Qua ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các trường THCS, THPT đều cấm học sinh và giáo viên dùng điện thoại di động trong trường học.
Tuy nhiên, khu vực cấm là trong giờ học, lớp học hay cả khuôn viên nhà trường thì đang mỗi nơi một phách.
Điện thoại của ai ?
Trong một lần giáo viên say sưa giảng bài trên lớp, học sinh (HS) đang chăm chú nghe, đột ngột có tiếng chuông điện thoại reo. Giáo viên nghiêm giọng hỏi: "Điện thoại của ai đang reo?".
Học sinh ngơ ngác. Giáo viên vận dụng hết kinh nghiệm quan sát từ đầu đến cuối lớp xem ai đang lén dùng điện thoại nhưng không phát hiện được. Bỗng có tiếng một học trò thẽ thọt: "Thưa cô, chắc là điện thoại của cô ạ!". Cô giáo giật mình. Thôi chết, hôm qua vừa thay điện thoại mới nên chưa quen nhạc chuông. Quy định của trường không được dùng điện thoại di động khi đang giảng bài và nếu phát hiện thấy HS dùng điện thoại trong giờ học, giáo viên có quyền tịch thu. Biết làm sao với sự cố này bây giờ?
|
Dù đã cấm, nhưng một số học sinh vẫn nghịch “dế” trong giờ học.
|
Trên đây là câu chuyện "dở khóc, dở cười" của một người bạn, do thầy giáo Lê Đình Tùng (Trường THPT Quảng Uyên, Cao Bằng) đưa ra để tham khảo ý kiến của đồng nghiệp. Một giáo viên ở Trường THCS Tân Định (Hà Nội) bày tỏ, đã là quy định, nếu vi phạm thì giáo viên cũng nên xin lỗi vì đương nhiên trường hợp này giáo viên sai. Cùng lắm là cười và thú nhận do đổi điện thoại mới nên chưa biết sử dụng, chưa quen chuông. Mong các em bỏ qua.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, thầy Tùng cho hay, mặc dù đây là câu chuyện của một người bạn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên rất dễ gặp tình huống này và phải rút kinh nghiệm. Thầy Tùng cho biết thêm, trường mình đang giảng dạy cũng có quy định cấm dùng điện thoại trong giờ học. Tuy nhiên, do đặc điểm nhiều HS phải học bán trú, địa bàn miền núi xa xôi nên các em vẫn phải có điện thoại để liên lạc với gia đình. Chỉ cần tan giờ học, các em đã có thể sử dụng "dế".
Ông Nguyễn Hữu Chiệu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết, bây giờ HS dùng điện thoại xịn lắm. Một số em gia đình khá giả còn yêu cầu bố mẹ mua điện thoại xịn mới chịu đi học. Có nhiều em lướt web, chat chit (tán gẫu) qua điện thoại nhưng phụ huynh không biết. Để không ảnh hưởng đến dạy và học, nhà trường cấm giáo viên và HS dùng điện thoại di động trong giờ học.
GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, từ lâu trường mình đã áp dụng chế tài cấm giáo viên và HS dùng điện thoại di động trong giờ học. Với HS, trường cấm vì các em chat chit, nhắn tin, xem tin nhắn trong giờ học sẽ không tiếp thu được bài.
Hiệu trưởng cũng phải… xin lỗi
GS Văn Như Cương lý giải, có những cuộc họp, người ta yêu cầu tắt điện thoại di động để tôn trọng người khác. Vì vậy, không cứ gì HS, cả giáo viên cũng không được dùng di động khi đang giảng bài. Kể cả giáo viên đó cần chờ một cuộc điện thoại quan trọng như có người ốm hoặc có việc gấp gia đình, cũng không được nghe máy khi đang giảng vì như thế là không tôn trọng HS. GS Cương giải thích, nếu giáo viên đang giảng, lại ra ngoài nghe máy 5-10 phút, giờ học sẽ ra sao? Vì vậy, đã cấm là cấm triệt để. Chỉ khi ra chơi, HS và giáo viên mới được phép dùng điện thoại.
Theo GS Cương, nhà trường có các đoàn kiểm tra đột xuất. Chỉ cần thấy HS nào cầm điện thoại trong giờ học là tịch thu ngay, cuối giờ mới trả. Có những lần nhà trường kiểm tra trong máy điện thoại của HS, có những tin nhắn trao đổi với lời lẽ tục tằn đúng trong thời gian diễn ra tiết học. Như thế, các em tiếp thu bài thế nào? Thậm chí, có HS còn lén nhắn tin hỏi bài trong giờ kiểm tra. Có lần, nhà trường cũng bắt gặp HS đang xem phim bậy trong giờ học. Khi nhà trường mời gia đình đến xem tận mắt mới ngã ngửa. Với những trường hợp này, mức xử phạt ở Trường THPT Lương Thế Vinh là hạ hạnh kiểm.
Trở lại câu chuyện của blogger Hồng Vân mà chúng tôi đã đề cập số báo trước, trường học của con gái chị cấm HS dùng điện thoại di động trong khuôn viên trường. Vì thế, HS phải nói dối không có điện thoại nhưng ra khỏi cổng trường lại lôi máy ra lén gọi về nhà. Như vậy, nghĩa là phụ huynh đang tiếp tay các em nói dối. Theo GS Cương, hiện mỗi trường đang có cách quản lý HS dùng điện thoại trong trường học theo cách riêng. Tốt nhất, cấm HS dùng điện thoại trong giờ học chứ không nên cấm trong khuôn viên trường vì nhu cầu liên lạc rất quan trọng. Nếu các em vẫn không tự giác và chỉ tắt chuông để mang điện thoại vào lớp, theo GS Văn Như Cương, phải yêu cầu HS nộp điện thoại lên bàn giáo viên và cuối giờ mới được nhận.
Còn ông Nguyễn Hữu Chiệu cũng cho biết, trường chỉ cấm HS và giáo viên dùng điện thoại di động trong giờ học. Nếu cấm cả trong khuôn viên nhà trường thì phụ huynh HS phản ứng ngay. Kể cả hiệu trưởng, nếu có việc quan trọng phải xử lý thì cũng phải xin lỗi trước khi nghe máy. Trường hợp phát hiện thấy HS lén dùng điện thoại trong giờ học, hình thức xử lý của Trường THPT Trần Phú là ghi danh HS đó vào sổ đầu bài, phê bình trước toàn trường chứ không tịch thu tài sản.
"Đúng là một số giáo viên có đối xử với HS không phải trong giờ học, khiến các em phải quay clip. Tuy nhiên, khi phát hiện thấy giáo viên có tiêu cực, HS có thể phản ánh đến Ban giám hiệu nhà trường để uốn nắn giáo viên. Hoặc các em có thể nhờ sự can thiệp của tập thể lớp để góp ý. Các em không cần thiết phải dùng điện thoại ghi lại các clip của giáo viên trong giờ học như ghi lại chứng cứ của tội phạm".
GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội
Giadinh
Bình luận (0)