Thay vì dọa trẻ nếu uống nhiều nước ngọt sẽ bị bệnh thì bố mẹ nên phân tích cho trẻ hiểu tác dụng tốt của việc uống nước lọc. Ảnh: L.T
|
Những lời nói dối, những “chiêu” dụ trẻ của người lớn tưởng chừng như vô hại, nhưng thực chất nó lại ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và tâm lý của các bé.
Từ những lời nói dối…
Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với một số phụ huynh về vấn đề: “Có nên dụ trẻ bằng những lời nói dối hay không?”. Đa số đều cho rằng đã từng ít nhất một lần nói dối để đạt mục đích cuối cùng là tốt cho trẻ. Chị Vũ Thanh Trúc (Q.7, TP.HCM) chia sẻ: “Bé Bin nhà tôi được 18 tháng nhưng mỗi khi cho bé ăn hay ngủ thì cảm thấy vất vả vô cùng. Có khi phải bế rong, hát ru, chơi đùa với bé đến tận khuya mà vẫn chưa chịu ngủ. Những lúc như vậy chẳng còn cách nào khác là phải “dọa” trẻ bằng các câu nói như: “Nếu con không ăn, không ngủ thì con ngáo ộp sẽ đến bắt con…”. TS. Ngô Xuân Điệp (Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết: “Mỗi khi muốn trẻ nghe lời mà các bậc phụ huynh dùng các câu nói dọa nạt để cho trẻ sợ hãi thì đó là việc làm không nên. Bởi những cái đó chỉ để thỏa mãn mong muốn của người lớn, còn đối với trẻ thì tức thời sẽ nghe theo nhưng về lâu dài làm đứa trẻ mất đi niềm tin. Bản thân trẻ khi sinh ra đã có tâm lý sợ hãi, nên việc người lớn dụ trẻ bằng những câu nói mang tính chất đe dọa sẽ tạo nên tâm lý ám ảnh và không phát triển được cái “tôi” cá nhân của chúng. Một đứa trẻ phát triển tốt sẽ thể hiện qua việc tự nguyện điều chỉnh hành vi mà không bị bất cứ một sự áp đặt nào”.
Khi cho trẻ uống thuốc nhiều người vẫn thường hay nói: “Thuốc này không đắng đâu”, thậm chí còn nói “Thuốc là kẹo”. Mới đây Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM có 4 bé từ 5-7 tuổi ở Bình Dương bị ngộ độc thuốc và phải nhập viện trong tình trạng trụy hô hấp và tim mạch. Nguyên nhân là các bé bị sốc thuốc động kinh một loại thuốc mà trước đó các bé tưởng là kẹo nên đã ăn. TS. Điệp cho rằng: “Trong mọi trường hợp thì chúng ta nên thẳng thắn với trẻ để cho trẻ nhận biết được sự thật. Điều đó giúp cho trẻ tư duy tốt hơn và phát triển một cách toàn diện hơn”.
Để trẻ phát huy tính phản biện
TS. Điệp chia sẻ: “Những lời nói dối mang tính chất dọa nạt của người lớn là một thói quen không tốt. Chúng ta không nên dùng nó để cưỡng chế đối với trẻ mà cần dạy cho trẻ biết cách phản biện và điều chỉnh hành vi của mình ngay từ lúc nhỏ”.
|
Có những câu hỏi của các bé khiến cho cha mẹ lâm vào thế “khó đỡ” như: “Con sinh ra từ đâu?”. Trong trường hợp này chúng ta nên cho trẻ xem đoạn video về sự hình thành và ra đời của một đứa trẻ. Như vậy, không cần phải giải thích gì thêm mà trẻ cũng tự hiểu ra vấn đề. Theo TS. Điệp: “Ngày nay chỉ số IQ của trẻ em rất cao nên các bé trở nên thông minh và lanh lẹ. Trẻ luôn có tâm lý muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh vì vậy rất cần sự thẳng thắn và trung thực của người lớn để trẻ có thể chủ động tiếp nhận thông tin và nhận thức được sự việc”. Nhiều người nghĩ rằng có những lời nói dối vô hại nhưng thực chất khi nói dối mà trẻ nhận thức được thì vô hình trung đã tạo cơ hội cho trẻ học theo thói nói dối. TS. Điệp nhấn mạnh: “Cần dạy cho trẻ tính phản biện hơn là việc bắt trẻ phải làm theo một cách miễn cưỡng. Thực chất những “chiêu” dụ trẻ của người lớn bằng việc sử dụng những câu nói mang tính chất dọa nạt nên trẻ sợ mà phải làm theo”.
Chị Nguyễn Yến Anh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lo lắng: “Bé Na được 4 tuổi nhưng lại rất bướng bỉnh, đôi khi bảo bé không nghe, tôi thường nói: “Mẹ nói không nghe mẹ sẽ không nuôi con nữa”, nhưng sau đó thì không còn tác dụng bởi bé biết mẹ nói mà không làm”. Để bồi dưỡng tính trung thực cho trẻ trước hết phải cho trẻ sống trong môi trường trung thực. Người lớn phải làm gương cho trẻ, tuyệt đối không được nói dối trước mặt trẻ. TS. Điệp cho rằng: “Trẻ cần phải biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nếu trẻ sai thì nên nhắc nhở hay đưa ra những hình phạt nhẹ nhàng, tránh thô bạo. Từ đó trẻ sẽ tự ý thức được việc làm của mình”.
Nghiêm Quế
Nên ăn và uống cùng con
Trẻ thường thích các nước uống có gas, nước ngọt và rất ghét uống nước lọc vì cho rằng nước này nhạt, không ngon, không có hương vị gì. Thay vì dọa trẻ rằng nếu uống nhiều nước ngọt sẽ bị nhiễm bệnh, chết sớm thì bố mẹ nên phân tích cho trẻ hiểu tác dụng tốt của việc uống nước lọc, nếu không uống đủ nước lọc, cơ thể không thể hoạt động bình thường, uống nhiều nước lọc sẽ ngăn ngừa bệnh béo phì… Đặc biệt là phụ huynh cũng chỉ nên dùng nước lọc trước mặt con để làm gương. Trẻ cũng có một tật xấu chung là lười ăn rau, trong khi đây lại là một món rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé. Vì vậy, nếu dùng “chiêu” dụ trẻ ăn rau thì phụ huynh nên ăn cùng con. Trẻ nhỏ rất thích bắt chước. Khi thấy bố mẹ ăn đĩa salad ngon lành, chắc chắn chúng sẽ thử làm theo.
M.H
|
Bình luận (0)