nào bố trí được. Hay như ở P.Linh Trung cũng có tới 100 trẻ đang học ở NTKP…”.
Đó là chưa kể: “Vấn đề không phải là có chỗ gửi trẻ mà phải là chỗ đó có phù hợp túi tiền, điều kiện đi làm của công nhân hay không? Quản lý Nhà nước hiện nay là cái gì dễ thì làm, chỉ hớt bèo nổi”, bà Tâm bức xúc.
Không thể giải quyết bằng hành chính
Bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu: “Văn bản Nhà nước về việc kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non thì nhiều nhưng do các đơn vị liên quan chưa làm tốt nên đã để xảy ra các sự cố vừa qua. Nếu quy kết trách nhiệm, chúng tôi xin nhận. Tuy vậy, phải khẳng định lại. Nhiệm vụ của ngành GD-ĐT là chăm sóc, giáo dục để hình thành nhân cách cho trẻ chứ không phải là giữ trẻ đơn thuần”.
|
Ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa Xã hội – HĐND khẳng định: “Việc hình thành nhóm trẻ gia đình là phù hợp với giờ làm việc của công nhân. Nhu cầu của người dân lao động đối với nhóm trẻ nhận giữ 2-3 trẻ, thậm chí là cả chục trẻ là rất lớn”. Vấn đề là làm sao để các nhóm này đảm bảo an toàn cho trẻ.
Và: “Nếu đưa ra giải pháp hành chính để giải quyết các NTKP thì e rằng không đi vào thực tế. Vì, cái mà người dân mong muốn là các cấp, các ngành phải quản lý được các nhóm trẻ chứ không phải dùng quyền lực để đóng cửa”, bà Tâm cho biết. Theo đó, bà đề nghị các quận, huyện và ngành GD-ĐT tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục để người dân có nhu cầu mở nhóm trẻ được cấp phép. Bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non. “Không thể đợi đến khi sự việc xảy ra rồi mới cuống cuồng ra quân. Kiểm tra không phải là để gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân mà là tạo điều kiện cho họ làm tốt hơn. Kiểm tra thấy vi phạm thì phải xử lý nghiêm để khắc phục. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật không chỉ cho những người nhận giữ trẻ mà cả gia đình, nhất là người mẹ có con nhỏ. Người mẹ phải biết gửi con ở đâu để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế có những bà mẹ vô tâm lắm, gửi con ở nơi bị đánh bầm người mà vẫn cứ gửi”, bà Tâm nhấn mạnh.
Q.Bình Tân là nơi có tới 60% dân nhập cư, trong đó phần lớn là công nhân. Vì vậy, hoạt động của các NTKP cũng rất sôi động. Tuy nhiên, nhờ quản lý tốt nên đã không xảy ra sự cố đáng tiếc. Ông Phạm Văn Mười – Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân chia sẻ kinh nghiệm: “Hiện nay trên địa bàn quận có 95 NTKP giữ từ 3-5 trẻ, chủ yếu là con công nhân tăng ca. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, quận đã chỉ đạo nhóm nào không đủ điều kiện thì tìm hiểu. Nếu họ làm cam kết sau 3 tháng sẽ khắc phục thiếu sót thì cho tiếp tục hoạt động. Các trung tâm học tập cộng đồng thường xuyên tổ chức lớp chuyên đề kỹ năng phát hiện bệnh ở trẻ, dinh dưỡng cho trẻ cho những người giữ trẻ”.
Bà Nhung – Ban Văn hóa Xã hội – HĐND nêu ý kiến: “Đối với những hộ gia đình có nhu cầu giữ trẻ nhưng không có vốn thì nên tạo điều kiện cho họ vay tiền mua sắm các trang thiết bị cần thiết để mở nhóm đạt chuẩn”…
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Giải quyết chỗ gửi con của công nhân là trách nhiệm của lãnh đạo TP. Bởi chính những người công nhân này đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của TP. TP.HCM là TP văn minh, hiện đại nhưng trẻ em lại bị ngược đãi. Giống như một gáo nước lạnh tạt vào mặt mình, nghe đau lòng lắm. Sự việc xảy ra vừa qua có một phần lỗi của HĐND giám sát không đến nơi đến chốn, không đeo bám quyết liệt”, trích phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM. |
Bình luận (0)